Trong vài ba năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp, kể cả những công ty lớn, các định chế tài chính, không chỉ ngân hàng mà cả các quỹ đầu tư, đã và đang chuyển dịch vốn, đầu tư, kinh doanh sang khu vực nông nghiệp.
Lo ngại chuyển đổi mang tính phong trào
Điều đáng nói là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trước hết phải dựa trên tín hiệu thị trường, phản ánh cả nhu cầu và đòi hỏi mới. Sức hấp dẫn đối với với nhà đầu tư, doanh nghiệp trước hết và chính là ở đây. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm ở Việt Nam hiện nay là nguy cơ chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không thực chất, mang tính “phong trào”.Hậu quả là không tạo được cú hích thực sự, quá trình chuyển đổi thiếu bền vững.
Người ta có thể lợi dụng “ngọn cờ phong trào” để có lạm dụng chính sách, làm méo mó thị trường (vốn là cơ chế đảm bảo hiệu quả). Bài học kinh nghiệm cho thấy, người nông dân chưa hẳn được hưởng lợi tương xứng từ chính sách hỗ trợ. Chưa nói, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn cần những lời giải đáp thấu đáo về vấn đề tích tụ đất đai, dịch chuyển lao động, lợi ích trước mắt và lâu dài của người nông dân.
Vì vậy, chúng ta cần làm quyết liệt nhưng phải bài bản và có sự nghiên cứu nghiêm túc. Rất cần tránh sự dẫn lối chính sách mang tính áp đặt.
Những điểm chung, thường dễ thống nhất, giải trình (và phù hợp với cam kết quốc tế) về sự hỗ trợ của nhà nước, như vấn đề nghiên cứu và triển khai (R&D), cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, đào tạo tay nghề và kỹ năng việc làm, khuyến nông, và cả về phát triển kết cấu hạ tầng. Điều quan trọng ở đây là việc đảm bảo minh bạch, tăng cường tiếng nói phản hồi của người dân, lựa chọn ưu tiên, nhất là trong bối cảnh nguồn lực nhà nước hạn chế.
Làm sao có chính sách tín dụng hỗ trợ hợp lý?
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có lực kéo cơ bản là tín hiệu thị trường. Tuy nhiên, nó cũng chứa những rủi ro, bất định, nhất là khi mới ở giai đoạn “thử nghiệm”. Chính vì vậy, sự hỗ trợ tín dụng (như qua lãi suất) phải được xem là sự chia sẻ rủi ro trong trường hợp không thành công; trái lại nếu đầu tư sản xuất kinh doanh thành công, doanh nghiệp cần bồi hoàn (một phần hoặc đầy đủ) sự hỗ trợ đó.
Cùng với quá trình nâng cao năng lực, tính tự chủ của NHNN, việc hoàn thiện chính sách tiền tệ, lành mạnh hóa hệ thống các NHTM thì hỗ trợ tín dụng (như qua lãi suất) phải là từ tiền ngân sách (tường minh). Trước mắt chúng ta có thể sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ của NHNN để hỗ trợ. Song như vậy cũng cần phải có chừng mực, vì hiện chính sách tiền tệ nói chung và chính sách tín dụng nói riêng đang chịu nhiều sức ép và “gánh nặng” cho mục tiêu ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Rất cần hoàn thiện cơ chế bảo hiểm sản xuất nông nghiệp. Chúng ta đã có những quy định về vấn đề này, tuy nhiên bảo hiểm sản xuất nông nghiệp lâu nay chưa được áp dụng rộng rãi, có hiệu quả. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để chia sẻ rủi ro cho doanh nghiệp và người nông dân.
Mô hình sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nói riêng cân đáp ứng được ba yêu cầu cơ bản.
Phải có được lợi thế nhờ quy mô, nhờ đó tạo khả năng tốt hơn trong hấp thụ vốn và công nghệ. Hai là, chúng (dần) phải gắn với chuỗi giá trị, từ R&D, tạo giống, trồng trọt, thu hoạch, sơ chế/tinh chế, đến phân phối tiêu thụ ở trong nước và ngoài nước. Có thể không phải mọi công đoạn sẽ được thiết lập đầy đủ ngay, song bài toán chuỗi giá trị phải được tính toán ngay từ đầu nhằm kết nối các bên liên quan (nông dân, doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối, nhà khoa học, các tổ chức tài chính) và nhằm dần tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Phải gắn bó về mặt kinh tế - xã hội với cuộc sống của người nông dân, tính đến đặc thù vùng miền, dân tộc và đảm bảo khả năng “mặc cả” của người nông dân trong chuỗi.
Trên thực tế, theo sự vận động của thị trường và được nhà nước “thể chế hoá” thêm, đã xuất hiện mô hình trang trại, mô hình công ty theo hợp đồng (huấn luyện, đào tạo để nông dân trồng trọt đảm bảo đầu vào theo hợp đồng; phần còn lại DN thực thi), mô hình công ty nông dân góp cổ phần, hợp tác xã (kiểu mới)… Mô hình nào cũng có những ưu và nhược điểm nhất định, song là kinh nghiệm quí báu để nghiên cứu, triển khai trên thực tế cùng với những chính sách hỗ trợ hợp lý.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là vấn đề lớn. Đó không chỉ là bài toán tính toán lỗ lãi kinh doanh, dù rất quan trọng, mà còn là câu chuyện về tái cấu trúc nền nông nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, cần có những nghiên cứu sâu sắc bao quanh ba cụm từ “sự dẫn dắt thị trường và doanh nghiệp”, “hỗ trợ nhà nước” và “lợi ích các bên liên quan, nhất là của người nông dân” và đằng sau đó là chất lượng tăng trường nông nghiệp và sự phát triển bền vững nông thôn Việt Nam. Để rồi chúng ta có những nỗ lực thực thi trên thực tế thực sự quyết liệt, bài bản và hiệu quả. |