Dân Việt

Không có thị trường, nông nghiệp CNC cũng thành gánh nặng

Hoàng Thắng 04/07/2017 11:23 GMT+7
“Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) là một phương thức sản xuất chứ không phải mô hình kinh tế, nó phải gắn liền với chuỗi giá trị mới gọi là nông nghiệp CNC. Vậy nên, nông nghiệp CNC đầu tư tới 3.000 – 4.000 tỷ mà không có thị trường sẽ trở thành gánh nặng cho các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư” – ông Lê Thành - Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Kết nối xanh chia sẻ tại Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp CNC.

img

Ông Lê Thành cho rằng chỉ đầu tư vào nông nghiệp CNC là không đủ

Theo ông Lê Thành - Viện trưởng Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư Kết nối xanh, hiện đang có nhiều lầm tưởng về nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nhiều ý kiến cho rằng đầu tư vào nông nghiệp CNC sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của các mặt hàng nông sản của nước ta. Tuy nhiên, chỉ đầu tư vào nông nghiệp CNC thì chưa đủ.

Ông Thành nói: “Nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức sản xuất chứ không phải mô hình kinh tế, nó phải gắn liền với chuỗi giá trị mới gọi là nông nghiệp CNC. Vậy nên, nông nghiệp CNC đầu tư tới 3.000 – 4.000 tỷ mà không có thị trường sẽ trở thành gánh nặng cho các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà đầu tư”

Từ đây, ông Thành đặt ra câu hỏi: “Nếu dựa vào nông nghiệp CNC không mà không có thị trường, không có ngân hàng nào cho vay thì sẽ như thế nào?”

Theo ông Thành, bản thân doanh nghiệp ông hiện vẫn chưa chuyển đổi sang nông nghiệp CNC bởi cần đàm phán để có hợp đồng lớn, xây dựng thị trường hoàn thiện rồi mới chuyển đổi sang công nghệ cao.

Ông Thành phân tích: “Tại nhà máy Lavifood (Tây Ninh), chuỗi liên kết giá trị được dựng ra tương đối nhanh. Ngày 6.1.2017 mới tổ chức Hội thảo quốc tế công bố mô hình chuỗi giá trị tới 2.5.2017 đã động thổ, khởi công xây dựng nhà máy. Ngày 21.6 vừa rồi đã thu mua lứa chanh dây đầu tiên chế biến tại nhà máy Lavifood tại Long An.

Chúng tôi sở hữu toàn chuỗi giá trị, nhà máy của tôi cộng với 4 nhà máy phân bón, 4 nhà máy vật tư nông nghiệp, 1 nhà máy logistic, và 20.000 nông dân tham gia.

Nếu tôi có hợp đồng, các nhà máy phân bón, vật tư nông nghiệp sẽ có thị trường, như vậy nông dân sẽ có việc làm, nhà đầu tư, ngân hàng cũng sẽ được hưởng lợi.

Đằng sau mỗi chuỗi giá trị là hệ thống logistic. Đưa được nông sản Việt Nam ra thế giới hay không là logistic. Chúng ta không thể đưa xoài lên máy bay mang đi xuất khẩu vì chi phí sẽ rất lớn, ăn hết vào chi doanh thu, lời lãi. Nhưng nếu xoài được đông lạnh, cô đặc rồi đưa đi xuất khẩu sẽ giảm được rất nhiều chi phí. Vì vậy, quyết định đưa nông sản Việt ra thế giới hay không là logistic”.

Ví dụ khi nông dân trồng chanh dây, chúng tôi sẽ tính toán tốn kém bao nhiêu chi phí, phân bón, nguyên liệu trên mỗi ha. Sau đó Lavifood, các nhà máy phân bón, vật tư chúng tôi hợp lại với nhau, ứng vốn tiền mặt cho nông dân sản xuất trên chính diện tích của mình. Nếu theo mô hình này, nhà máy, doanh nghiệp phân bón, vật tư nông nghiệp phải gánh cho nông dân giúp chi phí giảm xuống rất nhiều.

Vì vậy, trong chuỗi giá trị tôi đề nghị phải có giải pháp để thông tin thị trường được minh bạch, cập nhật thường xuyên để người nông dân và cả nền kinh tế không bị lạc hậu thông tin chứ chưa nói tới công nghệ”.

Người nông dân khi tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sẽ chịu sự ràng buộc, cam kết về mặt chất lượng sản phẩm. Khi tham gia vào chuỗi, người nông dân sẽ trở thành nhà cung ứng chứ không còn là hộ sản xuất nhỏ lẻ như trước đây. Họ được ưu đãi nhiều điều kiện, được đào tạo, trả lương trên chính mặt đất của mình.

Ngoài ra, hiện có một vấn đề là người nông dân và cả hệ thống của chúng ta bị phụ thuộc, bị mù thông tin trên thị trường trên thế giới.

“Vậy mới có chuyện người ta lợi dụng tình trạng này, nói rằng sẽ thu mua nông sản với giá giá 8.000đ/kg hay 13.000đ/kg trong khi sản phẩm của chúng ta không đạt giá trị cao như thế. Tại sao họ lại nói giá như vậy? Họ nói như vậy để họ bán giống cho  chúng  ta. Và khi họ bán giống xong rồi họ đem tiền về.

Vì vậy, trong chuỗi giá trị tôi đề nghị phải có giải pháp để thông tin thị trường được minh bạch, cập nhật thường xuyên để người nông dân và cả nền kinh tế không bị lạc hậu thông tin chứ chưa nói tới công nghệ”.

Ngoài ra, ông Thành đưa ra 3 kiến nghị: Thứ nhất, nhà đầu tư phải quyết định thị trường. Thứ hai, nhà đầu tư phải tự liên kết với những nhà cung ứng, tất cả phải đồng thuận về mặt quan điểm.

Nhà nước cần quan tâm tới vấn đề cơ chế, tạo điều kiện cho nhà đầu tư để họ có thể thực hiện được mô hình chuỗi cung ứng này. Bởi cuối cùng Nhà nước sẽ được lợi khi nhiều người giải quyết được vấn đề công ăn việc làm, giảm gánh nặng xã hội.

Cuối cùng, sử dụng công nghệ để làm nền tảng tạo thị trường chứ không đơn thuần chỉ là làm thị trường, tạo thị trường. Chuỗi giá trị thành công, công nghệ cao thành công gắn rất chặt các đơn hàng từ tập đoàn lớn bởi chỉ có các đơn hàng lớn mới có thể tổ chức chuỗi giá trị sản xuất được.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với thị tường

Đó là nhận định của ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khi nói tới giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Tuấn đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải gắn với thị trường? “Hầu hết các bài phát biểu của đại diện Ngân hàng Nhà nước, Bộ NNPTNT đều nói tới thị trường. Theo tôi, nông nghiệp công nghệ cao muốn đạt hiệu quả vẫn phải có thị trường tiêu thụ và đạt giá thành cao”, ông Tuấn nói.

 Ông Tuấn lấy ví dụ, quả vải thiều  của Việt Nam trước kia sản xuất chủ yếu là đại trà, sản xuất công nghệ cao rất ít. Thị trường 2013-2014 có tín hiệu không tốt, ảnh hưởng tới đầu ra. Chính vì thế, từ năm 2015 tới nay, Bộ Công Thương và các địa phương đã phối hợp xúc tiến thị tường trong nước cũng như đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang các thị trường Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc…Rất may, trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm nay, đầu ra của vải thiều đều ổn định với giá thành cao. “Tại tuần lễ vải thiều ở Lục Ngạn, tôi có hỏi nông dân, nhiều người chia sẻ, giá bán vải loại 1, chất lượng tốt nhất là 65.000/1kg. Chính vì người dân sản xuất vải chất lượng cao, gắn với thị trường đã cho giá rất cao”, ông Tuấn nói.

Ông Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết, sau khi tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến thương mại ở trong nước, trong năm 2017, Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại quả vải tại thị xã Bằng Tường, khu Sùng Tả, khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc; Tiếp theo đó, dự kiến Hội nghị XTTM trái thanh long sẽ được Bộ Công Thương phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Ông Tuấn cũng cho biết, để hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng nông sản nói chung, nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, Bộ Công Thương đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng nhiều chính sách về tín dụng, hạ tầng thương mại, đất đai, thuế, sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thương mại nông thôn…để khuyến khích, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Ông Tuấn cũng cho biết, đề tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa chuỗi cung ứng nông sản, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tích cực chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống phân phối tăng cường thu mua, tiêu thụ nông sản nói chung, nông sản chất lượng cao nói riêng trong hệ thống cả ở lưu thông, phân phối, phát triển hạ tầng thương mại…từ đó, hỗ trợ tối đa cho việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.