Như vậy, tính đến tháng 9 này, CPI bình quân 9 tháng qua đã tăng 18,16% so với bình quân cùng kỳ năm 2010. Không ngoài dự báo, tháng 9 này vẫn là tháng ghi nhận sự tăng giá mạnh của nhóm hàng giáo dục với mức tăng từ 1,13% tháng 8 lên mức 8,62% tháng 9, gây tác động không nhỏ lên CPI tháng này.
Tháng 9 ghi nhận sự ổn định của giá cả thực phẩm. |
Giá thực phẩm giảm mạnh
Lý giải về mức tăng này, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết cùng với nhu cầu mua sắm sách vở, đồ dùng học tập tăng cao, cả nước đã có 24 tỉnh, thành đồng loạt tăng học phí ở tất cả các cấp; trong đó mức tăng cao nhất là ở cấp giáo dục phổ thông với mức tăng gấp 4-5 lần so với mức học phí cũ.
Điểm nổi bật đáng ghi nhận ở tháng 9 này đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (nhóm chiếm tỷ trọng cao nhất và có ảnh hưởng lớn nhất tới CPI) đã hạ thấp một cách đáng mừng từ mức 1,35% (tháng 8) xuống còn 0,28% do giá cả của nhóm thực phẩm được khống chế một cách hiệu quả.
Theo Cục chăn nuôi (Bộ NNPTNT), từ đầu tháng 9, giá thịt lợn hơi đã giảm khá mạnh cả hai miền (miền Bắc giảm 15,3% và miền Nam giảm 9%)… Các bộ ngành, địa phương đã đốc thúc nông dân và tạo điều kiện cho họ chăn nuôi trở lại khá hiệu quả trong suốt hai tháng 8 và 9.
Bên cạnh đó là dịch bệnh gia súc, gia cầm cũng được khống chế cơ bản nên nguồn cung thịt đã không bị biến động. Dự báo từ nay đến tháng 10 và 11.2011, nguồn về các loại gia súc, gia cầm sẽ vẫn cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường cả nước.
Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cũng cho biết, tốc độ giảm giá trong các siêu thị đối với mặt hàng thực phẩm cũng đã có tác dụng tốt điều chỉnh giá nhóm hàng này trên thị trường tự do. Các sản phẩm như thịt lợn, thịt gà giảm rõ rệt trong tháng 9 do nguồn cung dồi dào. Giá các mặt hàng rau củ tuy không giảm mạnh bằng nhưng cũng đã được giữ bình ổn là nhân tố quan trọng giúp giảm chỉ số CPI tháng này.
Vẫn khó lường
Theo các chuyên gia kinh tế, CPI tháng 10 sẽ biến động khó lường. Việc tăng lương cơ bản kể từ tháng 10 tới đây cũng như việc rập rình tăng giá vé máy bay, giá vé phương tiện vận tải công cộng, giá điện và phân bón... trong các tháng cuối năm cũng sẽ tạo nên các hiệu ứng bất lợi cho mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2011. Đặc biệt, hiện giá lương thực tại các tỉnh thành phía Nam đã bắt đầu tăng khi các doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua phục vụ các hợp đồng xuất khẩu.
Theo dự báo của Bộ KHĐT, CPI cả năm 2011 sẽ tăng khoảng 18% so với tháng 12.2010. Còn ADB lại dự báo CPI cả năm 2011 sẽ đứng ở mức 18,7% chủ yếu do giá lương thực tăng cao.
Để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, nhiều ý kiến của các chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước đề xuất Chính phủ cần kiên định triển khai gói giải pháp theo Nghị quyết 11 song song với quyết tâm cải cách cơ cấu, giảm dần những hạn chế trong sản xuất và lưu thông, bảo đảm an toàn cho ngành tài chính, tăng cường hiệu quả đầu tư công, áp đặt những nguyên tắc thị trường đối với các doanh nghiệp lớn của Nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, trong bối cảnh phải kiềm chế lạm phát thì Nhà nước càng phải kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng còn mang tính độc quyền, chiến lược với nền kinh tế. Kiểm soát tốt giá cả các mặt hàng này một cách phù hợp sẽ tạo ra bước chuyển lớn trong việc kiềm chế lạm phát.
Nếu các cơ quan chức năng cứ có quan điểm "neo giá quá lâu giá cả nhiều hàng hóa quan trọng như điện, xăng dầu, viện phí, giáo dục, dịch vụ công... và đòi tăng giá ngay một lúc thì nền kinh tế, người dân rõ ràng khó mà chịu đựng được" - ông Doanh nói.
Phương Hà - Mai Nguyễn