Dân Việt

Sơ hở của Trump trong cáo buộc Obama thông đồng với Nga

Trí Dũng 27/06/2017 21:00 GMT+7
Việc Trump cáo buộc người tiền nhiệm không làm gì để đáp trả Nga can thiệp bầu cử Mỹ mâu thuẫn với tuyên bố trước đây của ông.

img

Ông Trump gặp ông Obama tại Nhà Trắng sau khi đắc cử. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa lên tiếng cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama thông đồng với Nga hoặc cản trở công lý vì "không làm gì" để đáp lại sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, cây bút Linda Qiu của NYTimes cho rằng cáo buộc này của Trump còn nhiều sơ hở, thậm chí là mâu thuẫn với tuyên bố trước đây của ông.

"Hôm nay tôi lần đầu tiên nghe được rằng Obama đã biết về Nga rất lâu trước cuộc bầu cử nhưng không làm gì để đối phó. Thế mà chẳng ai muốn nói về chuyện đó cả", ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với chương trình "Fox and Friends" phát sóng hôm chủ nhật. "Nếu ông ấy có thông tin, tại sao ông ấy không chịu làm gì?"

Tuyên bố trên được Trump đưa ra sau khi tờ Washington Post đăng bài viết hôm 23/6 rằng Obama đã biết về chiến dịch can thiệp bầu cử Mỹ của Nga từ tháng 8/2016, nhưng không công khai phát hiện này vì lo ngại sẽ làm chính trị hóa cuộc bầu cử cũng như leo thang căng thẳng với Moscow.

Theo Qiu, ông Trump dường như đã bị "hớ" khi nói rằng đây là lần đầu tiên ông biết về thông tin Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Từ hè năm ngoái, những cáo buộc về các cuộc tấn công mạng của Nga đã lan truyền rộng rãi và rõ ràng cả ông Obama lẫn ông Trump đều biết về nghi vấn đó. Tuy nhiên, chính ông Trump lại nhiều lần bác bỏ khả năng Nga đứng sau chiến dịch tấn công mạng này.

Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC) hồi tháng 6/2016 tuyên bố tin tặc Nga đã thu được hàng nghìn email nội bộ và các nghiên cứu về đối thủ của đảng này. Trump sau đó cho rằng DNC đã thêu dệt nên câu chuyện và "tự hack chính mình".

"Chúng tôi tin rằng chính DNC đã tự thực hiện vụ 'tấn công' như một cách để phân tán sự chú ý ra khỏi những vấn đề mà ứng viên đầy sai sót và lãnh đạo bất tài của họ đang đối mặt", ông Trump tuyên bố. "Thật tệ là DNC không hack 33.000 email mất tích của Hillary Clinton".

Một tháng sau, khi cộng đồng tình báo Mỹ đều nhất trí rằng Nga là thủ phạm đứng sau cuộc tấn công mạng, ông Trump vẫn từ chối lên án Tổng thống Vladimir Putin.

"Hỡi nước Nga, nếu các bạn đang lắng nghe, tôi hy vọng các bạn có thể tìm thấy 30.000 email đang mất tích", Trump tuyên bố trong một cuộc họp báo, nhắc tới những email bị xóa từ máy chủ riêng của bà Clinton. Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer hôm qua nói rằng ông Trump chỉ đang "đùa" khi đưa ra phát ngôn này.

Đầu tháng 8/2016, ông Trump và bà Clinton trở thành ứng viên chính thức của hai đảng ra tranh cử và được nghe các báo cáo tình báo sơ bộ. Các thành viên đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện và Thượng viện Mỹ hôm 22/8 ra tuyên bố cáo buộc Nga đứng sau cuộc tấn công mạng nhắm vào bầu cử Mỹ. 4 ngày sau, trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ nhất, ông Trump bác bỏ cáo buộc này, cho rằng thủ phạm tấn công mạng có thể là Trung Quốc hoặc "gã béo phì nào đó ngồi trên giường".

Ngày 7/10, giám đốc tình báo quốc gia và Bộ An ninh Nội địa Mỹ ra tuyên bố chung nói rằng họ "tin rằng chính phủ Nga" đã ra lệnh thực hiện các cuộc tấn công mạng nhắm vào bầu cử Mỹ. Ông Trump một lần nữa tỏ ra nghi ngờ cáo buộc này. Trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ hai, ông nói rằng "có thể chẳng có vụ tấn công mạng nào cả".

Cáo buộc sai

Qiu cũng cho rằng việc Trump tuyên bố Obama "không chịu làm gì" để đối phó với hành động can thiệp bầu cử của Nga không dựa trên những sự việc đã xảy ra trong thực tế.

Obama trên thực tế đã có hành động đối phó với Nga, dù cách phản ứng của ông khiến nhiều thành viên đảng Dân chủ chưa hài lòng và cho rằng Mỹ lẽ ra phải quyết liệt hơn thế.

John O. Brennan, cựu giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), đã cảnh báo người đồng cấp Nga không được can thiệp bầu cử Mỹ vào ngày 4/8/2016, theo tuyên bố của ông trong cuộc điều trần trước quốc hội hồi tháng 5. Cũng trong thời gian này, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã khuyến nghị chính quyền các bang về những âm mưu xâm nhập hệ thống đăng ký cử tri và khuyến khích họ tìm kiếm sự hỗ trợ, theo tuyên bố của cựu bộ trưởng An ninh Nội địa Jeh Johnson.

Tháng 9/2016, Obama đã trực tiếp cảnh báo Putin về vấn đề này trong hội nghị G20 diễn ra ở Trung Quốc. Ông Obama xác nhận trong một cuộc họp báo cuối năm ngoái rằng ông đã yêu cầu Tổng thống Nga "chấm dứt việc làm này" và giải thích rằng ông không muốn đưa ra biện pháp trả đũa vì e ngại Moscow có thể gia tăng các cuộc tấn công mạng.

Ngày 29/12, Obama áp đặt lệnh cấm vận với Nga và trục xuất 35 công dân Nga bị tình nghi là điệp viên của cơ quan tình báo nước này. Ông cũng cho phép tình báo Mỹ cài cắm các vũ khí tấn công mạng vào hệ thống cơ sở hạ tầng của Nga, theo Washington Post. Hai ngày sau, ông Trump tuyên bố ông vẫn không cảm thấy thuyết phục trước việc Mỹ trừng phạt Nga.

Ngày 6/1, văn phòng giám đốc tình báo quốc gia Mỹ công bố một báo cáo giải mật về chiến dịch tấn công mạng của Nga nhắm vào Mỹ. Sau khi được báo cáo về chiến dịch tấn công này trong ngày hôm đó, ông Trump ra tuyên bố chỉ trích "Nga, Trung Quốc và các nước khác".

Sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump liên tục mở rộng diện "nghi phạm" gây ra các cuộc tấn công mạng và không chịu chính thức tuyên bố Nga phải chịu trách nhiệm cho hành động này trong một loạt cuộc phỏng vấn.

Ông cũng không có bất cứ biện pháp phản ứng nào ngay cả khi một loạt quan chức tình báo cấp cao của Mỹ, trong đó có Brennan và Johnson, xác nhận Nga can thiệp bầu cử Mỹ trong các phiên điều trần trước quốc hội. James Clapper, cựu giám đốc tình báo quốc gia, tuyên bố ông "hoàn toàn" chắc chắn về những hành động can thiệp của Nga. James Comey, cựu giám đốc FBI, cũng khẳng định ông "không hề nghi ngờ gì" về điều đó.

Nhà Trắng cũng không xác nhận việc Tổng thống Trump có tin rằng Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 hay không. "Tôi chưa ngồi lại và trao đổi với Tổng thống về điều đó", ông Spicer trả lời các phóng viên.