Dân Việt

Giá cát tăng phi mã, nhiều dự án đội vốn “khủng”

Huỳnh Xây – Hồng Cẩm 29/06/2017 06:30 GMT+7
Tình trạng thiếu cát và giá cát tăng cao khiến nhiều dự án giao thông trọng điểm bị ảnh hưởng là điểm mấu chốt được phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng làm rõ khi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và các cơ quan liên quan gần đây.

Cung không đủ cầu

Tại buổi làm việc, nhiều địa phương cho biết tình trạng thiếu cát và giá cát tăng cao ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, trong đó có các dự án giao thông trọng điểm. Bức xúc về việc nguồn cung cát xây dựng không đủ cầu, ông Lâm Quang Thi - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói: “Có nơi giá cát tăng từ 200-300%, các công trình đầu tư của T.Ư và địa phương đều bị đội chi phí đầu tư”.

img

Hoạt động khai thác cát ở An Giang đang được  siết chặt. Ảnh: H.X 

Để đảm bảo nguồn cát phục vụ các công trình của T.Ư và địa phương hoàn thành theo tiến độ đề ra, các địa phương cần phải được cho tự chủ việc cấp phép khai thác cát (có đánh giá tác động môi trường) và không cần lấy ý kiến người dân”.

Ông Lâm Quang Thi

Cũng theo ông Thi, thực tế nguồn cát là không thiếu (trục sông Mekong qua An Giang, Đồng Tháp có trữ lượng nguồn cát lớn, phục vụ cho các công trình xây dựng). Nguyên nhân là do, thực hiện chủ trương về tăng cường quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác cát nên thời gian gần đây, các địa phương ngừng cấp phép khai thác các mỏ cát mới, kể cả các dự án nạo vét sông, luồng lạch.

 Ông Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cảnh báo, nếu không giải quyết được vấn đề thiếu cát và giá cát thì không có công trình Nhà nước đầu tư nào triển khai nhanh được. Từ đó sẽ dẫn tới ách tắc các công trình, không chỉ năm nay mà nhiều năm tới. Ông Thể nhấn mạnh: “Giá cát tăng từ 100- 300% thì làm sao giải quyết được. Như dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, cát tăng đội giá từ 9.000 tỷ đồng lên 14.000 hay 15.000 tỷ đồng, chỉ có cách Nhà nước chịu phần đội giá này thì nhà đầu tư mới an tâm thực hiện dự án”.

Nhiều kiến nghị đến Chính Phủ

Ông Sơn Minh Thắng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đề nghị Chính phủ có chỉ đạo về giải pháp khắc phục tình trạng thiếu cát. “Tôi nghĩ phải có sự chỉ đạo từ Chính phủ về việc này, riêng các địa phương phải san sẻ cát cho nhau” – ông Thắng cho biết.

Đồng quan điểm với các địa phương, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cũng thông tin, nguồn cung cấp cát ngày càng khan hiếm, hiện chỉ đáp ứng khoảng hơn 20% so với nhu cầu. Trước tình trạng trên, Thứ trưởng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương hỗ trợ bố trí mỏ cát mới hoặc cấp phép, nhằm tăng công suất khai thác cát, từ đó đáp ứng nhu cầu cho các dự án đang triển khai trong vùng. Đồng thời cung cấp cho các thông tin chính thức, số liệu thực tế của các mỏ cát hiện nay để các dự án có giải pháp phù hợp.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu quan điểm, các địa phương chỉ nên cấp phép khai thác cát đúng quy hoạch, gắn với việc chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát lại các quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh nếu thấy cần thiết đối với hoạt động khai thác cát sỏi trên. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo tìm ngay các giải pháp thay thế cát truyền thống để đáp ứng nhu cầu cát trong đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của vùng ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung.