Kể từ ngày 24/4/2017, Nghị định 49/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 25/2011/NĐ-CP và 174/2013/NĐ-CP đã chính thức có hiệu lực, trong đó có nội dung đáng chú ý là thông tin thuê bao di động giờ đây phải bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng. Sau 60 ngày kể từ khi nhận được tin nhắn đầu tiên yêu cầu tới điểm giao dịch chụp ảnh, nếu chủ thuê bao không thực hiện sẽ bị thu hồi SIM.
Sau khi thông tin này được công bố, dư luận đã có nhiều phản ứng trái chiều bởi khi đi đăng ký thông tin thuê bao, người dân đã phải xuất trình chứng minh thư nhân dân (CMTND).
Quy định chụp ảnh khi đăng ký thuê bao gây phiền hà cho người dân.
Trao đổi với PV Dân Việt về quy định mới này ông Nguyễn Tiến Quỳnh – Phó Giám đốc Học viện NetPro (Chuyên về đào tạo Công nghệ Thông tin) cho biết: Nghị định 49 ban hành chỉ đứng về phía người quản lý chứ không đứng về phía khách hàng, người tiêu dùng. Đăng ký thêm hình ảnh của chủ thuê bao di động thì cũng không bảo đảm hơn về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Khi mà các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông họ có thể làm giả CMTND, hoặc lấy CMTND của người này đăng ký số thuê bao của người khác thì không lý gì những hình ảnh đó họ không làm giả được.
Đối với những khách hàng sử dụng nhiều thuê bao di động từ nhiều nhà mạng khác nhau sẽ rất mất thời gian khi phải đến từng nhà mạng để cung cấp hình ảnh cá nhân của mình. Ngoài thời gian thì chi phí mà các nhà mạng phải bỏ ra (thiết bị chụp ảnh, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực) để thực thi Nghị định 49 cũng khá lớn.
Đặc biệt, đối với người già, người khuyết tật gặp khó khăn trong việc di chuyển phải nhờ người thân đăng ký thuê bao hộ thì phải làm cách nào. Hay với những người ở vùng sâu, vùng xa các điểm dịch vụ viễn thông cách xa làng xã của họ thì cũng sẽ gây khó khăn trong việc đi lại để cung cấp hình ảnh cá nhân, bổ sung thông tin thuê bao.
Ngược lại, về phía cơ quan quản lý, theo bà Lê Thị Ngọc Mơ – Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến đầu năm 2016 thì “thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai”. Thế nên việc có một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng quy định là cần thiết cho việc bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Điều này sẽ hạn chế tin nhắn lừa đảo, đe dọa, khủng bố, phát tán thông tin độc hại…
Hiện tại trên thế giới, các quốc gia đều có những quy định quản lý nghiêm về thông tin thuê bao. Đối với các nước phát triển như: Đức, Mỹ, Nhật Bản thiếp lập hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử để mỗi khi thực hiện đăng ký thông tin, người dân cần xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp đối chiếu, xác nhận trên hệ thống. Với các nước Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Ả Rập Xê út, Bangladesh dưới sức ép của công tác chống khủng bố và nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, họ đã yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay của người đến đăng ký thông tin thuê bao.
Tuy nhiên, theo anh Nguyễn Tiến Quỳnh: “Mỗi quốc gia có một bối cảnh xã hội, kinh tế khác nhau, không thể đem Việt Nam so sánh với các nước phát triển, hay các nước đang bị khủng bố. Những nước như: Pakistan, Thái Lan, Ả Rập Xê út,… họ phải bất chấp chi phí và lợi ích để đặt vấn để bảo đảm an ninh quốc gia lên hàng đầu. Còn ở Việt Nam thì lại khác, nước ta hòa bình và được xếp vào top những quốc gia an toàn nhất thế giới. Chúng ta không thể chỉ nhìn phần ngọn mà không nhìn phần gốc, áp dụng máy móc mà không cân nhắc thiệt hơn”.