Hai ngày gần đây, hình ảnh một cô bé chăn bò với khuôn mặt đượm buồn xuất hiện trên khắp các diễn đàn mạng xã hội. Đó là Phan Thị Minh (học sinh trường THPT Tân Kỳ, Nghệ An) – người xuất sắc giành 30 điểm khối C trong kỳ thi THPT Quốc gia 2017.
Vì hoàn cảnh khó khăn, gia đình Phan Minh từng được chương trình "Lục lạc vàng" giúp đỡ
Thành tích của nữ sinh nghèo khiến ai nấy đều ngưỡng mộ. Điểm cụ thể ba môn thi của Minh là Văn: 9, Sử: 9,75, Địa: 9,75, cộng 1,5 điểm vùng là tròn 30 điểm. Với số điểm này, Minh tự tin nộp hồ sơ xét tuyển vào bất cứ ngành học nào cô mong muốn.
Điểm số xuất sắc là vậy nhưng lại đem đến cho cô gái xứ Nghệ cảm xúc hỗn độn. Bật khóc sung sướng khi biết mình giành điểm tối đa nhưng rồi, Minh lại thấp thỏm lo lắng về tiền ăn, học cho 4 năm kế tiếp. Bởi nhà Minh rất nghèo, được theo học đến lớp 12 đã là sự cố gắng hết sức của cả bản thân cô lẫn bố mẹ.
“Mình khóc vì vui sướng, mẹ cũng thế nhưng mình biết mẹ lo hơn mừng. Mẹ khen mình giỏi, không phụ 12 năm ăn học nhưng khi nói chuyện với cô bác hàng xóm, mẹ lại nửa đùa nửa thật: “Con không đậu thì con chết mà con đậu thì bố mẹ chết”, Minh giãi bày.
Minh là học sinh xuất sắc của trường THPT Tân Kỳ (Nghệ An). Cô từng giành giải Nhì môn Sử kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh
Minh là chị cả của một gia đình thuần nông, ngoài cày cấy lấy lúa ăn, bố mẹ Minh thường đi làm thuê, làm mướn việc đồng áng cho người ta với tiền công từ 100.000 - 150.000 đồng/ngày.
Trước khi bước vào giai đoạn ôn thi cam go, Minh gần như là lao động chính trong nhà. Buổi nào không phải đi học, Minh đi chăn bò, cắt cỏ, làm việc đồng giúp bố mẹ. Nghỉ hè, Minh theo bố mẹ đi làm thuê, cuốc cỏ, cấy lúa… mức lương không cao như người lớn nhưng cũng đủ để cô trang trải tiền sách vở.
Có những ngày làm việc quá sức, chân tay mỏi nhừ, Minh tưởng không trụ nổi nữa. Góc học tập chỉ có chiếc bóng đèn mờ càng khiến Minh thêm sợ con chữ nhưng cô vẫn ngồi học đến nửa đêm, đến lúc bố mẹ nhắc mới rời sách đi ngủ.
“So với việc dãi nắng, dầm mưa ngoài ruộng thì học vẫn nhàn hạ hơn nhiều. Mình phải đỗ đại học, phải có tương lai để không chỉ mình nhàn hạ mà cả bố mẹ cũng được thảnh thơi”, Minh nói.
Phan Minh (bên trái) rạng rỡ trong ngày tốt nghiệp
Buổi tối hôm biết điểm thi, cả nhà Minh quây quần bàn bạc chuyện sắp tới cho cô con gái cả ra Hà Nội học. Bàn đi bàn lại vẫn thấy thiếu tiền, Minh vội vã hứa hẹn ổn định chỗ ở rồi sẽ đi làm thêm kiếm tiền đóng học phí. Thấy vậy, bố Minh cười xòa: “Hy sinh đời bố, củng cố đời con”, khiến cô muốn rơi nước mắt.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày nhập học nhưng Minh vẫn dự định xin làm công nhân, tranh thủ kiếm chút tiền đi đường. Cô gái Tân Kỳ không sợ vất vả, chỉ sợ thiếu tiền ăn học.
Tâm trạng ngổn ngang là vậy nhưng khi nhắc đến chuyện ra Hà Nội học, Minh lại rộn ràng niềm vui. Cô kể, sẽ nộp hồ sơ xét tuyển vào khoa Đông Phương – trường Đại học Khoa học Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) – ngôi trường mơ ước của cô từ khi còn là học sinh lớp 10.
“Mình muốn thật nhanh chạm đến ước mơ, dù biết là rất khó khăn nhưng mình vẫn luôn có niềm tin”, Minh khẳng định.
Đây là người thầy Minh đặc biệt biết ơn vì đã giúp đỡ cô trong suốt những năm tháng phổ thông
Minh luôn tự tin vào tương lai của mình
Minh đã lên kế hoạch cụ thể cho chặng đường 4 năm tiếp theo.
Khi mở cửa ra, chủ nhà suýt chút nữa ngất bởi mùi hôi thôi nồng nặc bốc ra từ căn phòng của vị giảng viên này.