Vườn nho rừng của gia đình ông Thông cho năng suất khá cao. Ảnh: Vũ Nguyệt (báo Tây Ninh).
Làm cho mình mà cứ như đi ăn…cắp
Chúng tôi ngồi đợi ông trong cái nắng hầm hập 2 giờ chiều trên đất Tây Ninh. Quày quả trở về rồi lại vội vã quay đầu xe, ông Thông bảo “Hàng giao không kịp, vội nhưng vui lắm…”.
Câu chuyện lão nông Nguyễn Văn Thông, 61 tuổi, xã Phan, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) trồng được cây nho rừng rồi mở công ty chế biến rượu vang từ nho rừng dường, nhiều người nghe, nhưng chưa mấy ai tin.
“Trồng được nho rừng để làm rượu vang chưa có ai làm. Tôi làm thứ mới toanh, toàn phải…dấu. Có ai biết đâu mà chẳng dè dặt tin”, ông Thông mở đầu.
Công ty thành lập được 7 tháng, nhưng ông Thông đã viết câu chuyện gàn dở của mình từ 7 năm trước. Đó là ngày ông bỏ công lặn lội vào rừng. Ông nghĩ: “Sim rừng, nhãn rừng, mít rừng, khổ qua rừng…cái nào của rừng cũng quý. Huống hồ nho rừng cả trăm năm được ông bà tận dụng làm thuốc sao mình bỏ quên…”.
Một chùm nho rừng quả mọng, tím rịm khiến ai trông thấy cũng tức thì tướp nước miếng. Ảnh: Nguyễn Vỹ.
Rừng Tây Ninh không còn nhiều như trước, ông tìm qua những cánh rừng ở nước bạn, từ Campuchia tới vùng Tam Giác Vàng. Mang tiền tỷ đi làm “chuyện dã tràng xe cát”, không ít lần ông đối diện trộm cướp giữa rừng khuya.
Mang được cây nho dại về, ông không dám kể cho ai, cứ âm thầm bắc giàn trồng thử. Gắng chiều lòng ông, nho rừng cũng gắng gượng được 1 năm rồi lăn ra…chết sạch. Ông lại vào rừng. Ông lại ăm dầm nằm dề với nho dại nhiều hơn, chăm bón kỹ càng hơn, diện tích cũng mở rộng hơn. Mất đứt thêm 2 năm. Tới đó thì ông hiểu hết tâm tính của nó rồi, chiết xuất được rượu rồi, phải chặt bỏ cao su thôi. |
Ngày chặt hạ cả vườn cao su, người kêu ông khùng, ông nói tránh là trồng gấc. Có anh, em họ hàng lại nổi khùng hỏi: “Giá gấc đang rề rề vậy thì tới bao giờ mới khá lên”. Ông bảo: “Ờ thì trồng gấc…Ấn Độ.
Người ta tưởng thật mới làm ngơ. “Chứ thật ra, họ chửi mình khùng hoặc trộm giống, vườn rộng quá sao quản nổi…”, ông Thông nhớ lại.
“Mần mà thất bại lỡ ra tủi hổ lắm chứ. Nhưng phải chắc ăn tất cả, tui chế biến rượu vang nho rừng mang đi kiểm nghiệm tới cấp Bộ thành công rồi.
Chỉ chờ khi có giấy chứng nhận độc quyền sản phẩm mới công bố được…”, ông Thông rủ rỉ trò chuyện.
Nức tiếng nho rừng
Cây nho rừng có đặc tính ẩn mình giữa đại ngàn rồi cũng bất ngờ xuất hiện với sự lao tâm khổ tứ của ông Thông.
Thường từ tháng 11 âm lịch, cây héo lá, khô rụng dần. Nhìn vườn nho hơn 1 mẫu héo khô, người ta lại được một phen dè bỉu ông Thông. Những ngày tháng đó, ông đi uống cà phê trong xóm cũng không dám ngửa mặt lên vì những ánh mắt nhìn mình như “người giời”. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Đến khoảng tháng 2, cây nho rừng nứt mầm trổi dậy, vươn lên ào ạt. Ngọn vươn tới đâu mang nụ hoa trổ theo tới đó dù lá còn chưa xanh hết màu diệp lục. Ông Thông cho rằng đó bản năng sinh tồn. Đến khi sâu rầy phát hiện thì không kịp, có phá cũng không ảnh hưởng nhiều vì nho rừng đậu từng chùm trĩu nặng.
Tháng 6 – 7, cây bắt đầu kết trái cho thu hoạch. Mỗi dây trưởng thành dài khoảng 20 mét. Trung bình mỗi dây 2 năm tuổi cho khoảng 30 kg trái. Năm sau cây lại cho trái nhiều hơn năm trước.
Đến khâu chế biến, ông Thông khăn gói đi học hỏi các nơi và vừa tự mày mò nghiên cứu làm vang nho. Mẻ rượu đầu thành công, ông đem sản phẩm đi kiểm nghiệm các chỉ tiêu theo quy định. Tỉnh nhà không đủ điều kiện, ông lại vác ba lô đem mẫu ra tận Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia. Kết quả cho thấy, sản phẩm từ nho của gia đình ông đảm bảo an toàn cho người dùng.
Sản phẩm vang nho rừng độc nhất vô nhị ở Việt Nam do ông Thông sản xuất và bản kết quả phân tích an toàn thực phẩm do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Quốc gia thực hiện. Ảnh: Nguyên Vỹ.
Ông Thông kể, làm rượu nho phải qua 6 tháng xay, ủ, đưa vào máy ly tâm lọc nước rồi chưng cất thêm 6 tháng nữa. Tất cả quá trình sản xuất đều khép kín và tuyệt đối tuân thủ quy định bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với số tiền đầu tư gần 5 tỷ đồng trên 2 mẫu đất, năng suất nho rừng đạt 40 – 70 tấn trái/1 mẫu, đến nay ông Thông đã sản xuất được 2 sản phẩm là rượu vang và mật nho nhãn hiệu độc quyền mang tên “Vang Cy”.
Người thích đi con đường ngược
Đằng đẵng ôm mộng liều chí tử rồi cũng tới ngày hân hoan, ông Thông khai trương công ty Vang Cy. Ông lại được nở mày nở mặt với bà con. Hỏi ra mới biết ông Thông từng là “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” nhiều năm liền của huyện Dương Minh Châu. Ông Thông kể 3 đời nhà mình đều gắn với ruộng rẫy. Trước nhà ông thuộc diện nghèo nhất xã, làm đủ thứ nghề từ trồng mía, nuôi bò…
Ông bảo mình khoái đi đường độc đạo. “Ngày xưa cha tôi cứ dạy làm nông nghiệp thì cứ phải đi con đường ngược. Người ta trồng mía thì con trồng mì, người ta hùa nhau đi trồng mì thì con trồng bắp, người ta trồng mía thịt nhiều thì con trồng mía giống…Ngày đó tui là nông dân sản xuất giỏi cũng nhờ cây mía giống.
Theo ông chia sẻ, làm giàu thì phải có tí máu…liều, thậm chí liều…ngoạn mục như cách trồng nho rừng, chế biến rượu vang từ nho rừng. Nhưng cái liều đó là những bước đi mạnh dạn có tính toán kỹ lưỡng thiệt hơn.
“Thành quả hôm nay tôi làm ra tuy chưa tính được cụ thể bằng giá trị vật chất, nhưng bước đi tiếp theo là bài toán kinh doanh sao cho hợp lý. Tham vọng của tôi còn muốn nho rừng, vang từ nho rừng trở thành 1 đặc sản mới của Tây Ninh...". Ảnh: Nguyên Vỹ.
Bên ly rượu vang, chúng tôi hỏi ông còn đủ gan để làm bước liều nào nữa không. Ông chỉ mỉm cười: nông dân mới phải làm việc mới. Bước đi tiếp theo cũng sẽ là sản phẩm hữu ích từ nông nghiệp giá trị cao.