Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải phát biểu chỉ đạo cuộc họp. Ảnh: Quang Anh.
Tham dự cuộc họp phổ biến Nghị định 49/2017/NĐ-CP sáng 22/6 tại Cục Viễn thông có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải, đại diện lãnh đạo Cục Viễn thông, các Sở TT&TT các tỉnh, các cơ quan an ninh liên quan, các doanh nghiệp viễn thông di động...
Vì sao cần phải chụp ảnh thuê bao đăng ký mới?
Mở đầu cuộc họp, bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông đã trình bày về sự cần thiết phải chụp ảnh người đăng ký thuê bao mới. Xuất phát từ thực trạng các doanh nghiệp viễn thông di động trong giai đoạn phát triển ban đầu đã cạnh tranh thu hút thuê bao mới quá nóng, dẫn đến buông lỏng quản lý, ủy quyền cho các đại lý việc xác minh thông tin thông tin thuê bao đăng ký mới mà không kiểm soát.
Hệ lụy là rất nhiều thông tin thuê bao đã đăng ký sai, sử dụng thông tin giấy CMND của người khác hoặc kê khai lấy lệ. Kể cả các thông tin thuê bao có họ tên là “Không có tên”, hình ảnh giấy CMND thay bằng hình Pikachu vẫn được nhà mạng chấp nhận. Hệ lụy là theo ước tính sơ bộ, trong hơn 110 triệu thuê bao di động tại Việt Nam có tới khoảng 2/3 số thuê bao đăng ký thông tin không chính xác.
Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với an ninh toàn xã hội, vì số thuê bao di động có thể sử dụng vào nhiều hành vi phạm pháp, từ nhắn tin rác, gọi điện quấy rối, lừa đảo, tống tiền… Thậm chí ở các quốc gia khác, thuê bao di động đã có thể dùng để kích hoạt bom tự chế từ xa.
Bà Mơ dẫn chứng trường hợp chính Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung đi đăng ký thông tin thuê bao mới, khi đưa giấy CMND ra, giao dịch viên thông báo CMND của ông Trung đã đăng ký hết số lượng tối đa 3 SIM của nhà mạng này, trong khi ông Trung không hề biết đó là những số SIM nào.
“Điều này cho thấy kể cả khi quy trình đăng ký yêu cầu có hình ảnh giấy CMND thì vẫn có thể bị mạo danh, vì vậy cần phải có ảnh chụp người đăng ký thông tin thuê bao mới để đảm bảo giao dịch đăng ký là có thật, tránh việc mạo danh, dùng ảnh CMND của người khác. Hình ảnh cũng có thể dùng để đối chiếu khi cần, cũng như lưu lại được thời điểm đăng ký thuê bao”, bà Mơ cho biết.
Nhà mạng thống nhất phương án triển khai
Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các nhà mạng đều cho biết đã lập tức triển khai thực hiện ngay khi Nghị định 49 được ban hành và có hiệu lực.
Đại diện Viettel cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc theo các quy định, đồng thời đã trang bị hệ thống webcam tại hệ thống các điểm giao dịch để chụp ảnh khách hàng đến đăng ký.
Đại diện MobiFone cũng cho biết đã phổ biến nội dung nghị định và ban hành mẫu đăng ký thuê bao mới đến toàn bộ đại lý trên toàn quốc. MobiFone cũng triển khai ứng dụng bóc tách dữ liệu từ ảnh chụp CMND để đồng bộ với dữ liệu hệ thống.
Tuy nhiên, các nhà mạng đều có chung đề xuất thời hạn 3 tháng từ 24/4 đến 24/7/2017 phải triển khai xong toàn bộ hệ thống đăng ký thuê bao mới đáp ứng theo Nghị định 49 là hơi gấp, đồng thời thời hạn 12 tháng để chuẩn hóa toàn bộ thông tin đăng ký của tất cả các thuê bao trên hệ thống là khó khả thi vì phải lọc dữ liệu và bóc tách thông tin từ hàng chục triệu thuê bao.
Ông Bùi Sơn Nam, Phó Tổng GĐ MobiFone đề xuất đối với các thuê bao đã có thông tin đăng ký chính xác, có thể giảm thiểu phiền hà cho khách hàng bằng cách không cần phải bổ sung thêm hình ảnh chụp nữa, nếu trên hệ thống đã có ảnh chụp giấy CMND.
Thuê bao đăng ký chính xác đã đáp ứng đủ Nghị định 49
Cũng trong phần trình bày của mình, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Thị Ngọc Mơ cho biết các thuê bao di động đã đăng ký thông tin chính xác, có ảnh sao lưu CMND thuộc diện đã đáp ứng đủ các yêu cầu của Nghị định 49.
Các trường hợp thuê bao đăng ký thông tin không chính xác, nếu muốn duy trì số thuê bao sẽ phải đăng ký lại như thuê bao mới và phải chụp ảnh người đăng ký.
Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung cũng khẳng định: “Các thuê bao đã đăng ký thông tin chính xác và có sao lưu hình ảnh CMND theo Thông tư 04/2012/ TT-BTTTT có hiệu lực từ 1/6/2012 sẽ không cần phải chụp lại hình ảnh chủ thuê bao nữa, vì hình ảnh trên CMND có thể coi là hình ảnh chủ thuê bao.”
Nếu các khách hàng muốn kiểm tra thông tin thuê bao của mình, có thể thực hiện bằng cách nhắn tin tới đầu số 1414, gọi điện tới tổng đài hoặc truy cập vào website của nhà cung cấp dịch vụ di động để tra cứu. Nếu thông tin chưa chính xác, khách hàng sẽ cần phải ra điểm giao dịch của nhà mạng để khai báo lại.
Nhà mạng phải có trách nhiệm chuẩn hóa thông tin thuê bao
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết:
“Việt Nam đã có cam kết với các tổ chức quốc tế về đảm bảo cơ sở dữ liệu (CSDL) thuê bao chính xác, nên việc triển khai Nghị định 49 là hết sức cần thiết.”
“Có thể nhận thấy trách nhiệm trong việc dẫn đến tình trạng tỉ lệ thông tin thuê bao không chính xác nhiều như hiện nay là của các doanh nghiệp viễn thông, và đây là trách nhiệm các doanh nghiệp cần phải làm.”
Thứ trưởng Hải lưu ý: “Các nước khác có hệ thống CSDL dân cư thống nhất để tra cứu nên việc triển khai sẽ nhanh và chính xác hơn. Do Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện được hệ thống CSDL này, nên vẫn cần các doanh nghiệp viễn thông chủ động. Sau khi đã đã hoàn thiện mọi quy trình, nếu vẫn cần xác minh thêm nữa thì các doanh nghiệp có thể phối hợp với các cơ quan an ninh. Tuy nhiên, trách nhiệm về độ chính xác thông tin thuê bao là của doanh nghiệp viễn thông.”
“Đối với các thuê bao cũ có thông tin không chính xác cần đăng ký lại, các doanh nghiệp cần hỗ trợ khách hàng để tránh gây phiền hà, nhưng cũng cần thống nhất phương án triển khai, tránh nhà mạng này thực hiện nghiêm túc, nhà mạng khác lại xuề xòa để cạnh tranh không lành mạnh. Nếu biết trường hợp nào làm không chính xác, các nhà mạng có thể báo ngay tới các Sở, Cục Viễn thông, Thanh tra Bộ TT&TT để có hình thức xử lý thật nghiêm”, Thứ trưởng Phạm Hồng Hải nhấn mạnh.