Dân Việt

Vua chuối Út Huy: Rất buồn khi ND bị đổ tội lúc thị trường dư thừa

Thiên Hương (ghi) 07/07/2017 11:17 GMT+7
Ông Võ Quan Huy (Út Huy) - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, người đang có hơn 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp tại 6 tỉnh (chuyên canh nuôi tôm, nuôi vỗ béo bò Úc, trồng chè, cao su, chuối...) đã cho biết như vậy Tại Hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) với các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do Trung ương Hội NDVN tổ chức tại Hà Nội sáng nay.

img

Ông Võ Quan Huy bên vườn chuối của mình ở Long An. Ảnh: Tư liệu

"Vua" chuối Út Huy cho biết, ông đã gắn bó với nghề nông hơn 40 năm qua, từ mô hình kinh tế hộ, phát triển lên trang trại rồi thành lập DN như hiện nay. Để nuôi khát vọng làm giàu, ông cho biết trong hơn 40 năm làm nông nghiệp thì hơn 20 lần ông đã thay đổi cây con để khắc phục các yếu kém, khó khăn để vươn lên. 

Từ 5 câu hỏi Chủ tịch Trung ương Hội ND đặt ra tại Hội nghị (Tại sao nhiều chủ trương, chính sách đề ra cho nông nghiệp nhưng không hiệu quả; Làm thế nào để DN, ND gắn kết chặt chẽ hơn trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; Nông dân Việt Nam sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào; Doanh nghiệp giữ vai trò gì, trách nhiệm ra sao trong mối liên kết; Vai trò của Hội NDVN để giúp mối liên kết giữa ND, DN bền vững, hiệu quả), ông Huy chia sẻ: 

Thứ nhất, hiện nay có thực tế là Nhà nước đưa ra một số chính sách cho nông nghiệp, nhưng nhằm mục đích quản lý nhiều hơn là mang lại lợi ích trực tiếp cho các đối tượng trong chính sách; các cấp, ngành địa phương được thành lập cũng là để quản lý chính sách dễ hơn, đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc mặc dù Nhà nước ban hành nhiều chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nhưng hầu hết đã bị lỗi thời.

Do đó, theo tôi khi cơ quan Nhà nước xây dựng chính sách, cần về nông thôn, sống cùng nông dân để có sự am hiểu tường tận đời sống, tâm tư nguyện vọng và thực tế sản xuất của bà con để đưa ra chính sách phù hợp.

img

Ông Võ Quan Huy bên dây chuyền sơ chế sản phẩm chuối xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Phiêu Nhiên

Thứ hai, về câu hỏi làm thế nào để DN, ND cùng nhau hợp tác trong chuỗi giá trị nông sản, tôi cho rằng muốn gắn kết bền vững, thì hãy đưa ra cho DN, ND những sự lựa chọn, đem đến lợi ích cho các bên. Lâu nay, câu chuyện gắn kết giữa ND, DN đã được nói đi nói lại rất nhiều, được đẩy lên thành phong trào “nóng” ở nhiều địa phương, nhưng thực sự chưa có nhiều mối liên kết hiệu quả.

Hiện tôi đang làm chuỗi sản xuất tôm ở Bạc Liêu, Sóc Trăng. Tại đây có vài DN còn yếu rất hào hứng tham gia xu hướng này, nhưng những DN có vốn, chủ động được thức ăn thì gần như không muốn tham gia chuỗi này.

Ở nông thôn, hiện nay khó nhất vẫn là vốn đầu tư cho sản xuất (thường đến từ 3 nguồn: vốn tự có, vay ngân hàng, vay đại lý theo hình thức nợ vật tư, giống nông sản). Hiện ở một số nơi có thêm dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật đầu vào cho người nuôi tôm, cũng rất thuận lợi cho nông dân và loại hình dịch vụ này đang phát triển khá tốt.

Với vai trò Hội ND, tôi cho rằng để giúp bà con gắn kết chặt chẽ hơn trong mối liên hệ với DN, Hội ND cần nắm sát diễn biến thực tế ở các vùng sản xuất, để giúp ND thay đổi tư duy sản xuất, bỏ sự dễ tính trong làm ăn.

Thứ 3, về câu hỏi bây giờ người ND cần sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào? Tôi cho rằng ở đây vai trò quy hoạch của Nhà nước rất lớn, nhưng lâu nay Nhà nước đưa ra quy hoạch lại không sát thực tế. Ví dụ trong chăn nuôi lợn, đưa ra quy hoạch một kiểu, dự báo thị trường một kiểu và dự báo không sát, nên đã dẫn tới chăn nuôi lợn bị đảo lộn.

Bên cạnh đó, việc làm số liệu thống kê của chúng ta cũng chưa được kịp thời, ít ra cũng cần có con số hiện nay ND đang nuôi bao nhiêu con lợn, sản lượng thịt thế nào, dự báo tiêu dùng ra sao… Các con số cần công khai để ND nắm được, từ đó có thể tự điều chỉnh sản xuất.

img

Sản phẩm chuối xuất khẩu của Công ty TNHH Huy Long An. 

Với hơn 110ha chuối đang trồng tại Long An và Tây Ninh, tôi luôn phải tìm hiểu xem những thị trường nào cần chuối. Đương nhiên đó phải là những nước không trồng chuối được, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những thị trường luôn luôn nhập chuối, còn thị trường Trung Quốc chỉ nhập thời vụ, do nông dân nước họ cũng trồng chuối.

Chúng ta cần làm thế nào để tất cả mọi người, ND, DN đều nhìn thấy điều này thì mới hợp tác sản xuất được.

Vấn đề rất buồn là hiện nay, hễ khi có vấn đề gì về thị trường, hầu như mọi người đều đổ thừa cho ND sản xuất tự phát. Tôi cho rằng cách nhìn nhận như vậy là không đúng. Lẽ ra, các thương vụ của nước ta ở nước ngoài cần tìm hiểu, nắm rõ tình hình sản xuất của nước đó. Ví dụ, ngay khi ND ở nước họ ươm hạt giống, các thương vụ đã phải nắm được để báo về cho cơ quan chức năng trong nước, từ đó chúng ta mới xây dựng được dự báo thị trường sát thực tế. 

Hiện nay ND vẫn là đối tượng còn nhiều khó khăn nhất, vai trò của Hội NDVN là cần nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của bà con để kịp thời có kiến nghị về chính sách, giúp ND phát triển sản xuất thuận lợi, hiệu quả.