Dân Việt

Sacombank được - mất gì khi sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam?

Quốc Hải 06/07/2017 06:00 GMT+7
Xét về nhiều mặt, việc sáp nhập với Southern Bank (Ngân hàng Phương Nam) không khiến Sacombank vượt trội hơn lên và cũng không làm thay đổi vị trí xếp hạng của Sacombank so với các ngân hàng khác trong hệ thống các tổ chức tín dụng. Thậm chí, việc sáp nhập này còn có thể níu chân Sacombank tăng trưởng chậm lại. Vậy tại sao Sacombank vẫn thực hiện thương vụ này?

Giới đầu tư tài chính và chuyên gia ngân hàng ở phía Nam ví von: “Sacombank sáp nhập với Southern Bank như một người ăn phải một món đồ chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thế nên phải vừa tốn thời gian và sức khỏe để... súc ruột”. Vậy “sức khỏe” của Ngân hàng Phương Nam ở thời điểm trước sáp nhập với Sacombank như thế nào để giới đầu tư tài chính có cái nhìn như thế?

img

Đại hội Cổ đông thường niên Ngân hàng Sacombank năm 2017 (Ảnh: Quốc Hải)

Bất thường trong đầu tư và kinh doanh

Trong khuôn khổ báo cáo tài chính của Southern Bank chỉ công bố đến thời điểm 31.12.2014 nên giới đầu tư và cổ đông cũng chỉ có cái nhìn về tình hình “sức khỏe” của nhà băng này tới thời điểm trên. Cụ thể, kết thúc năm 2014, vốn điều lệ của Southern Bank ở mức 4.000 tỷ đồng, không tăng so với năm 2013; tổng tài sản 82.068 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ so với năm 2013 và hoàn thành chưa đến 60% so với kế hoạch đề ra. Nguồn vốn huy động tăng trưởng 5,7% đạt hơn 76,6 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng gần như không tăng trưởng (chỉ tăng 0,08%) và hoàn thành chưa đầy 2% so với kế hoạch, đạt trên 43,3 nghìn tỷ đồng.

Điểm bất thường trong báo cáo tài chính của Southern Bank là trong tài sản của nhà băng này ghi nhận một khoản mục rất lớn, nhưng chưa bao giờ được làm rõ trong các báo cáo công bố, đó là các khoản phải thu. Các khoản phải thu này chiếm tỷ lệ cực lớn trong tổng tài sản, cụ thể đến cuối năm 2014, khoản phải thu tại Southern Bank là 13.746 tỷ đồng. Thêm vào đó, phần lãi và phí phải thu lên đến hơn 15.955 tỷ đồng, tăng 4.900 tỷ đồng so với đầu năm. Các con số này là  một tỷ lệ bất thường đối với hoạt động của một ngân hàng thương mại.

Đến hết 2014, lợi nhuận trước thuế năm 2014 của Southern Bank chỉ 17,12 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 4,76% kế hoạch. Sau khi trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của nhà băng này là 1,2 tỷ đồng, một kết quả kinh doanh ở mức cực thấp so với toàn ngành.

Đặc biệt, với một ngân hàng thương mại, nơi huy động vốn để cho vay, thì nguồn thu nhập chính của họ luôn luôn từ lãi vay và lợi nhuận chủ yếu từ chênh lệch lãi giữa cho vay và huy động thì Southern Bank có vẻ đi ngược lại quy luật chung. Thực tế cho thấy, năm 2014, nguồn vốn huy động của nhà băng này đạt hơn 76,6 nghìn tỷ đồng nhưng dư nợ tín dụng gần như không tăng trưởng (chỉ tăng 0,08%), đạt trên 43,3 nghìn tỷ đồng; tương ứng tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) chi đạt hơn 56,5%.

Đáng chú ý, nợ xấu của Southern Bank tăng khá mạnh trong năm qua, ở mức 2.553 tỷ đồng, chiếm 5,89% tổng dư nợ, tăng 948 tỷ đồng so với năm 2013 (tổng dư nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm là 619 tỷ đồng). Như vậy, tính đến 31.12.2014, khoản nợ xấu của Southern Bank là 4.316 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đến cuối 2014 là 14,02%.

img

Sacombank được gì?

Sacombank có lợi gì khi nhận sáp nhập PNB? Theo báo cáo tài chính mà Sacombank mới công bố tại đại hội cổ đông thường niên 2017 vừa qua,  sau sáp nhập Sacombank có thêm 135 điểm giao dịch, tổng tài sản sẽ đứng thứ 5 trong hệ thống, chỉ sau nhóm bốn ngân hàng quốc doanh. Nhưng điều đó có quá quan trọng với Sacombank? Thực tế, việc tăng mạng lưới và tổng tài sản là chuyện đương nhiên. Vấn đề là khi chọn một ngân hàng để sáp nhập thì việc lựa chọn ngân hàng nào có hiệu quả, tài sản có chất lượng,… thì việc sáp nhập mới có thể tạo ra một ngân hàng đồng thời lớn hơn và mạnh hơn.

Southern Bank, như phân tích ở trên, đã không đáp ứng được điều này, đồng nghĩa với việc sau sáp nhập, Sacombank chỉ “cồng kềng” thêm mà thôi, thậm chí có thể bị kéo thụt lùi về mặt chất lượng tài sản và hoạt động.

Thực tế, sau sáp nhập Sacombank đã có vốn điều lệ là 18.825 tỷ đồng, vẫn còn khoảng cách khá xa so với các ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước như VietinBank, BIDV, Agribank hay Vietcombank. Tổng tài sản ước đạt hơn 290.861 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với Vietcombank và Vietinbank, thua xa BIDV và Agribank.

Về quy mô mạng lưới, sau sáp nhập Sacombank có  552 điểm giao dịch với 109 chi nhánh và 443 phòng giao dịch, cùng 4 công ty con; 2 ngân hàng con ở Lào và Campuchia với 10 chi nhánh. Tổng số CBNV tăng lên 17.296 người. Rõ ràng, khi Sacombank xác định hoạt động theo mô hình bán lẻ thì việc mở rộng mạng lưới đóng vai trò khá quan trọng.

Tuy nhiên, sau 1 năm khi sáp nhập thì lợi nhuận trước thuế của Sacombank giảm từ 698 tỷ đồng (năm 2015) xuống chỉ còn 97 tỷ đồng (2016); tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ 5,85% lên 6,68%.

Rõ ràng. nếu xét về nhiều mặt thì việc sáp nhập với Southern Bank không khiến Sacombank vượt trội hơn lên và cũng không làm thay đổi vị trí của Sacombank so với các ngân hàng khác. Thậm chí, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, việc sáp nhập này đã níu chân Sacombank tăng trưởng chậm lại và tại sao Sacombank vẫn quyết  thực hiện thương vụ này đến nay vẫn là dấu chấm hỏi.

Cần nói thêm một thực tế, trong báo cáo tài chính được Sacombank công khai mới đây trước đại hội cổ đông thường niên 2017, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản của Sacombank bình quân mỗi năm là 12,4% trong giai đoạn từ 2011-2015. Thế nên, nếu không sáp nhập với Southern Bank thì chỉ cần không tới 3 năm là Sacombank có thể đạt quy mô bằng quy mô hiện tại của Sacombank và Southern Bank cộng lại.