Dân Việt

Tiếp tục thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

HTH 07/07/2017 17:05 GMT+7
Vụ Hè Thu năm 2017, Công ty CP PB Bình Điền tiếp tục phối hợp với trung tâm KNQG và TTKN 13 tỉnh thành vùng ĐBSCL thực hiện chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với BĐKH. Đây là vụ thứ 3 liên tiếp chương trình này được triển khai ở vựa lúa của cả nước sau 2 vụ trước đạt được nhiều hiệu quả rất rõ rệt, được nông dân và tất cả các đơn vị tham gia thực hiện rất hài lòng.

Một trong những hợp phần phải thực hiện của chương trình và các mô hình trình diễn ở các địa phương, mỗi mô hình thực hiện với tổng diện tích 2,5 ha, bao gồm 5 hộ dân canh tác theo các biện pháp kỹ thuật đã được chuyển giao từ các nhà khoa học. Mô hình là điểm then chốt quyết định đến thành công của toàn chương trình, vì mục tiêu chính khi thực hiện chương trình này là làm sao đưa các tiến bộ kỹ thuật đến được với thực tế sản xuất và người nông dân phải là chủ thể để ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật đó.

img

TS. Hồ Văn Chiến (thứ 5 từ phải sang) thăm mô hình tại huyện Cờ Đỏ - TP Cần Thơ.

Đến thời điểm này, ban cố vấn đã thăm trực tiếp tất cả các mô hình, ở các giai đoạn làm đất, đẻ nhánh, và làm đòng. Cây lúa ở tất cả các mô hình đều đang phát triển tốt, nông dân đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp canh tác mới vào sản xuất và mang lại hiệu quả.

Làm đất: nông dân hiểu biết hơn về thổ nhưỡng, vai trò của đất đến sinh trưởng cây lúa nên đã rất tập trung trong công việc làm đất đầu vụ. Tùy điều kiện thực tế từng địa phương, nông dân đã tiến hành cày ải, phơi đất, sử dụng các thiết bị đo pH, độ mặn để cải tạo đất phù hợp, các biện pháp bón lót, sử dụng nước để ém và rửa phèn, cày xới phù hợp với từng nhóm đất trồng, đánh rãnh, làm đất bằng phằng…đã được áp dụng khá tốt ở các mô hình. 

img

PGS.TS Mai Thành Phụng thăm đồng, kiểm tra biện pháp làm đất, hướng dẫn sạ giống bằng máy phun hạt

Giống lúa: tất cả các mô hình đều sử dụng giống xác nhận, có nguồn gốc và sạ thưa theo khuyến cáo. Biện pháp sạ có khác nhau bao gồm: sạ hàng, sạ thưa bằng máy hoặc bằng tay, sạ ngầm cải tiến, cấy… tuy nhiên tất cả các mô hình đều sử dụng không quá 80 kg/ha. Nhiều nông dân bộc bạch với chúng tôi rằng: “thường chúng tôi sạ khoảng 200 kg/ha cho vụ Hè Thu vì cây lúa đẻ nhánh ít trong vụ này, nếu sạ ít sẽ không có mạ dặm và còn đề phòng mưa gây chết giống, ốc bưu vàng cắn phá”. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm này mặc dù lượng giống giảm nhưng cây lúa đều phát triển tốt, nên nông dân rất phấn khởi. Anh Huỳnh Văn Nhất ở mô hình tại xã Tân Sơn, Trà Cú, Trà Vinh cho biết: “ban đầu sạ thưa như vậy bà con trong xóm ai cũng cười, vợ cũng rầy, nhưng đến nay lúa được 55 ngày, chuẩn bị trổ cây lúa rất đều và đẹp, sâu bệnh rất ít, các ruộng lân cận sạ dày thì bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá rất nặng. Lúa của tôi chỉ mới phun ngừa bệnh 1 lần trong khi bà con khác đã phun đến 5 lần, bây giờ bà con lại qua xem lúa và học cách sản xuất của tôi, tôi thấy rất vui”.

img

Ruộng MH tại Cà Mau vẫn xanh tốt mặc dù khô hạn không bón phân được.

Nông dân dần biến thành chuyên gia: đây là mục tiêu lớn nhất và những gì đã đạt được đến lúc này được các thầy trong ban cố vấn đánh giá rất cao. Nếu sản xuất trong điều kiện thuận lợi thì ai cũng làm được nhưng khi gặp các vấn đề thì thường nông dân rất lúng túng, nhưng trong các mô hình thực sự bà con là làm được những điều đó. Mô hình tại Xã An Xuyên, TP Cà Mau nông dân chủ động sử dụng thêm phân bón lá phun bổ sung khi khô hạn đầu vụ nên không bón phân bón gốc được. Hay tại xã Mỹ Lạc, Thủ Thừa, Long An, nông dân trong Mô hình đã phân tích nguyên nhân và hướng dẫn nông dân ngoài mô hình biện pháp xử lý ngộ độc phèn giữa vụ, cùng với đó cty CP PB Bình Điền cũng đã cung cấp phân Đầu trâu Mặn Phèn để bón, kết quả ruộng lúa bên ngoài mô hình đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Mặc dù chưa có kết quả thực tế ở các mô hình trong vụ Hè Thu năm nay, tuy nhiên từ những kết quả bước đầu đã đạt được. Chúng tôi rất tin tưởng mô hình sẽ đạt được các kỳ vọng, nông dân mô hình sẽ là các chuyên gia nhà nông, các hạt nhân để nhân rộng mô hình đến nhiều nông dân khác, giúp cho nền nông nghiệp lúa nước tại khu vực ĐBSCL tiếp tục phát triển ổn định, thích ứng với biến đổi khí hậu.