Dân Việt

Đặc sản bọ cạp vùng Bảy Núi: Cắn phát nghe nổ giòn và beo béo

Phương Đông (theo Wanderlust Tip) 27/06/2017 13:30 GMT+7
Đến vùng đất Bảy Núi (An Giang), du khách không chỉ được chiêm ngưỡng nhiều danh lam thắng cảnh đẹp mà còn có cơ hội nếm thử nhiều đặc sản thơm ngon trong đó có món bò cạp Bảy Núi độc đáo, lạ miệng.

img

Ngoài bò cạp chiên giòn để thay đổi và làm tăng thêm khẩu vị, người ta còn sáng tạo món thêm nhiều món từ bò cạp Bảy Núi như bò cạp rang muối, bò cạp xiên que nướng, bò cạp xào sả ớt, bò cạp sữa chiên, mỳ xào bò cạp, bò cạp chiên bơ, v.v…

Bò cạp Bảy Núi (người địa phương thường gọi là bù kẹp), cò màu đen nhánh, 2 càng to, kích thước bọ cạp to cỡ bằng con dế cơm. Thoạt nhìn, bò cạp có nét giống con gián nhưng quan sát kỹ sẽ thấy nhiều nét khác biệt. Đối với người dân vùng Bảy Núi, bò cạp là động vật vừa có thể làm thuốc trị bệnh vừa có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng.

img

Bảy Núi hay còn gọi là Thất Sơn, đây là vùng đất gồm bảy ngọn núi nổi tiếng trên đồng bằng miền Tây Nam Bộ, thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Bò cạp Bảy Núi được xem là món ngon đặc sản của vùng đất này.

Từ nguyên liệu là bò cạp, người ta có thể chế biến ra nhiều món ăn ngon. Cách làm đơn giản và phổ biến của người dân vùng Bảy Núi là sử dụng bò cạp để chiên giòn. Bò cạp bắt về được cho vào thau vài ngày cho “sạch bụng”.

img

Để bắt được những con bò cạp chắc thịt, to càng về làm nguyên liệu, người dân phải trang bị một cây cuốc, một cây kẹp, một chiếc xô và phải lên tận núi mới có. Tìm thấy tảng đá nào khả nghi, họ chỉ cần lật sang một bên, nhìn miệng hang thò kẹp vào là có ngay một con bò cạp.

Sau đó, người dân chỉ việc để nguyên con và rửa sạch, cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Khoảng vài phút sau, bò cạp chín sẽ bốc mùi thơm lạ lùng. Bò cạp dùng kèm rau thơm, cà chua, dưa leo và vài cọng ngò, chấm với muối tiêu chanh.

img

Bên cạnh đó, một số người Khmer địa phương còn dùng bò cạp ngâm với rượu để chữa các chứng đau lưng, nhức mỏi, đau khớp…

Cắn một miếng bò cạp, nghe nổ giòn và beo béo trong răng. Ngoài vị nhân nhẩn của cỏ cây thuốc còn đọng lại trong bao tử chúng, còn có vị béo bùi đặc trưng mà côn trùng khác không có.