Dân Việt

Hãi hùng đàn châu chấu tre tàn phá tan hoang cây cối vùng biên giới

Hà Hoàng – Sùng Thiên Long 26/06/2017 13:15 GMT+7
Những ngày gần đây tại xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, dịch châu chấu tre lưng vàng đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Việc phun thuốc hóa học và sinh học diệt châu chấu đang gặp không ít khó khăn do tình hình thời tiết diễn biễn phức tạp, địa hình nơi có dịch châu chấu đồi núi hiểm trở, suối sâu, vực cao, vách đá cản ngăn bước chân người dập dịch…

Clip: Hãi hùng đàn châu chấu tre tàn phá tan hoang cây cối vùng biên giới

Những kẻ di cư không cần quốc tịch

Từ trung tâm huyện Sốp Cộp, chúng tôi vượt hàng chục km đèo dốc, suối sâu để đến với xã Mường Lèo – vùng biên giới Việt – Lào thuộc huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La – nơi đang là điểm nóng về dịch châu chấu tre lưng vàng tàn phá mùa màng. Ở đây có những đàn châu chấu di cư tự do từ nước bạn sang với số lượng khổng lồ ước tính tới cả triệu con.

“Khi chúng bay sang đất mình, bóng nắng của đàn châu chấu đen kịt như bóng mây khi trời sắp có bão. Chúng hạ cánh đến đâu là chỉ sau một đêm cỏ cây nơi ấy xơ xác như vừa qua một trận chiến…” – ông Phạm Văn Hùng, Phó Giám đốc Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La cho biết.

img

Những con châu chấu tre  lưng vàng đang  bám đậu trên lá tre ở khu vực bản Liềng xã Mường Lèo

Hiện tại, châu chấu tre lưng vàng đang trong độ tuổi trưởng thành, bay từng đàn lớn, khó kiểm soát. Chúng di chuyển theo hướng gió vào buổi chiều, đó cũng là lúc ở vùng biên cương này có ánh nắng chói chang nên việc quan sát và phun thuốc diệt trừ gặp rất nhiều bất cập.

img

 Đàn châu chấu đậu trên các cành cây cao để gặm nhắm

Qua tìm hiểu của nhóm phóng viên Dân Việt tính đến ngày 15.5. 2017, châu chấu tre xuất hiện tại 21 điểm của huyện Sốp Cộp như: Bản Nậm Pừn, bản Liềng, bản Mạt, bản Huổi Làn, bản Chăm Hỳ… thuộc xã Mường Lèo. Diện tích thiệt hại ước tính 109ha, trong đó có cả diện tích cây lương thực và cây lâm nghiệp.

Châu chấu ở đây thường xuất hiện tập trung, bám dày trên cành cây nhiều nhất vào buồi sáng sớm khi còn có sương mờ. Có lúc mật độ châu chấu lên tới gần 300 con/m2.

Vào buổi trưa, chúng tập trung thành nhiều tốp và bay lơ lửng trên không, chọn bãi đáp mới. Vì thế việc khoanh vùng nơi đàn châu chấu tụ là rất khó; nguy cơ dịch châu chấu lan rộng và bùng phát trở lại ngày càng cao.

Không ai có thể biết được chính xác giờ nào, ở khu vực nào thì châu chấu từ bên kia biên giới sẽ tràn sang cũng như chúng sẽ lựa chọn bản nào làm nơi dừng chân đầu tiên nên bà con lo sợ lắm, họ gọi đàn châu chấu này là “giặc trời”.

img

Ông Lèo Văn Dung, Phó chủ tịch UBND xã Mường Lèo đang kiểm tra những hậu quả mà châu chấu  gây ra

Càng diệt châu chấu càng nhiều

Theo ông Lò Văn Hương, bản Liềng, xã Mường Lèo: “Năm ngoái châu chấu sang nhiều, Nhà nước đã chi tiền tỷ, chúng tôi cũng bỏ nhiều công sức diệt trừ. Cuối năm thấy châu chấu ít đi, tưởng thoát nạn. Nào ngờ 3 tháng nay châu chấu  lại di cư từ bên Lào về rất nhiều. Chúng ở đâu là nương rẫy, cây rừng trụi lá. Người dân chúng tôi đã rất mệt mỏi, rất lo đói nghèo. Mong Nhà nước quan tâm diệt trừ giúp dân để chúng tôi yên tâm sản xuất”.

Chị Lèo Thị Chiêm, bản Liềng chia sẻ: “Nhà tôi cũng trồng lúa trên nương đang lên xanh tốt. Thế mà mấy ngày gần đây đàn châu chấu về phá hoại cây lúa, diệt mãi cũng không hết. Nhiều hộ khác trong bản cũng bị như vậy. Dân bản chúng tôi thu nhập chỉ trông chờ vào ruộng nương thôi. Năm nay tôi lo nhà mình lại đói”.

img

 Nhiều cành tre rừng cũng không còn một chút lá nào do châu chấu gặm nhấm 

Theo quan sát của PV Dân Việt thì mật độ châu gây hại phổ biến ở mức từ 100 – 300 con/m2, một số điểm cá biệt châu chấu có mật độ 3.000 con/m2. Ông Lèo Văn Dung, Phó chủ tịch UBND xã Mường Lèo cho biết: “Trong công tác  phòng chống và diệt trừ châu chấu  tái nhiễm trên địa bàn xã, chúng tôi đã phối hợp với lực lượng  BVTV tỉnh, huyện tích cực triển khai phương án phun thuốc VK 16 WP và thuốc Victory 585 EC  ở nơi có mật độ châu chấu cao. Nhưng do thời tiết diễn biến phức tạp với địa hình dốc, rừng rậm nên việc lấy nước phun thuốc chưa được hiệu quả. Có những điểm vừa phun xong thì đàn châu chấu khác lại bay tới tái nhiễm nên phải phun đi phun lại nhiều lần. Chúng tôi rất lo dịch châu chấu bùng phát trở lại.”.

“Sức tàn phá của châu chấu tre lưng vàng là rất lớn. Chúng không chỉ tấn công các loại cây lương thực mà còn tàn phá cả các loại cây rừng. Mấy năm nay chúng tôi đã rất quyết liệt diệt trừ châu chấu theo sự chỉ đạo của tỉnh Sơn La nhưng vì đây là đàn châu chấu di cư đến từ biên giới Lào nên rất khó kiểm soát” – ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La.