Thực tế sáng tỏ
Trung tuần tháng 6 vừa qua, ban cố vấn chương trình tổ chức thăm đồng để đánh giá sơ bộ kết quả triển khai mô hình vụ hè thu 2017 tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bến Tre và Tiền Giang. Từ cán bộ khuyến nông, chính quyền địa phương, đến nông dân đều khẳng định tính vượt trội hơn hẳn của mô hình.
Muốn thu được lợi nhuận cao từ sản xuất lúa không còn cách nào khác là phải tiết giảm tối đa chi phí đầu tư (đầu vào); gói kỹ thuật sản xuất lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu của Bình Điền đã đạt được điều này.
Bắt đầu là giảm lượng giống, từ 200 kg, thậm chí tới 300kg/ha xuống 80kg, khuyến khích sạ dưới 80 kg /ha, nông dân Dương Văn Sơn, ở ấp Hỏa Vàm, xã Thanh Yên A, huyện U Minh Thượng, Kiên Giang, nói: “Sạ thưa, cây lúa nở bụi nhanh, chồi to, lá cứng đứng thẳng, dù bị hạn vẫn phát triển tốt. Trước giờ quen sạ dày, nay yêu cầu sạ thưa cũng đắn đo, lo suốt một tuần sau sạ, nhưng qua 10 ngày thì thở phào, cây lúa phát triển qua mỗi đêm mỗi khác, đến 25 ngày thì mừng vì ngó qua thấy ăn đứt lúa bên ruộng ngoài mô hình”
Tại xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, Vĩnh Long, coi 2 ruộng lúa trong và ngoài mô hình đã trổ bông, ông Trần Văn Sơn, Phó GĐ Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long, so sánh: “Ruộng trong mô hình gốc lúa sáng, thông thoáng, lá lúa đứng thẳng, bông lúa to, số hạt trên bông nhiều, trong khi ruộng bên ngoài mô hình gốc lúa tối, cây lúa ken dày đặc, lá mềm oặt, bông nhiều nhưng nhỏ và ngắn, số hạt trên bông ít, khả năng đổ ngã cao; thấy năng suất bên này cao hơn bên kia là cái chắc rồi”.
Ở ấp Gò Me, xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, đây là vùng biển mặn, vụ hè thu năm nay bà con vừa sạ xong, bị mưa dập liền mấy trận, nhưng do làm mương thoát nước rộng, nước thoát nhanh nên sau ba ngày hạt giống rất sáng, cây lúa phát triển nhanh. Đế nay, “qua 40 ngày sau sạ, lúa trong mô hình đẹp thấy mê”- ông Cao Văn Nhân, ở ấp Gò Me xuýt xoa.
Giảm giống sạ, tức giảm mật độ cây lúa sẽ giảm phân bón. Cây lúa cứng, không bị đổ ngã thì giảm được công cắt. Cây lúa cứng khỏe thì giảm sâu bênh phá hoại, tức là giảm phun thuốc BVTV, giảm công xịt thuốc, vừa giảm tác hại sức khỏe lại góp phần bảo vệ mội trường sinh thái…
Ông Lê Văn Phước, ở ấp Bình Phú, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, Bến Tre rất tâm đắc với công thức phân bón của Bình Điền, ông nói: “Cứ rải phân theo đúng công thức, khỏi phải lo nghĩ gì, cây lúa không xanh mướt như khi rải quá nhiều phân đạm nhưng lá lúa cứng khỏe, sâu hại không tấn công được. Phân bón lót Đầu Trâu Mặn- Phèn của Bình Điền là một đột phá cho người trồng lúa, nhất là ở những vùng đất thường bị hạn hán, nhiễm mặn, nhiễm phèn”.
GS.TS Mai Văn Quyền, Trưởng ban cố vấn chương trình thống kê thật chi tiết nếu thực hiện gói kỹ thuật của chương trình: toàn vùng sẽ giảm được 100 ngàn tấn thóc giống, 115.500 tấn Ure, rồi thuốc bảo vệ thực vật…/1vụ- những con số thành tiền không nhỏ, lại có ý nghĩa bảo vệ môi trường, trong khi mỗi ha vẫn cho lợi nhuận cao hơn 4,5 triệu đồng. Thực tế ở tỉnh Hậu Gang, bà con chỉ sạ 40 kg giống/ha, bón 50% lượng phân được chương trình khuyến cáo mà vẫn đạt năng suất 7,1 tấn thóc/ha, trong khi bên ngoài mô hình nông dân sạ gần 200 kg giống/ha, bón phân cao hơn 2 lần, xịt thuốc BVTV nhiều hơn mà chỉ thu về được 6,9 tấn thóc/ha”.
Đã có đủ cơ sở để nhân rộng
Qua 4 vụ sản xuất, gói kỹ thuật canh tác lúa thông minh của Bình Điền đã đủ sức thuyết phục nông dân toàn vùng. Mỗi vụ làm mô hình ở một xã, một huyện khác nhau, rải đều khắp các vùng trọng điểm trồng lúa. Người được tham gia mô hình thì tin tưởng, cứ vậy mà làm theo trong các vụ sau, người chưa được tham gia cũng tranh thủ học hỏi để làm theo kỹ thuật từ mô hình. Ông Cao Văn Nhân, ở Gò Công Đông, Tiền Giang tham gia mô hình 5 công ruộng, sạ xong thấy cây lúa bén rễ nhanh, phát triển tốt, số ruộng còn lại 15 công, ông thực hiện luôn theo đúng gói kỹ thuật của chương trình. Vậy là cả 2 ha ruộng của ông mùa này hứa hẹn cho năng suất trên 8 tấn/ha. Ở Lấp Vò, Đồng Tháp, vụ hè thu 2017 đã có 200 ha lúa của nông dân bước đầu thực hiện theo gói kỹ thuật của chương trình.
Ông Nguyễn Thanh Phong, phó bí thư đảng ủy xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông, nói: “Địa phương rất ủng hộ cách làm của Bình Điền, nó giúp sức thiết thực cho sản xuất lúa và công tác khuyến nông tại địa phương; nó còn tạo ra không khí sản xuất đoàn kết, phấn khởi trong cộng đồng. Bà con cùng nhau gieo sạ, bón phân, hàng tuần đi thăm đồng, không chỉ mấy hộ làm mô hình mà cả các hộ ngoài mô hình, cán bộ khuyến nông, như hôm nay có hơn 40 hộ tham gia.”
Nông dân ở An Giang, Bạc Liêu, Cần Thơ đều mong chương trình tiếp tục trong các vụ tới. GS.TS Mai Văn Quyền cho biết: “Ban cố vấn nhận thấy đã có đủ cơ sở để khép lại việc tổ chức các mô hình sản xuất trình diễn sau vụ hè thu 2017. Thông qua hệ thống khuyến nông, chương trình sẽ chuyển tới nông dân toàn vùng Cẩm nang canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, gồm những kiến thức kỹ thuật phổ thông, đã được đúc rút từ thực tiễn qua đủ các vụ sản xuất lúa trong năm, giúp nông dân dễ dàng áp dụng để đạt hiệu quả sản xuất cao nhất, thu lời từ trên 50%, có thể làm giàu từ trồng lúa.
Nông dân trở thành chuyên gia trên đồng ruộng của mình.