Đó là chia sẻ của GS Mai Văn Quyền – Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền với NTNN về những trải nghiệm, nhận định mà ông đúc rút sau chuyến cùng đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc tham quan, học tập 7 ngày tại đất nước Hàn Quốc.
Một nền nông nghiệp đáng ngưỡng mộ
Sau 7 ngày tham quan, học hỏi tại các mô hình nông nghiệp ở Hàn Quốc, ông có cảm nhận, đánh giá như thế nào về việc áp dụng công nghệ cao tại xứ sở kim chi?
- Các nông trại nông nghiệp mà các thành viên của đoàn ghé thăm, học tập lần này đều là các mô hình điển hình cho việc áp dụng công nghệ cao tại Hàn Quốc. Từ việc xây dựng nhà kính, nhà nylon đến việc áp dụng các máy móc, thiết bị hiện đại để chăm sóc cây trồng của họ đều rất chuyên nghiệp.
Tôi thấy nhà nông của họ áp dụng công nghệ phủ luống rất bài bản. Công nghệ này mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. Cụ thể, việc phủ luống bằng nylon đen của người Hàn giúp hạn chế việc thoát hơi nước và giữ độ ẩm cho đất. Bên cạnh đó việc phủ luống sẽ làm cho cỏ dại không thể lên và sâu, bệnh cũng ít đi, điều này sẽ giúp chủ vườn tiết kiệm được chi phí sử dụng thuốc trừ cỏ, trừ sâu.
Theo tôi được biết, hiện nay Việt Nam cũng đã áp dụng công nghệ phủ luống nhưng mới chỉ dừng lại ở một số cây trồng như lạc, ngô… Hàn Quốc hầu như họ áp dụng rất triệt để trên rất nhiều loại cây khác nhau. Ở Việt Nam, trong vụ đông xuân có thể áp dụng được công nghệ phủ luống rất hiệu quả, nhất là ở miền Bắc thì càng tốt. Vào mùa hè, việc áp dụng công nghệ trên lại rất khó khăn, do thời tiết mùa này có nhiệt độ rất cao…
Hàn Quốc có diện tích đất rất ít ỏi chỉ khoảng 100.000km2 và dân số chỉ khoảng 50 triệu người, nhưng họ sử dụng đất rất hiệu quả. Đối với nhưng khu ruộng trũng họ quy hoạch để cấy lúa, khu vực chân ruộng cao họ trồng hoa màu. Về quy trình sản xuất của ND Hàn Quốc cũng rất bài bản và chuyên nghiệp, không như ND Việt Nam là tự phát, mạnh ai nấy làm. Nhà nông Hàn họ sản xuất theo quy trình, đặc biệt là việc sử dụng nhiều thuốc sinh học trong phòng, trừ sâu, bệnh đã giúp cho sản phẩm nông sản làm ra rất sạch và có thể tiêu thụ rất dễ dàng kể cả trong nước nước và ngoài nước.
GS Mai Văn Quyền – Chủ tịch Hội đồng khoa học Công ty CP Phân bón Bình Điền (đứng giữa) trao đổi kinh nghiệm áp dụng công nghệ cao với các thành viên của đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc bên ngoài khu vực trồng nhân sâm tại Kang Hwa (Hàn Quốc). ảnh: Trần Quang
Việc áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp ở Hàn Quốc có điểm gì đáng chú ý, thưa ông?
- Tôi thấy việc áp dụng công nghệ của ND Hàn Quốc rất tốn kém. Ví như việc đầu tư áp dụng công nghệ cao để trồng cây trong nhà kính tại nông trại Four Season có chi phí lên đến 1,8 tỷ Won/ha (tương đương với khoảng 36 tỷ đồng Việt Nam). Với kinh phí lớn như thế thì ND Việt Nam bình thường khó có thể làm được nếu như thiếu sự hỗ trợ từ các phía, trong đó có Nhà nước.
Việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm cũng được Hàn Quốc làm rất bài bản. Cụ thể như kênh phân phối nông sản của Hàn Quốc đầu tiên là từ các trang trại, sau đó là các trung tâm sơ chế nông sản do các hợp tác xã (HTX) đứng ra tổ chức. Mô hình HTX của Hàn Quốc tổ chức chặt chẽ, có hệ thống. Cơ quan cao nhất của họ là liên đoàn HTX chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất và chịu trách nhiệm vay vốn, tổ chức tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp phi lợi nhuận.
Trung tâm sơ chế phân loại, đóng gói nông sản theo tiêu chuẩn cao. Có 2 kênh phân phối là chợ bán buôn và trung tâm phân phối nông sản của HTX. Nếu đưa vào chợ bán buôn thì họ bán đấu giá, chất lượng sản phẩm tương đối đồng đều. Những người mua sau đó đưa vào hệ thống siêu thị bán lẻ, hoặc các nơi chế biến thực phẩm… Từ HTX, nông sản vào siêu thị, đến với khách hàng lớn, đơn hàng lớn. Các đơn vị nhận tiêu thụ nông sản họ đặt hàng ngược trở lại đối với các trang trại. Khâu vận chuyển nông sản được xử lý rất nhanh, chỉ trong vòng 1 ngày sau khi có đơn hàng. Hiện ở Hàn Quốc có 32 chợ bán buôn, HTX liên minh xây dựng 6 trung tâm HTX lớn rải rác trên khắp cả nước.
Hàn Quốc có khoảng 10.000 HTX chuyên cây và 10.000 HTX theo vùng. Các HTX này lo cho ND từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Chính vì thế mà ND Hàn Quốc rất yên tâm sản xuất, ít có chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa như Việt Nam…
Thay đổi cách sử dụng phân bón
Tôi và các thành viên của đoàn Nông dân Việt Nam xuất sắc đánh giá rất cao ý tưởng tổ chức của Báo NTNN và các đối tác đưa ND đi tham quan, học hỏi ở nước ngoài. Mong rằng, trong thời gian tới Báo NTNN tổ chức thêm nhiều chuyến “du học” hơn nữa để ND và các doanh nghiệp học hỏi, giao lưu với ND, doanh nghiệp, đơn vị nước ngoài nhằm bổ sung kiến thức hay, bổ ích về phục vụ công việc của mình”. |
Sau chuyến đi này ông có nhận xét, đánh giá như thế nào về việc sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ, sử dụng phân bón của ND Hàn Quốc?
- Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Hàn Quốc khá nhiều, song việc xuất khẩu phân bón của chúng ta sang Hàn Quốc vẫn còn ít. Qua tìm hiểu và khảo sát trong suốt chuyến đi tại các mô hình trồng trọt ở Hàn Quốc, tôi vẫn thấy ND của họ sử dụng khá nhiều phân hóa học. Nhưng việc sử dụng phân bón của họ rất bài bản và chuyên nghiệp. Phần lớn các chủ nông trại Hàn sử dụng phân bón qua hình thức hòa tan và dùng máy tưới trực tiếp. Đây là cách hay giúp cho cây trồng hấp thụ nhanh chất dinh dưỡng và tránh việc tồn dư, rửa trôi lãng phí.
Ở Việt Nam, có nhiều người, nhiều quan điểm cho rằng không nên sử dụng phân hóa học. Đây là quan điểm hoàn toàn sai. Cây trồng cũng giống như gia súc hoặc con người muốn phát triển được phải có khoáng chất như sắt, canxi…Tuy nhiên để bón phân đạt hiệu quả kinh tế cao, tôi khuyên bà con nên bón phân theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại, đúng liều lượng, đúng lúc và đúng cách).
ND Việt Nam được cho là đang lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Qua chuyến đi Hàn Quốc vừa rồi, ông thấy ND bên đó họ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ra sao?
- Cùng với việc sử dụng phân bón, tôi cũng khuyên ND Việt Nam nên hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu hóa học mà nên tăng cường sử dụng các loại thuốc trừ sâu sinh học để phun cho cây trồng để tránh tồn dư trên sản phẩm gây tổn hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chuyến đi “du học” làm nông nghiệp công nghệ cao ở Hàn Quốc lần này không chỉ giúp ND mở mang tầm mắt mà còn giúp chúng tôi – doanh nghiệp sản xuất phân bón học hỏi thêm nhiều kiến thức hay, bổ ích. Sau chuyến đi này trở về chúng tôi sẽ củng cố lại tài liệu cũng như tiếp tục cập nhật công nghệ mới áp dụng vào sản xuất tạo ra các sản phẩm phân bón tốt hơn vừa là để cung cấp cho ND Việt làm giàu. Hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ xuất khẩu sang Hàn Quốc và các nước khác được nhiều phân bón hơn…
Xin cảm ơn ông!