Những mảnh đất trũng thấp, manh mún vốn dĩ là nơi canh tác lúa truyền thống của nhiều hộ dân thôn Yên Sào, xã Xuân Giang. Bao nhiêu năm nay, bà con chỉ trồng lúa một vụ, một vụ trồng thêm cây màu nhưng năng suất và thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Từ khi xã liên kết với doanh nghiệp đưa cây dược liệu về trồng theo hướng hữu cơ, thu nhập của bà con tăng rõ rệt. “Muốn có chỗ đất bằng phẳng này để trồng dược liệu, phải cải tạo nhiều lắm, múc đất từ những chỗ cao xuống chỗ thấp, san gạt ra xung quanh, đập bỏ những be bờ ngày xưa để phân chia ruộng của từng hộ. Trước khi bỏ lúa trồng dược liệu chúng tôi cũng lăn tăn nhiều lắm, vì đã ai biết trồng cây dược liệu là cây gì đâu. Không phải như cây lúa, cây ngô, bán ra không được còn đem về nhà dùng dần. Nhưng cây dược liệu mà ế thì biết làm gì?” - chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn Yên Sao cho hay.
Thành viên tổ trồng dược liệu chăm sóc cây khôi tía. ảnh: San Nguyễn
Khi thấy người dân ngại thay đổi, cán bộ xã đã vào cuộc quyết liệt. Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang chia sẻ: Để bà con thay đổi nhận thức, cán bộ xã như chúng tôi cũng phải bắt tay vào cuộc với bà con, rồi đưa bà con về Hải Hậu (Nam Định), nơi đã có một vùng chuyên canh sản xuất dược liệu thành công để họ học hỏi. Thấy người ta làm có thu nhập khá, người dân mới ủng hộ làm theo.
Hiện, xã đã có 5ha trồng cây thìa canh, kim ngân. Sau 2 năm triển khai, vườn thìa canh, kim ngân, khôi tía phát triển tốt, mang lại niềm vui cho bà con. Chị Nguyễn Thị Hoa cho hay: “So với trồng lạc, ngô, trồng dược liệu vừa nhàn, vừa thu nhập cao hơn, nhất là đầu ra ổn định vì đã liên kết được với đơn vị thu mua. Cứ 3 tháng lại được thu một lần nên người trồng liên tục có lãi”.
Theo ông Hoà, từ thành công của mô hình này, xã sẽ tiếp tục tìm các doanh nghiệp để liên kết mở rộng quy mô trồng. Huyện Sóc Sơn cũng đang quy hoạch vùng trồng cây dược liệu, để biến cây trồng này thành sản phẩm chủ lực của địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho bà con.