Cá sấu cũng “khóc” vì... ế
Hàng ngàn trại nuôi cá sấu ở TPHCM, Đồng Nai và nhiều tỉnh miền Tây với tổng lượng đàn hàng trăm ngàn con đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán cá sấu quá rẻ, người nuôi thua lỗ.
Ông Mạnh (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) buồn bã cho biết, gần 100 con cá sấu trong trang trại nhà ông đến thời điểm xuất bán nhưng giá quá thấp nên đã phải chờ đợi hơn 3 tháng nay. Dù vậy, giá vẫn giậm chân tại chỗ, ông phải bớt cho ăn để đỡ chi phí. Nếu tháng tới không bán được, nợ sẽ chồng nợ.
Hàng ngàn trại nuôi cá sấu ở TP.HCM, Đồng Nai và nhiều tỉnh miền Tây với tổng lượng đàn hàng trăm ngàn con đang gặp nhiều khó khăn khi giá bán cá sấu quá rẻ, người nuôi thua lỗ
Theo ông Mạnh, giá cá sấu có thời điểm bán 180.000 - 200.000 đồng/kg. Nhưng từ cuối năm 2016, giá cá sấu tụt xuống còn 80.000 đồng/kg. Đến thời điểm này giá cá sấu chỉ còn 70.000 đồng/kg. Trong khi đó, tiền giống cá sấu khoảng 500.000 đồng/con, thức ăn và thuốc cho cá khoảng 700.000 đồng/con nuôi trong hai năm. Tính ra, tổng chi phí cho mỗi con cá sấu (có trọng lượng trung bình 12 kg/con) vào khoảng 1,3 triệu đồng/con. Với mức giá chỉ 70.000 - 80.000 đồng/kg hiện nay, người nuôi lỗ 600.000 - 700.000 đồng/con chưa tính tiền công chăm sóc, điện, nước.
Trong khi giá cá sấu lao dốc, các thương lái cũng “đục nước béo cò” dùng chiêu ép giá để thu mua rẻ mạt. Giá cá sấu càng thấp, họ càng ép, đặc biệt với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. “Vì cần tiền, giải phóng đàn cá nên nhiều người đã cắn răng bán, chịu lỗ”, ông Mạnh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Làng cá sấu TPHCM cho biết, trước đây trang trại nuôi tới trên chục ngàn con thì nay chỉ còn khoảng một ngàn. Nhiều hộ nuôi để mặc 1 tuần hay 10 ngày mới cho ăn một lần nhằm tiết giảm chi phí.
Theo ông Thành, trước đây khi giá cá sấu bị đẩy lên cao nên nhiều người đổ xô đi nuôi mang lại nhiều lợi nhuận. Hiện tại, lượng cá sấu tồn đọng rất lớn, các chủ trang trại không còn kinh phí cũng như động lực để chăm sóc.
Cần làm ăn bài bản hơn
Ông Đào Văn Đang, Phó Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm TP.HCM cho biết, cá sấu cũng như một số sản phẩm khác đang phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, khi xuất sang nước này tới 99,6%. Do đó khi họ ngưng thu mua khiến giá cá sấu giảm mạnh. Tình trạng này làm nhiều trại nuôi phải đóng cửa, chủ yếu là những hộ nuôi nhỏ lẻ, không đáp ứng được điều kiện về chuồng trại và không tìm được đầu ra. Trong 6 năm qua, số cơ sở nuôi cá sấu giảm mạnh, hiện chỉ còn khoảng 40 cơ sở với tổng đàn trên 140.000 con.
Ông Trần Văn Nga, phó Giám đốc Công ty TNHH chăn nuôi kinh doanh cá sấu Tồn Phát cho rằng, với lộ trình giảm thuế theo các cam kết khi tham gia hiệp định thương mại tự do, sản phẩm cá sấu nước ngọt của các nước như Thái Lan, Campuchia và Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam.
“Nếu không có chiến lược xây dựng thương hiệu và đăng ký sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm cá sấu trong nước, ngành cá sấu Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Nga khuyến cáo.
Trước tình hình ngành chăn nuôi cá sấu không sáng sủa, ông Nguyễn Ngọc Thành đề nghị thành lập Hiệp hội cá sấu Việt Nam. Qua đó, để có tiếng nói chung và bảo vệ ngành chăn nuôi cá sấu trước sự cạnh tranh không lành mạnh, tạo kẻ hở cho thương lái nước ngoài vào ép giá.
Hiệp hội giúp cơ quan chức năng làm tốt vai trò định hướng trong tổ chức chăn nuôi, kế hoạch phát triển chăn nuôi cá sấu Việt Nam gắn với công tác quản lý, thay vì để nông dân phát triển chăn nuôi tự phát như hiện nay.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, các bộ, ngành cần có trách nhiệm để giúp người nông dân tránh rơi vào vòng luẩn quẩn như bấy lâu nay. Quan trọng hơn, chính quyền địa phương cũng cần chung tay với người nông dân, đóng vai trò như là “bà đỡ” về xúc tiến thương mại, tiếp cận nguồn vốn, xây dựng thương hiệu...