Giá nông sản hôm nay (28.6), dự báo giá cà phê có triển vọng tăng tốt. Ảnh minh họa.
Giá cà phê dự báo tiếp tục tăng
Ngày hôm qua (27.6), thị trường cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên đã hồi phục nhẹ 200 đồng/kg, giao dịch quanh mức 44.100 – 44.900 đồng/kg. Đáng chú ý, giá cà phê nguyên liệu tại Buôn Hồ (tỉnh Đăk Lăk) đã cán mốc 45.000 đồng/kg; nhiều nơi giao dịch ở mức 44.900 đồng/kg như Gia Lai, Đăk Nông.
Tại cảng TP.HCM, giá cà phê robusta FOB phiên 27.6 cũng đã tăng thêm 12 USD/tấn, chốt tại mức 2.030 USD/tấn, với mức chênh lệch trừ lùi 50 – 60 USD theo giá kỳ hạn tháng 9 tại sàn giao dịch London.
Giá cà phê nhân xô tại thị trường trong nước ngày 27.6 đã có nơi chạm mốc 45.000 đồng/kg. Nguồn: tintaynguyen.com.
Trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta cũng tiếp nối đà tăng trở lại. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 13 USD, lên 2.076 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 12 USD, lên 2.090 USD/tấn, các mức tăng nhẹ. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, trên sàn ICE US – New York, giá cà phê Arabica cũng tăng tiếp phiên thứ 2. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng thêm 2 cent, lên 121,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 1,5 cent, lên 124,5 cent/lb. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) dự báo giá cà phê Arabica tương lai tại New York sẽ đạt mức trung bình 135 cent/lb vào quý 4 năm nay, giảm 10 cent/lb so với dự báo lần trước, nhưng vẫn cao hơn giá thị trường hiện nay.
Theo Rabobank, báo cáo từ vụ thu hoạch cà phê Brazil cho biết không thể lặp lại mức sản lượng cao như năm ngoái khi chất lượng cà phê đạt dưới mức trung bình. Ngân hàng này cũng hạ dự báo giá cà phê Robusta kỳ hạn chỉ đạt mức 1.980 USD/tấn vào quý 4, giảm 20 USD/tấn so với dự báo lần trước.
Ngành hồ tiêu ngày càng nhiều bất ổn
Giá nông sản hôm nay (28.6), dự báo giá tiêu sẽ ít có biến động, nối tiếp diễn biến giá của tuần trước. Trong ngày hôm qua (27.6), giá tiêu tại thị trường nội địa vẫn giao dịch quanh mức 76.000 - 79.000 đồng/kg, duy hạt tiêu ở Đồng Nai đã giảm thêm 2.000 đồng/kg, xuống còn 75.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá hạt tiêu giao ngay tại sàn Kochi (Ấn Độ) đã chấm dứt chuỗi ngày giảm giá "không ngừng nghỉ" khi hôm qua, giá giao dịch đã tăng nhẹ và đạt 50.500 rupee/tạ, tăng 25 rupee/tạ.
Giá nông sản hôm nay (28.6), dự báo giá hồ tiêu nội địa ít có biến động. Ảnh minh hoạ.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cả nước hiện đang có 18 doanh nghiệp chế biến hồ tiêu lớn; 12 nhà máy xử lý bằng công nghệ hơi nước và 1 nhà máy xử lý bằng khí Ethylen Oxyt (ETO), có khả năng xử lý đạt 30% sản lượng xuất khẩu. Các doanh nghiệp còn lại chủ yếu gia công sơ chế lại sản phẩm bằng dây chuyền tách tạp chất và phân loại sản phẩm trước khi xuất khẩu.
TS Nguyễn Như Hiến (Cục Trồng trọt - Bộ NNPTNT) cho biết, mặc dù chiếm sản lượng lớn nhất thế giới, nhưng nội tại ngành hồ tiêu Việt Nam đang có nhiều bất ổn mà hệ quả chủ yếu do tăng trưởng diện tích quá "nóng". Năng suất hồ tiêu những năm gần đây không tăng do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, năm 2010 năng suất đạt 25 tạ/ha, năm 2015 đạt 26,1 tạ/ha, năm 2016 hạn hán xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ làm năng suất giảm còn 24,4 tạ/ha.
Giá hạt tiêu xuất khẩu cũng giảm liên tiếp sau khi lên mức cao kỷ lục năm 2015; vào tháng 7.2015, giá tiêu đạt mức cao nhất 11,33 USD/kg tiêu đen và 16,50 USD/kg tiêu trắng tại thị trường New York (Mỹ); đến tháng 12.2016 giảm còn 7,98 USD/kg tiêu đen và 11,69 USD/kg tiêu trắng.
Theo bà Nguyễn Mai Oanh - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, với đặc thù 97% hồ tiêu của Việt Nam là dành cho xuất khẩu, hơn lúc nào hết, người sản xuất hồ tiêu của Việt Nam cần hết sức quan tâm tới diễn biến, tín hiệu của thị trường thế giới để định hướng sản xuất cho mình mới có thể tránh được rủi ro và đem lại lợi nhuận.