Dân Việt

Hoạt động của các tập đoàn, TCT năm 2013: Lợi nhuận giảm, lỗ cao

17/01/2013 07:36 GMT+7
(Dân Việt) - Thông tin này được Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết tại Hội nghị giữa Chính phủ và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT) ngày 16.1, tại Hà Nội.

Lỗ 2.253 tỷ đồng

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các TĐ, TCT trong năm 2012 cho biết: Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu chỉ đạt 14,84%, giảm 4,16% so với năm 2011. Trong tổng số 73 đơn vị, khoảng 46,5% các doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn dưới 10%. Nhóm các TĐ lãi cao (trên 20%) chỉ chiếm 23%.

Một số ít doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận cao như TCT Du lịch Sài Gòn (62,37%), TCT Công nghiệp dầu thực vật VN (62,02%), TCT Tân cảng Sài Gòn (36,42%), TĐ Viettel (43,56%)… Nhiều đơn vị có lợi nhuận rất thấp như TCT Đường sắt (0,85%), TĐ Điện lực (1,4%), TCT Xi măng (4,22%), Lương thực Miền Nam (4,49%), Vietnam Airlines (4,55%), TCT Giấy (5,84%), Than – Khoáng sản (6,98%)…

 img
Tỷ suất lợi nhuận năm 2012 của các tập đoàn, TCT. Ảnh nền: TĐ Than - Khoáng sản VN khai thác than ở mỏ Đèo Nai (Quảng Ninh).

 Tại hội nghị, báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cũng cho thấy một thực tế là tổng doanh thu của tất cả các TĐ, TCT đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, bằng 92% so với kế hoạch và tăng 2% so với thực hiện 2011. Một số TĐ, TCT có doanh thu lớn như dầu khí, điện lực, xăng dầu… Tuy nhiên, TCT Cà phê, Lương thực Miền Bắc, TĐ Than - Khoáng sản doanh thu giảm, không đạt mức kế hoạch đề ra.

Do doanh thu thấp hơn kế hoạch, nên lợi nhuận trước thuế của các TĐ, TCT chỉ đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với 2011. Số tiền nộp ngân sách vì thế cũng chỉ đạt 294.000 tỷ đồng, giảm 12% so với 2011.

Do kinh tế khó khăn, báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết có nhiều TĐ rơi vào thua lỗ, mức lỗ phát sinh của tất cả các TĐ, TCT là 2.253 tỷ đồng, trong đó năm 2011 đã lỗ, năm 2012 lỗ tiếp. Điều đáng ngại, có 10 TĐ, TCT có tổng lỗ lũy kế lên tới 17.730 tỷ đồng. “Tình hình tài chính của không ít TĐ thiếu lành mạnh, có TCT không bảo toàn được vốn chủ sở hữu do kinh doanh thua lỗ, gặp nhiều rủi ro, không tự chủ được về tài chính”- báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết.

Làm rõ trách nhiệm cán bộ quản lý

Nhận định về những thành quả mà các TĐ,TCT đã làm được trong năm 2012 là rất đáng ghi nhận, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Không thể phủ nhận những đóng góp của TĐ, TCT cho nền kinh tế. DNNN là nòng cốt, là lực lượng vật chất quan trọng, là công cụ để Nhà nước­ điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô”.

Ông Phạm Viết Muôn - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết: Nghị định về quản lý tài chính sẽ ban hành trong quý I/2013. Về Điều lệ và quy định quy chế tài chính cho hoạt động của TĐ, TCT cũng sẽ có nghị định của Chính phủ, quyết định của các bộ, ngành liên quan được ban hành sớm. Vấn đề tiền lương với khu vực sản xuất kinh doanh và người lao động đang được hoàn thiện...

Chỉ đạo những vấn đề cụ thể, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn kinh tế, TCT nhà nước tập trung xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phù hợp trên cơ sở rà soát, xác định lại nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh chính. Đối với những tập đoàn, tổng công ty đang có khó khăn về tài chính, Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cán bộ quản lý có liên quan, đồng thời cơ cấu lại vốn, tài sản theo hướng đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu vốn để có cơ chế xử lý bổ sung vốn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư có hiệu quả, hạn chế thất thoát vốn do kéo dài thời gian dự án và cơ cấu lại tài sản.

Bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, kiện toàn tổ chức quản lý, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước; kết quả sản xuất kinh doanh phải được công bố công khai, minh bạch, trung thực, kịp thời với báo chí, dư luận để xã hội hiểu đúng về doanh nghiệp nhà nước.