Lô hàng vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) đầu tiên chính thức được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan kể từ ngày 30.6. Đến đầu tháng 7, mặt hàng này được trưng bày lên quầy kệ của một số chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group tại Bangkok. Tại đây, mỗi cân vải thiều niêm yết giá 299 baht, tương đương 200.000 đồng.
Quá bất ngờ trước thông tin này, tôi quyết định quay trở lại vùng đất Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang sau một thời gian dài không qua. Lần tôi đi công tác gần nhất thì cũng đã gần 20 năm về trước. Giờ Lục Ngạn đổi thay ngỡ ngàng.
Tôi hiểu, Lục Ngạn nhờ có trái vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) được đem nhân giống nơi đây từ những năm đầu thập kỷ 90 mà nay nó đã được nhân rộng lên khắp cả huyện. Cũng nhờ thế, đời sống nông dân cũng khác xưa nhiều.
Vải thiều Lục Ngạn được bày bán tại khu Central (Bangkok)
Nhìn cảnh nhà dân san sát xây lên, hoành tráng với quy mô biệt thự cũng không phải hiếm là đủ hiểu và thấy vui cho người dân vùng bán sơn địa này.
Vào một trang trại người quen, tôi thấy trang trại bạt ngàn trái chín. Chủ trại bảo năm nay mất mùa vì khí hậu, lại có những 2 tháng nhuận (tháng 6) nên quả không sai lắm. Ông chủ trại cho biết, chỉ có một khu trại của gia đình là được thu hoạch, còn một khu khác của ông thì “toi” hẳn dù cây rất xanh tốt và cũng chỉ cách nhau vài trăm mét.
Mọi năm, để qua được khu chợ vải cách đó cỡ chục km có khi mất vài tiếng chỉ do tắc đường. Năm nay thì không như vậy.
Năm 2017, vải thiều thu hoạch trong toàn tỉnh Bắc Giang ước đạt 100.000 tấn. Chỉ bằng 70% so với năm 2016.
Trong khi đó, thủ phủ của vải thiều là Lục Ngạn năm nay chỉ đạt phân nửa của năm trước – 50.000 tấn dù cho diện tích trồng vải nay đã lên tới 16.000ha).
Tìm hiểu tôi thấy khá thú vị. Số là, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Lục Ngạn thuộc tỉnh Hà Bắc (sau này mới quay về tên tỉnh cũ là Bắc Giang khi tách tỉnh). Diện tích đất của cái huyện Lục Ngạn này lớn bằng cả tỉnh Bắc Ninh bây giờ.
Năm đó, Tổng Bí thư Đỗ Mười có về làm việc với tỉnh Hà Bắc. Ông lên thăm Lục Ngạn, thấy đất đồi rộng mênh mông mà sao dân vẫn nghèo quá. Ông hỏi địa phương thì vị đứng đầu tỉnh khi đó nói rằng việc trồng trọt nhiều loại cây ở đây không hợp thổ nhưỡng. Ngoài cây mía và cây công nghiệp đã trồng tàm tạm nhưng giá thu mua lại thấp nên đời sống người nông dân vẫn rất khó khăn.
Ông Đỗ Mười có vẻ băn khoăn nhiều về chuyện này bởi hình như báo cáo của lãnh đạo tỉnh chưa đủ thuyết phục ông, một vị đứng đầu Đảng lại vốn một thời trai trẻ là nông dân như ông.
Ngay sau đó, ông về Hà Nội đã đặt vấn đề ngay với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, muốn hỗ trợ, cung cấp cây vải thiều giống của vùng Thanh Hà nổi tiếng cho bà con nông dân Lục Ngạn đem trồng thử kèm theo hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.
Số lượng cây giống lúc đó cũng chỉ được gây ở 3 xã là Quý Sơn,Tân Quang và Thanh Hải, xem như là để thử nghiệm xem sao đã.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười trong một lần thị sát địa phương. Ảnh: TL
Thế rồi khoảng dăm năm sau, ông Đỗ Mười lại cất công lên Lục Ngạn tìm hiểu thực nghiệm nay ra sao. Lúc này, các xã khác cũng thấy hay nên họ đã tự học theo rồi nhân giống vải thiều thêm.
Thế rồi, chất lượng, hương vị trái vải trồng ở Lục Ngạn xem ra lại không hề thua kém so với vải thiều Thanh Hà chính gốc nên ông hy vọng sẽ có ngày trái cây này thực sự thay đổi cuộc sống của họ.
Khi làm việc với lãnh đạo tỉnh, ông Đỗ Mười nhắc lại chuyện cũ khiến cho vị đứng đầu tỉnh ngày nào còn bao biện cho rằng các cây trồng nơi khác không phù hợp thổ nhưỡng cúi mặt giả bộ ghi chép do ngượng chín mặt trước cấp trên.
Thú vị ở chỗ, thổ nhưỡng vùng đất này rất có duyên với nhiều loại trái cây đặc sản khác đem giống về trồng thử như cam Canh Diễn, bưởi Diễn Hà Nội, ổi Hưng Yên và gần đây là cả giống bưởi da xanh Nam Bộ cũng cho trái rất ngon, ngon đến mức ngạc nhiên.
Ngày nay, nói tới vải thiều Lục Ngạn, dân nơi đây luôn chịu ơn sâu nặng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười. “Người trồng vải chúng tôi ở Lục Ngạn luôn luôn chịu ơn cụ Đỗ Mười. Nhờ có cụ mà người nông dân chúng tôi được đổi đời ghê gớm! "- anh Thanh Giang, chủ một trang trại mà tôi vô tình gặp nói với tôi.
Nếu qua Nhật, ta dễ bắt gặp trong siêu thị, những chiếc hộp mẫu mã rõ đẹp, bọc vải lụa trắng với 12 trái vải được đặt lọt thỏm bên trong được giới thiệu là vải “made in Việt Nam”. Giá bán hộp vải thiều này tính ra tiền Việt là 450.000 đồng.
Thông tin mới nhất là, lô hàng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đầu tiên chính thức được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan kể từ ngày 30.6. Đến ngày 3.7, mặt hàng này được trưng bày lên quầy kệ của một số chuỗi kinh doanh bán lẻ thực phẩm của Central Group tại Bangkok. Tại đây, mỗi kg vải thiều niêm yết giá 299 baht, tương đương 200.000 đồng.
Tôi nghe nói, năm nay chúng ta sẽ mở rộng thêm thị trường sang các nước Trung Đông, Dubai, Canada và đương nhiên tiếp tục xuất mạnh sang thị trường Thái Lan nữa.
Thế mới biết, dù ở bất cứ cấp nào trong bộ máy, tầm nhìn sâu rộng, tinh tường của người đứng đầu luôn là cả một vấn đề hệ trọng. Nó có thể giúp cho địa phương tiến nhanh hoặc tụt hậu, có thể khiến dân giàu lên nhanh hay vô tình cản trở sức phát triển khiến bị nghèo... lâu thêm. Và, nếu tầm nhìn đó là tích cực, sáng suốt thì người dân sẽ mãi mang ơn...