Dân Việt

Sẽ có "nghiệp đoàn" hàng xáo, thương lái hết mang tiếng thủ đoạn

CLB Hàng xáo sẽ ra mắt trong nay mai theo ý tưởng của ông Nguyễn Văn Thành, có gốc rễ từ thời xa xưa: cứ mỗi lần qua trạm Tân Hương, gạo có thể bị tịch thu bất kỳ lúc nào! Cái thời ngăn sông cấm chợ khiến ông ước ao có chợ lúa gạo đàng hoàng để khỏi nhìn thấy cảnh chỉ vì mang vài chục ký gạo mà thành tội đồ.

“Nghiệp đoàn” hàng xáo

Nếu tính đúng, tính đủ thì lực lượng hàng xáo đủ cơ số để có một nghiệp đoàn hùng mạnh. Chuyện đó nghe lớn quá, ông Thành chỉ mong xây dựng một cái “room” cho dân hàng xáo lúa gạo ở đồng bằng. Ít nhất 100 thương lái trong số 500 người sẽ tham gia CLB Hàng xáo. Họ được chọn theo uy tín, đạo đức, tuổi nghề, năng lực quán xuyến vùng nguyên liệu dễ truy xuất nguồn gốc, năng lực tài chính, phương tiện…

img

Ông Nguyễn Văn Thành với ý tưởng thành lập CLB Hàng xáo.

“Thương lái bị mang tiếng là thủ đoạn, hình ảnh tệ lắm, nhưng ở đâu cũng vậy, có kẻ tốt người xấu. Vấn đề là đừng tạo điều kiện cho thói xấu có đất sống thì họ sẽ đàng hoàng thôi”, ông Thành nói. Mỗi ngày nhà máy do ông làm chủ cần cả ngàn tấn lúa, nếu so sánh cách tổ chức một bộ máy chuyên thu gom, vận chuyển, lo lương hướng, bảo hiểm các thứ và cách xây dựng một CLB tạo giềng mối làm ăn với nông dân, thu gom, vận chuyển theo đặt hàng, thì cách thứ hai có lợi hơn nhiều.

Lực lượng hàng xáo là mắt xích trong chuỗi, nhà máy cắt giá, hàng xáo định vị vùng nguyên liệu gạo thuần, lo thu gom, vận chuyển theo kiểu chành vựa từ thời xưa. Rằng xưa thì thật là xưa, nhưng ông Thành làm một phòng thí nghiệm, kiểm định tiêu chuẩn để kết quả thực tế nói lên hết mà không phải tranh cãi, nhất là chất lượng, lại là chuyện rất mới.

Thương lái bên chợ Bà Đắc cũng sẽ tham gia CLB Hàng xáo ở Vĩnh Long, do những mối quan hệ lâu đời. Có khi họ sẽ tương nhượng nhau hơn khi săn lùng dòng “gạo nước lợ”, là cách gọi của ông Thành về những loại gạo bản địa nổi tiếng một thời như tài nguyên, một bụi, nanh chồn, trắng tép… luôn hút hàng, nhưng rất khó mua từ nông dân.

img

Thương lái tấp nập thu mua lúa của nông dân ĐBSCL. Ảnh: vinhhoanggroup.

32 năm trong nghề kinh doanh gạo, tính từ thời còn đi học, liều lĩnh làm “hàng xáo” để kiếm tiền theo học trên Sài Gòn, bị xem là gian thương chợ đen, là bất hảo... Nhưng trải nghiệm “hiểm nghèo” đã giúp anh học trò hiểu chuyện đời, chuyện nghề làm gạo ở các chợ khu cầu Chà Và, bến Bình Đông… và có cơ may kết thân với chú Phước.

Ông Thành không thể nhớ nổi chú Phước dạy mình những gì, chỉ nhớ rằng mọi việc làm được như bây giờ là nhờ chú Phước, ông xin lấy tên chú Phước đặt cho các nhà máy Phước Thành, chấm dứt một thời dựng nhà máy xay lúa không tên tuổi, trục trặc cỏn con phải chờ thợ máy 2 – 3 ngày mới sửa được.

Ông Thành học ngành kỹ thuật, xây dựng Phước Thành 4, tỉnh Vĩnh Long, như một tổ hợp  xay xát, hoàn thiện bốn dây chuyền trị giá trên 100 tỉ từ thiết bị hiện đại của công ty Bùi Văn Ngọ, Cơ khí Long An và một bộ phận cơ khí  tự chế, tự giải quyết 30% nhu cầu cơ khí của tổ hợp.

Bữa cơm của dân làm gạo

Làm gạo giá rẻ nên ít có đại gia xuất khẩu gạo ăn cơm do mình phối trộn. Ngược lại, nhờ tập trung thị trường nội địa, ông Thành hiểu bữa ăn ngon của mọi gia đình quyết định “nồi cơm” của Phước Thành. Ba ngày liên tục, ông Thành thử tổ chức cơm hộp miễn phí cho những học sinh nghèo đang lo thi cử, giúp lớp học của trẻ thiểu năng tâm thần do cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga tự trang trải mọi thứ từ tiền lương hưu, lặng lẽ tới mức chỉ có những tấm lòng thiện nguyện mới nghe thấy.

Sau ba ngày tổ chức “Bữa cơm yêu thương”, mỗi tuần, ông Thành tổ chức bếp ăn, cung cấp 300 suất ăn cho trẻ khuyết tật, mồ côi, cho anh em chạy xe ôm, người bán vé số… Bữa cơm gia đình quan trọng biết dường nào, nhưng một đời lam lũ thì bữa cơm đầu đường xó chợ là chuyện bình thường. Lúa từ ngoài đồng do hàng xáo gom về, công nhân chế biến, đóng gói, phân phối đi 40 tỉnh, thành (cả 100.000 tấn/năm), tại sao không thử làm bếp của người nghèo, bữa cơm gia đình của những người nghèo khó, cơ nhỡ?

img

Thương lái đến thu mua lúa tận ruộng cho bà con nông dân. Ảnh: Báo Người Lao động

Ban đầu là ý tưởng đồng thuận của anh Thiện, chủ cơ sở tương hột Phước Khang, nước mắm Gia Hỷ, Hoà Hiệp, tới nay các thanh niên, sinh viên tình nguyện, hội liên hiệp phụ nữ, hội bảo trợ trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, hội doanh nhân trẻ, bắt đầu đưa người tới giúp sức.

Năm năm nay, công việc kinh doanh ở thị trường nội địa tuy không lời nhiều, nhưng ổn định. Mỗi năm ông Thành dành 200 – 300 triệu đồng làm chương trình thiện nguyện. Lần này, dù chỉ là bữa ăn với cơm nóng, thịt kho, chén canh, dĩa đồ xào đạm bạc, nhưng ông Thành tin rằng khi đưa gạo vô đời sống qua một bếp ăn thiện nguyện, ông cảm nhận được giá trị của từ no lòng.

“Ở đó có những người như chị Nhung, dù có hoàn cảnh khó khăn vẫn tự nguyện nấu những bữa ăn ở bệnh viện đa khoa, bệnh viện tâm thần, nay tiếp tục tự nguyện lo bếp núc cho bữa cơm yêu thương này”, ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc công ty TNHH SX-TM Phước Thành 4, cho biết.

Người làm việc thiện sẽ có những giấc ngủ ngon hơn? Ông Võ Văn Thành, Phó Giám đốc của công ty, cười khì nói: Có khi còn khó ngủ hơn vì không biết mình có sơ suất gì không. Rất may là các nhân viên ở đây đều cố gắng để đừng phạm sai sót nào.