Sáng nay, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, mã STB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2017. Theo chương trình làm việc, ngay sau khi thông qua quy chế đại hội, Sacombank sẽ tiến hành bầu HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2017 - 2021 trước khi thông qua kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015 - 2016 và kế hoạch hoạch kinh doanh năm 2017.
Đại hội cổ đông Sacombank sáng 30.6 (Ảnh: Quốc Hải)
Tuy nhiên, ngay sau khi Sacombank thông qua danh sách này, một cổ đông đã đứng lên phản ứng. Theo cổ đông này, ông Dương Công Minh đang dính “lình xình” liên quan đến sân bay Tân Sơn Nhất, việc đưa ông này vào danh sách ứng viên HĐQT, thậm chí tranh “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT sẽ ảnh hưởng đến Sacombank trong thời gian tới. “Tôi đề nghị NHNN xem xét, các cổ đông cũng cân nhắc kỹ trước khi bầu ông Minh vào ghế nóng Sacombank bởi trong tương lai không thể nói trước ông Minh có bị ảnh hưởng gì không bởi dự án sân bay Tân Sơn Nhất”, cổ đông này nói.
Đại hội càng căng thẳng hơn khi một cổ đông nữ khác đứng lên ý kiến, tại sao hôm nay không có ông Trầm Bê, ông này phá hoại Sacombank như vậy tại sao lại vắng mặt? “Tôi đề nghị phải mời ông Trầm Bê đến, đồng thời cũng phải làm rõ trách nhiệm tại sao lại sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank? Cổ đông chúng tôi không đồng ý, tại sao bây giờ nợ xấu, thua lỗ lại do cổ đông chúng tôi è cổ chịu thiệt hại?”, cổ đông này lớn tiếng, dù chủ tọa giải thích ông Trầm Bê đã ủy quyền toàn bộ cho NHNN.
Nhiều cổ đông khác tiếp tục chất vấn về vai trò của ông Trầm Bê khi sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank khiến đại hội gần như vỡ trận. Một cổ đông khác đặt vấn đề khiến phía Sacombank và cả NHNN không thể trả lời được. Theo cổ đông này chất vấn thì “Ai là người chống lưng cho ông Trầm Bê sát nhập Ngân hàng Phương Nam và Sacombank? Cổ đông chúng tôi đâu có đồng ý mà tại sao lại sáp nhập? Ngân hàng Nhà nước có vai trò gì?...”.
10h40, nhiều cổ đông tiếp tục muốn ý kiến nhưng đại hội buộc phải bỏ qua đề tiến hành bầu cử danh sách các ứng viên HĐQT và BKS cho nhiệm kỳ mới 2017-2021.
Trước đó, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015 - 2016 cho biết, giai đoạn 2011-2015 Sacombank có tốc độ tăng trưởng khá và cao hơn ngành, tổng tài sản tăng bình quân 12.4%/năm, tổng huy động tăng 15.6%/năm, tổng tín dụng tăng 16.7%/năm, lợi nhuận trước thuế tăng bình quân 8%/năm. Riêng năm 2016, Sacombank đạt tổng tài sản lên tới 332.023 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động là 304.942 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 156 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 6,81%.
Cũng theo ông Tuấn, các vấn đề chính của đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt cho Sacombank là khoanh lãi dự thu từ 2015, trích lập dự phòng và bán nợ cho VAMC, xử lý tài sản cấn trừ nợ và được phân bổ theo năng lực tài chính của Ngân hàng... và Sacombank hoàn toàn có thể xử lý được nợ xấu với điều kiện có thời gian và cơ chế hỗ trợ.
“Hiện phương án thận trọng Sacombank trình NHNN phê duyệt là 10 năm (từ 2015 đến 2025). Tuy nhiên, nội bộ Ngân hàng đặt mục tiêu rút ngắn thời gian xử lý các vấn đề cơ bản xuống còn 3-5 năm”, ông Tuấn thông tin.
Về hoạt động của các công ty con trong năm 2016, tổng lợi nhuận trước thuế đạt 141 tỷ đồng, trong đó chỉ duy nhất Công ty vàng bạc đá quý (SBJ) do vẫn tập trung tái cấu trúc nên vẫn còn lỗ. Cụ thể, trong năm 2015 SBJ lỗ 10,1 tỷ đồng và năm 2016 lỗ 8,1 tỷ đồng. Các công ty con còn lại đều ghi nhận các khoản lãi khả quan như: Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (SBA) lãi 67.5 tỷ đồng; Công ty cho thuê tài chính (SBL) lãi 79.5 tỷ; Công ty kiều hối (SBR) lãi 2.4 tỷ, Sacombank Lào 0.89 triệu USD, Sacombank Cambodia Plc 1.85 triệu USD.
Cổ đông tham gia đại hội (Ảnh: Quốc Hải)
Bước sang năm 2017, Sacombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng, tăng 276% so với thực hiện năm 2016; tỷ lệ nợ xấu 1%. Tổng tài sản dự kiến tăng 16% lên 384.600 tỷ đồng. Huy động vốn, dư nợ tín dụng kế hoạch lần lượt tăng trưởng 17% và 19%, đạt 356.100 tỷ và 235.500 tỷ đồng.
Đồng thời, Sacombank cũng trình cổ đông tái xác nhận chủ trương lập các công ty trong giai đoạn 2017-2020 gồm Công ty tài chính trực thuộc Sacombank với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Công ty bảo hiểm nhân thọ liên doanh đối tác nước ngoài với vốn góp 500 tỷ, mua lại hoặc lập mới Công ty bảo hiểm phi nhân thọ với vốn đầu tư 300 tỷ đồng.