Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump sẽ gặp nhau lần đầu vào tuần tới. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Donald Trump đang háo hức gặp Tổng thống Vladimir Putin trong thời gian diễn ra hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển (G20), ngày 7 và 8.7, tại Hamburg, Đức và muốn theo đuổi các mối quan hệ ấm hơn với nhà lãnh đạo Nga trong bối cảnh cuộc điều tra mối liên hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông với Điện Kremlin vẫn đang tiếp diễn.
Cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo Nga - Mỹ khẳng định mong muốn mạnh mẽ của ông Trump để "kết thân" với Tổng thống Nga bất chấp nguy cơ động thái này sẽ khiến cuộc điều tra về mối quan hệ giữa ông chủ Nhà Trắng và Nga lại trở thành tâm điểm.
Hiện không rõ ông Trump sẽ chuyển thông điệp gì tới nhà lãnh đạo Nga trong cuộc gặp ở Đức tại thời điểm quan hệ giữa Washington và Moscow vẫn căng thẳng cao sau khi Nga bị cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 và sự hiện diện quân sự của Nga vào Ukraine và Syria.
Tuy nhiên, nhiều cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và chuyên gia về Nga tỏ ra lo ngại việc ông Trump có thể quá háo hức để gặp và "làm thân" với người đồng cấp Nga.
Theo đó, không ít quan chức Mỹ tin rằng giờ là lúc Washington cần duy trì khoảng cách với Moscow và tương tác với họ một cách thận trọng. Các cố vấn cũng đã khuyến cáo ông Trump chỉ nên gặp người đồng nhiệm Nga nhanh chóng, không chính thức.
Ngoài ra, một gợi ý khác là phái đoàn Mỹ và Nga tổ chức đối thoại về ổn định chiến lược - hoạt động thường không có sự có mặt của các tổng thống. Theo các chuyên gia Nga-Mỹ, thế mất cân bằng có thể xảy ra trong cuộc gặp giữa ông Trump và Putin.
"Ông Putin sẽ đến cuộc gặp này với một chương trình nghị sự. Ông ấy sẽ chuẩn bị kỹ càng trước khi đến cuộc họp này. Ông Trump đã nói về cuộc gặp với Putin trong nhiều tháng. Nhưng nhiều người trong chính quyền tỏ ra do dự", ông Thomas Graham, Giám đốc điều hành của Kissinger Associates và từng là trợ lý Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George W. Bush bình luận.
Trong khi đó, ông Trump được cho là không hề chuẩn bị chương trình nghị sự cho cuộc gặp và theo đó, có thể gặp nhiều bất lợi. Các quan chức Nhà Trắng hôm 29.6 đã tiết lộ rằng, ông Trump không có một kế hoạch cụ thể cho cuộc gặp với Tổng thống Putin.
“Không có chương trình nghị sự cụ thể. Có thể là bất cứ vấn đề gì mà Tổng thống muốn thảo luận", ông H.R. McMaster, Cố vấn An ninh Quốc gia của ông Trump thừa nhận với báo giới.
Ông Trump được biết đến là người thường không làm theo kịch bản có sẵn nên cũng có nguy cơ xảy ra sự cố ngoại giao. Theo một quan chức chính quyền cấp cao, trong một cuộc họp ngắn tại Phòng Bầu dục với các nhà ngoại giao Nga tháng trước, ông Trump đã tiết lộ những thông tin mật do Israel cung cấp về mối đe dọa của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đối với các hãng hàng không.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Nga Putin, một cựu điệp viên KGB lại được đánh giá là khôn khéo và luôn biết cách xoay chuyển tình thế có lợi cho mình.
"Ông Putin biết cách chuyển cuộc đối thoại sang hướng có lợi cho ông ấy", ông Oleg Kalugin, cựu quan chức tình báo Liên Xô (KGB) nhấn mạnh.
Tuy nhiện, cuộc gặp giữa ông Trump và Putin cũng được cho là có thể mang lại nhiều kết quả. Gặp mặt trực tiếp có thể giúp hai bên giao tiếp tốt hơn là trao đổi qua điện thoại. Trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái, ông Trump đã nhiều lần nói rằng ông muốn hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ Nga - Mỹ dưới thời Obama bằng một quan hệ đối tác, đặc biệt là trong các vấn đề như xung đột Syria và chống khủng bố IS.
"Ông ấy cần phải hoàn thành lời hứa trong chiến dịch tranh cử về thiết lập quan hệ tốt đẹp hơn với Nga", bà Nina Khrushcheva, giáo sư về vấn đề Nga tại New School cho biết.
Đồng quan điểm trên ông, Dmitri Simes, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Trung tâm Lợi ích Quốc gia ở Washington nhấn mạnh: "Đây là một tổng thống, theo quan điểm của tôi đó là vẫn cam kết cố gắng cải thiện quan hệ với Nga. Ông ấy rất kiên định trước vấn đề này".