Dân Việt

Giá nông sản hôm nay 27.6: Không bán tiêu giá dưới 80.000 đ/kg, cà phê tăng nhẹ

Thiên Hương (tổng hợp) 27/06/2017 06:01 GMT+7
Giá nông sản hôm nay (27.6), giá cà phê thế giới tăng nhẹ trên cả 2 sàn giao dịch thế giới nhờ thời tiết vẫn có xu hướng ảnh hưởng đến vụ mùa cà phê tại Brazil và thông tin về nguồn cung hạn chế ở các nước xuất khẩu lớn. Tại thị trường trong nước, giá cà phê và hồ tiêu gần như không đổi so với phiên cuối tuần trước.

img

Giá nông sản hôm nay (27.6), giá cà phê tăng khá tốt trên cả 2 sàn quốc tế. Ảnh minh họa

Thế giới đang "trông" vào nguồn cung cà phê từ Việt Nam

Thị trường cà phê ngày 26.6, giá cà phê thế giới tiếp đà tăng của phiên cuối tuần trước và tăng trên cả hai sàn. Giá cà phê robusta trên sàn London kỳ hạn tháng 9.2017 có lúc tăng tới 21 USD/tấn, đạt mức cao nhất 2.099 USD/tấn, tuy nhiên giá đóng cửa lại giảm về mức 2.090 USD/tấn. Khối lượng giao dịch đạt 10.630 lô.

Sàn arabica kỳ hạn tháng 9 có lúc cũng tăng cao nhất 3.60 cent/lb (1lb gần bằng 0,45kg), nhưng đến cuối phiên thì chốt tại 124.50 cent/lb, tăng 1.50 cent/lb, tương đương 1,12%. Khối lượng giao dịch đạt 20.022 lô. 

Mặc dù giá thế giới tăng tốt, song giá cà phê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên hôm 26.6 không đi theo giá thế giới và gần như đứng im, thị trường giao dịch quanh mức 44.000 - 44.700 đồng/kg. Thậm chí, giá cà phê robusta xuất khẩu giao dịch tại cảng TP.Hồ Chí Minh, giá FOB còn giảm từ mức 47.100 cuối tuần trước xuống còn 46.500 đồng/kg. 

img

Giá cà phê tham khảo tại thị trường Tây Nguyên ngày 26.6. Nguồn: tintaynguyen.com

Một số nhà phân tích kỹ thuật cho rằng tuy nhìn New York tăng mạnh trong hai phiên mới nhất, song vẫn chưa có gì chắc chắn và bền vững cho sự tăng giá vì tồn kho tại Bắc Mỹ và EU theo báo cáo gần nhất tăng. Các quỹ đầu cơ chủ yếu vẫn theo hướng bán ra, khi lượng dư bán trên sàn này ngày 20.6 đạt mức 35.669 lô, đến nay vẫn còn xấp xỉ 40.000 lô.

Bên cạnh đó, mặc dù chốt phiên cuối tuần qua giá cà phê tăng mạnh trên cả 2 sàn thế giới, song tính chung cả tuần thì giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 9.2017 đã giảm 47 USD/tấn, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 2,95 cent/lb. Còn giá cà phê nhân xô trong nước đã giảm 900 đồng/kg.

Cùng với những diễn biến về đồng Real của Brazil sụt giảm trong rổ tiền tệ mạnh đã kéo theo nhiều loại hàng nông sản giảm giá (do Brazil là nhà sản xuất hàng đầu); Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất USD làm đồng nội tệ nhiều nước mất giá... thì lúc này các nhà buôn cà phê thế giới đều nhìn vào các số liệu của cà phê Việt Nam - do nước ta là nơi sản xuất cà phê robusta hàng đầu với lượng xuất khẩu hàng năm xấp xỉ 25 triệu bao, hàng lên tàu bình quân hơn 2 triệu bao mỗi tháng. Lúc này, cà phê robusta tại Brazil mới bắt đầu vào vụ thu hoạch, sản lượng của Indonesia thì chưa rõ ràng nên thị trường chưa thể lấy làm căn cứ áp giá. 

Tuy nhiên, theo thống kê trong niên vụ 2016/2017, Việt Nam đã xuất hơn 19 triệu bao, ước tính chỉ còn khoảng hơn 5 triệu bao trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nông dân nắm giữ khoảng hơn 2 triệu bao. Như vậy so với nhu cầu xuất khẩu, cà phê Việt Nam hiện đang thiếu hụt khoảng 6 triệu bao. Do đó, một số nhà phân tích dự đoán giá cà phê robusta trong ngắn hạn sẽ rất khó giảm. 

Hiệp hội Hồ tiêu khuyến cáo nông dân không bán tiêu dưới 80.000 đồng/kg

Tuần qua, giá tiêu trong nước có xu hướng nhích lên từ 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tuần trước đó, song giá vẫn loanh quanh ở mức 76.000 - 79.000 đồng/kg. Dự báo, giá hồ tiêu trong tuần này cũng rất khó có cơ hội bứt phá do sản lượng hồ tiêu tại Việt Nam vẫn còn nhiều. Để có thể vực dậy giá tiêu trong nước thời gian tới, các chuyên gia nhấn mạnh nông dân không nên bán tiêu khi giá vẫn dưới 80.000 đồng/kg. 

img

Giá nông sản hôm nay 27.6, giá hạt tiêu tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ vẫn ở mức dưới 80.000 đồng/kg. Ảnh minh hoạ.

Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tiêu của nước ta cao hơn cùng kỳ năm trước đến 13%, tức là đã bán được 101.000 tấn, tương đương với kim ngạch 600 triệu USD. Tuy lượng tăng nhưng mức thu nhập lại giảm xuống 30% so với những năm trước do giá hồ tiêu xuống thấp. Nguyên nhân trước hết là do sản lượng hồ tiêu của Việt Nam năm nay tăng mạnh.

Ông Nam cho rằng, khi cung vượt cầu lớn thì chắc chắn giá bán sẽ phải giảm. Hơn nữa, khi giá hồ tiêu thế giới đang đà giảm thì Việt Nam lại vào vụ thu hoạch. Tâm lý của người nông dân bao giờ cũng nghĩ rằng phải đẩy nhanh việc bán sản phẩm để bảo đảm bù lại toàn bộ chi phí bỏ ra, tức là không phải chịu lỗ, còn sau đó mới tính đến lãi. Yếu tố này càng làm cho giá cả hồ tiêu “lao dốc không phanh”.

Trên thị trường xuất khẩu, sản phẩm hạt tiêu của Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế. So với Ấn Độ, hạt tiêu của Việt Nam không những cạnh tranh tốt về sản lượng mà còn áp đảo về giá. Hiện, giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam chỉ giao dịch trong khoảng 5.000 – 5.200 USD/tấn, trong khi giá tiêu đen xuất khẩu của Ấn Độ vẫn xung quanh ngưỡng 8.300 USD/tấn.

Lý giải vì sao Việt Nam chiếm hơn một nửa sản lượng hồ tiêu toàn cầu mà lại không thể chi phối về giá, ông Đỗ Hà Nam nói: "Thực tế cho thấy bất cứ một nước nào, loại sản phẩm hàng hóa nào chỉ cần chiếm 30% sản lượng toàn thế giới đã có thể điều tiết được giá cả toàn cầu. Thế nhưng năm 2016, hồ tiêu Việt Nam đã chiếm gần 42%, năm 2017 dự kiến khoảng 60% sản lượng thế giới song vẫn không thể làm chủ được thị trường là do nhiều yếu tố. Trong đó, một yếu tố theo tôi cũng khá quan trọng đó là do nông dân chúng ta “tự đẩy mình vào thế bất lợi” khi ồ ạt bán hồ tiêu vào những thời điểm nhạy cảm”.

Nhiều năm trước khi giá hồ tiêu xuống thấp thì nông dân chúng ta không bán, giá lên mới bán do sản lượng ít. Nhưng hiện nay, một phần do sản lượng quá lớn, cộng với do chưa nhận định đúng thị trường nên bà con đã bán tháo sản phẩm làm cho giá bị đẩy xuống.

"Để khắc phục điều này, với vai trò của mình, chúng tôi khuyên nông dân, bất cứ vì lí do nào, thời điểm nào cũng không nên bán hồ tiêu dưới mức giá 80.000 đồng/kg thì ắt sẽ chi phối được thị trường các nước khác" - ông Nam nhấn mạnh.