Giá nông sản hôm nay (1.7), dự báo giá cà phê nội địa sẽ vẫn giữ ở mức cao. Ảnh minh họa
Giá cà phê Tây Nguyên tăng 1.000 đồng/kg so với đầu tuần
Trong phiên giao dịch ngày cuối tuần (30.6), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên đã tăng tới 800 đồng/kg so với ngày 29.6 và tăng 1.000 đồng/kg so với ngày đầu tuần (26.6). Giá cà phê robusta xuất khẩu tại cảng TP.Hồ Chí Minh cũng tăng khá cao so với đầu tuần khi đạt 47.800 đồng/kg (ngày 26.6 ở mức 46.500 đồng/kg). Điều đáng chú ý là thời gian gần đây, hầu hết các phiên cuối tuần cà phê đều tăng giá, vì vậy có người đã bình luận vui khi nói rằng, ngày cuối tuần là "ngày thần tài" của giá cà phê.
Mặc dù vậy, giao dịch trên thị trường trong nước không nhiều do nguồn cung sụt giảm mạnh khi trong niên vụ 2016/2017, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 19 triệu bao, ước tính hiện chỉ còn khoảng hơn 5 triệu bao trong tay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và nông dân nắm giữ khoảng hơn 2 triệu bao. Vì thiếu nguồn cung để đáp ứng các đơn hàng nên một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê của Việt Nam buộc phải mua hàng từ các kho ngoại quan với giá cao hơn giá thị trường.
Tính đến hết tháng 6, giá cà phê Tây Nguyên cũng ghi nhận 2 tháng tăng liên tiếp vì nguồn cung của các nước sản xuất chính trên thế giới đang dần cạn kiệt, trong khi Brazil mới bắt đầu vào vụ thu hoạch.
Giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên ngày 30.6. Nguồn: tintaynguyen.com
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá cà phê trên hai sàn London và New York đồng loạt tăng tới mức "chóng mặt" trong phiên 30.6, và đều vượt các ngưỡng quan trọng. Cụ thể, giá robusta giao ngay tháng 7 tăng thêm 43 USD, lên 2.122 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng thêm 40 USD, lên 2.032 USD/tấn, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.
Giá cà phê arabica trên sàn New York cũng tăng thêm tới 2 cent/lb kỳ hạn giao ngay tháng 7, ở mức 124,75 cent/lb; kỳ hạn giao tháng 9 tăng 1,95 cent, lên 126,35 cent/lb, các mức tăng rất đáng kể. Khối lượng giao dịch ở mức trung bình.
Mức tăng giá mạnh và đều vượt qua các ngưỡng quan trọng nên các nhà phân tích đều bày tỏ kỳ vọng giá cà phê trên 2 sàn này sẽ duy trì ở mức tốt trong tuần tới. Ngoài ra, một yếu tố khác cũng hỗ trợ giá cho arabica trên sàn New York là lo ngại về nguồn cung cà phê toàn cầu. Từ đầu niên vụ 2017 - 2018, các báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng như Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) đều cho rằng thị trường cà phê sẽ tiếp tục thâm hụt nguồn cung trong năm thứ 3 liên tiếp.
Giá hồ tiêu duy trì dưới 80.000 đồng/kg
Trên thị trường hồ tiêu, giá thu mua tại các vùng nguyên liệu lớn trong ngày cuối tuần 30.6 không thay đổi và vẫn ở mức 76.000 – 78.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với ngày 1.6.2017 và giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2016. Điều khiến nông dân trồng tiêu lo lắng và hoang mang là bên cạnh chuyện sản lượng hồ tiêu Việt Nam tăng cao so với nhu cầu thì tình hình xuất khẩu sang các thị trường quan trọng (châu Âu, Mỹ, Nhật Bản) đang bị chững lại. Thời gian tới, cũng chưa có bất kỳ thông tin nào cho thấy các thị trường này sẽ tăng nhập khẩu tiêu của nước ta.
Giá nông sản hôm nay (1.7), dự báo giá tiêu trong nước vẫn ở mức thấp do không có các tín hiệu tốt từ các thị trường nhập khẩu quan trọng. Ảnh minh họa.
Càng lo ngại hơn khi mới đây, hãng thông tấn Trung ương Đài Loan (CNA) dẫn thông tin từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan (FDA) cho biết cơ quan này đã từ chối nhập khẩu một lô tiêu đen 25 tấn từ Việt Nam do phát hiện tồn dư thuốc trừ sâu lớn. Được biết, lô hàng này được nhập vào Đài Loan trong tháng 5.2017 bởi Công ty Tomax Enterprise có trụ sở ở thành phố Đài Trung. Đây là một nhà phân phối gia vị có tiếng ở Đài Loan.
Ngoài tiêu đen từ Việt Nam, còn có 12 mặt hàng khác bị Đài Loan từ chối nhập khẩu, gồm củ cải trắng từ Trung Quốc, cải bắp từ Hàn Quốc, măng tây từ Thái Lan, gạo lứt việt Nam, tôm hùm Brazil, mực đom đóm Nhật Bản.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, giá tiêu đang xu hướng tăng trở lại khi thị trường xuất hiện nhu cầu mua mới nhưng nguồn cung rất hạn hẹp. Trang Business Line cho hay, thương lái ở Tamil Nadu phải mua hồ tiêu Rajkumari với mức giá tới 515 rupee/kg. Giá tiêu giao ngay tại Ấn Độ chốt phiên 29.6 đã tăng 400 rupee lên 48.700 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 50.700 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc).