Dân Việt

Đức Long Gia Lai đầu tư vào năng lượng tái tạo

Mai Tiên 01/07/2017 06:00 GMT+7
Nhắc đến thương hiệu Đức Long Gia Lai (ĐLGL) mọi người sẽ nghĩ ngay đến “đại gia đa ngành nghề”, hoặc là “nhà tiên phong” trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử… Mới đây, người ta lại thấy ông chủ ĐLGL lấn sân đầu tư sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây được xem là chiến lược phát triển của ĐLGL trong tương lai.

Chiến lược tương lai

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận diễn ra giữa tháng 4 vừa qua, ĐLGL “đặt chân” vào một lĩnh vực mới khi ký kết thỏa thuận với UBND tỉnh Bình Thuận đầu tư 3 nhà máy sản xuất điện gió và điện mặt trời. Đây được xem là “phát súng” đầu tiên trong chiến lược rót vốn vào các dự án năng lượng tái tạo kết hợp du lịch giai đoạn từ nay đến 2020 tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Gia Lai…

img

Đức Long Gia Lai đang có kế hoạch phát triển Dự án điện mặt trời, điện gió tại Côn Đảo.  Ảnh: Đ.L

Đầu tư năng lượng để có thêm nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường, giảm khí thải nhà kính và đặc biệt chủ động nguồn năng lượng là xu hướng phát triển trong tương lai”.

Ông Trần Văn Phương -
Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng của ĐLGL

Lý giải về việc đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực năng lượng, ông Trần Văn Phương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách lĩnh vực năng lượng của ĐLGL cho biết: “Đầu tư năng lượng để có thêm nguồn năng lượng sạch, không gây ô nhiễm môi trường, giảm khí thải nhà kính và đặc biệt chủ động nguồn năng lượng là xu hướng phát triển trong tương lai”.

Mặt khác, theo ông Phương, nguồn nhiên liệu hóa thạch đang bị khai thác cạn kiệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Nhu cầu về nguồn than sản xuất nhiệt điện ước tính khoảng 130-150 triệu tấn vào năm 2030, trong khi than nội địa chỉ đáp ứng tối đa 30-40 triệu tấn. Việc phát triển nguồn năng lượng thay thế là hết sức cần thiết, thậm chí trở thành vấn đề bức thiết trong giai đoạn hiện nay...

Nắm bắt được nhu cầu đó, ĐLGL đã đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án thủy điện quy mô tại khu vực Tây Nguyên. Điển hình như dự án thủy điện Tân Thượng (Lâm Đồng), Tà Nung (Lâm Đồng), Đăk Psi (Kon Tum), Đăk Pô Cô (Kon Tum) với tổng công suất trên 250MW. Đến năm 2020, ĐLGL sẽ tiếp tục đầu tư thêm 4 dự án tại Tây Nguyên, xây dựng thành chuỗi 8 dự án thủy điện với công suất, chất lượng hàng đầu tại khu vực này.

Tuy nhiên, đầu tư thủy điện chỉ là một phần trong chiến lược phát triển năng lượng của ĐLGL. Tham vọng mà ông chủ ĐLGL muốn hướng đến là nguồn năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

Bước đột phá

img

Thi công thủy điện Đăk Pô Cô của Tập đoàn Đức Long Gia Lai.  Ảnh: M.T

Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều thuận lợi nhất trong khu vực để phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ sức gió, mặt trời. Với gần 3.400km bờ biển, tiềm năng về năng lượng gió của Việt Nam ước tính khoảng 500 -1.000kWh/m2 mỗi năm. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng mặt trời với lượng bức xạ trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Tiềm năng kỹ thuật của thủy điện nhỏ cũng dao động ở mức hơn 4.000 MW mỗi năm. Nếu biết cách tận dụng và đầu tư bài bản, nước ta sẽ có được nguồn năng lượng đáng kể, nhưng vẫn bảo đảm phát triển theo hướng xanh - sạch - an toàn.

Ông Trần Văn Phương khẳng định: “Việc đầu tư các dự án năng lượng tái tạo đang được Chính phủ khuyến khích, tạo điều kiện. Cùng với đó, giá mua điện tại điểm giao nhận điện nâng lên 2.086 đồng (tương đương 9,35 cent /kWh) sẽ giúp ĐLGL tự tin hơn khi đầu tư vào năng lượng. Chúng tôi mạnh dạn đầu tư và xem đây là bước đột phá trong tương lai”.

Có thể thấy, sau khi thực hiện chiến lược tái cấu trúc với việc đẩy mạnh  đầu tư các lĩnh vực trọng yếu: Bất động sản, cơ sở hạ tầng, sản xuất linh kiện điện tử và mới đây là năng lượng, ĐLGL đang có sự bứt phá mạnh mẽ trên thương trường trong và ngoài nước. Không tiến hành đầu tư ồ ạt như nhiều doanh nghiệp khác. ĐLGL lựa chọn chiến lược “chậm mà chắc”, tập trung đầu tư các lĩnh vực thực sự mang lại hiệu quả với nguồn doanh thu ổn định, lâu dài. Nhiều chuyên gia nhận định, trong thời gian tới các dự án năng lượng sẽ trở thành đòn bẩy giúp ĐLGL tăng trưởng mạnh mẽ cả về doanh thu và lợi nhuận.  

Gắn phát triển với cộng đồng

Tính đến nay, Công ty cổ phần Tập đoàn ĐLGL có hơn 30 công ty thành viên, 4 công ty liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Đặc biệt, tập đoàn có 5 công ty thành viên trụ sở đặt tại nước ngoài: 1 tại Hongkong, 2 tại TP.Đông Quản và TP.Thẩm Quyến (Trung Quốc), 1  tại Hàn Quốc và 1 tại Mỹ. Ngoài những ngành nghề truyền thống như sản xuất và chế biến gỗ, đá granite, kinh doanh bến xe và bãi đỗ, dịch vụ khách sạn, resort, khai thác và chế biến khoáng sản, dịch vụ bảo vệ - vệ sĩ… trong giai đoạn 2015-2020, ĐLGL tập trung chủ lực vào 5 lĩnh vực trọng tâm: Bất động sản, cơ sở hạ tầng, năng lượng, sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử và nông nghiệp. Để đạt mục tiêu phát triển bền vững, ĐLGL không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các tập đoàn kinh tế và tổ chức tài chính hàng đầu trong nước và quốc tế.

img

Lễ ký cam kết đầu tư giữa DLG với tỉnh Bình Thuận.  

Doanh nghiệp cũng luôn chủ động, tích cực trong công tác hỗ trợ giảm nghèo, đề cao vai trò, trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng gắn với phát triển kinh doanh. Thời gian qua,  ĐLGL đã tham gia hỗ trợ nhiều chương trình an sinh xã hội trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, cả nước nói chung như: Tài trợ cho đường bay Nội Bài - Pleiku, Festival Cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai, ủng hộ các quỹ khuyến học, hỗ trợ quỹ người nghèo, xây dựng bệnh viện, chùa chiền trong cả nước đặc biệt tại các tỉnh mà tập đoàn tham gia đầu tư như: Gia Lai, Bình Phước, Đăk Nông, Quảng Trị… Tập đoàn cũng đã đóng góp không nhỏ cho công tác ngoại giao, văn hóa xã hội, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Gia Lai nói riêng và cả nước nói chung.

M.T