Sôcôla Marou của Việt Nam được tạp chí New York Times đánh giá là tinh tế nhất thế giới và không giống với bất cứ loại sôcôla nào khác.
Chiều 5.7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với bà Malu Drayer - Chủ tịch Hội đồng Liên bang Đức, kiêm Thủ hiến bang Rheinland-Pfalz. Tại cuộc gặp, hai bên đã tặng những món quà là những sản phẩm nổi tiếng mang đặc trưng hai nước. Trong khi bà Malu Drayer tặng Thủ tướng một thùng rượu đặc sản vùng Rheinland-Pfalz, thì Thủ tướng tặng bà Drayer sôcôla Marou và một hộp quà các mặt hàng nông sản Việt Nam như hạt tiêu, hạt điều…
Nhắc đến sôcôla có lẽ nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những sản phẩm thượng hạng đắt đỏ đến từ những nước như Bỉ, Mỹ, Nhật Bản. Tuy nhiên, ở ngay Việt Nam cũng có một loại sôcôla khiến cả thế giới phải xuýt xoa khen ngợi, đó chính là sôcôla Marou.
Tạp chí New York Times (Mỹ) năm ngoái đã xuất bản một bài báo giật tít “Loại sôcôla ngon nhất mà bạn chưa bao giờ được thử” để mô tả về sôcôla Marou được sản xuất tại Việt Nam.
Mở đầu bài viết, New York Times cho biết rằng những thanh sôcôla ngon và tinh tế nhất thế giới đang được sản xuất tại một xưởng nhở khiêm tốn ở TPHCM. Nữ phóng viên Lawrence Osborne cho biết, cô đã đến tận xưởng sản xuất Marou nằm ở ngoại ô TPHCM để chứng kiến tận mắt quy trình chế biến thủ công loại sôcôla thượng hạng này.
Mẻ sôcôla Marou vừa ra lò.
Thương hiệu Marou được sáng lập bởi hai người chủ là Samuel Maruta và Vincent Mourou, một người mang hai dòng máu Pháp - Nhật có tên Samuel Maruta, ban đầu tới Việt Nam để làm giáo viên; và một người đàn ông Mỹ gốc Pháp có tên Vincent Mourou, một cựu chuyên viên quảng cáo. Họ vô tình gặp nhau tại Việt Nam và phát hiện cả hai đều có chung niềm đam mê bất tận đối với cacao rồi cùng nhau thành lập công ty sản xuất sôcôla Marou năm 2011.
Hai người sáng lập sôcôla Marou, Samuel Maruta và Vincent Mourou chia sẻ về quá trình tạo nên loại sôcôla thượng hạng được thế giới ưa chuộng.
Samuel Maruta và Vincent Mourou đã lặn lội tìm kiếm khắp mọi nẻo đường Việt Nam, hai ông đã tìm ra được loại cacao hảo hạng nhất để sản xuất thành công sôcôla thượng hạng gây tiếng vang trên khắp thế giới, đó là cacao đến từ khu vực Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, đồng bằng Sông Cửu Long.
Kể từ khi tự tay chế biến thỏi sôcôla Marou đầu tiên trong căn bếp của mình vào đầu năm 2011, ông Mourou và đối tác, ông Samuel Maruta đã đem về không ít giải thưởng quốc tế, cũng như khiến cả thế giới thán phục trước ngành cacao Việt Nam.
Nhà sản xuất cẩn thận, tỉ mỉ chọn lựa, thu mua cacao để cho ra đời sôcôla Marou thượng hạng.
Một điều đặc biệt là, quy trình sản xuất sôcôla Marou đa phần là thủ công tại một nhà xưởng khiêm tốn ở TP.HCM.
Các hạt cacao được sử dụng để sản xuất sôcôla Marou đều được hái bằng tay. Toàn bộ đều được lựa chọn rất kĩ lưỡng và chắt lọc rồi tách vỏ và xử lý thủ công và được đưa vào máy khuấy và chạy tới 48 tiếng đồng hồ. Cuối cùng một chuyên gia sôcôla đổ vào khuôn tạo hình, gõ cho hết bong bóng và thành phẩm cũng được đóng gói bằng tay.
Ông Vincent Mourou chia sẻ về quy trình rang hạt cacao.
Hiện mỗi ngày xưởng chế biến sản xuất 100kg sôcôla và xuất khẩu sang nhiều nước và khu vực như Bắc Mỹ, Úc, Hàn, Nhật, châu Âu...
Theo Bloomberg, khi được hỏi về sôcôla Marou, cô Naoko Otsuka người Nhật chia sẻ: "Dù biết giá của loại sôcôla này khá cao nhưng tôi đã ăn nhiều lần và chất lượng của nó hoàn toàn xứng đáng. Đối với tôi, loại sôcôla Marou này không chỉ đơn giản là một thứ ăn vặt, mà chất lượng của nó đã vươn đến tầm tinh hoa. Tôi mua tận 6 loại sôcôla Marou khác nhau, được sản xuất từ các loại cacao có nguồn gốc từ nhiều khu vực tại Việt Nam, để có thể cảm nhận rõ ràng hơn sự khác biệt".
Tuy nhiên, mặc dù sôcôla Marou rất được những người sành sôcôla trên thế giới yêu thích, nhưng nhiều người Việt lại không ăn được loại sôcôla này vì nó quá đắng. Theo đó, bài báo của New York Times đã kết luận bằng một nghịch lý, đó là loại sôcôla hảo hạng này đã không tạo nên cơn sốt tại Việt Nam.