Ngoài cây bưởi da xanh, sầu riêng, thì cây mía tím cũng đang được khẳng định là cây trồng chủ lực ở huyện Khánh Sơn. Mía tím vừa giúp nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vừa làm thay da đổi thịt bộ mặt của các bản làng.
Đến huyện Khánh Sơn vào những ngày này mới thấy sự đổi thay của một huyện miền núi, cánh đồng mía tím đang trải dài bạt ngàn. Nhiều nông dân nhận định rằng, cây mía tím rất bén duyên ở địa phương, so với cây lúa nước, thì mía tím cho thu nhập cao gấp 2- 3 lần.
Ông Mấu Quốc Nấm bên ruộng mía tím của gia đình. Với 2 sào mía tím, ước năm nay gia đình ông Nấm thu về vài chục triệu đồng. Ảnh: Công Tâm.
Đang chăm sóc vườn mía tím, ông Mấu Quốc Nấm (54 tuổi, người dân tộc Raglai, xã Ba Cụm Bắc vui mừng cho biết, mía tím năm nay tốt lắm, cây phát triển to, cao, đều, đẹp mắt và nghe thông tin giá mía lên cao nên gia đình ông càng phấn khởi hơn. Năm nay, gia đình ông Nấm trồng được 2 sào mía tím. Vườn mía đã được hơn 5 tháng tuổi, dự định khoảng 3 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Mía của ông đã có rất nhiều thương lái đến hỏi mua, nhưng ông vẫn quyết định chưa bán, chờ đúng tuổi mía mới có năng suất hơn.
Ông Nấm chia sẻ: "Trước đây, gia đình trồng cà phê, do cà phê thường xuyên bán với giá thấp nên tôi quyết định chặt bỏ và chuyển sang trồng lúa nước. Tưởng chừng cây lúa mang lại cuộc sống khấm khá hơn, nào ngờ cây lúa cho năng suất quá kém, một lần nữa tôi nghiên cứu trồng cây mía tím. Đầu năm 2002, gia đình đầu tư 6 triệu đồng để mua giống về trồng. Những năm đầu tiên cho lãi từ 4-5 triệu đồng/sào/ vụ, nhưng càng về sau lại càng cho lãi cao hơn...".
Ông Nấm bộc bạch, nhờ cây mía mà gia đình thoát được nghèo và nuôi được con cái trong gia đình ăn học bài bản. Ông tiết lộ, vụ này chắc chắn sẽ lãi trên 12 triệu đồng/sào. Ảnh: Công Tâm.
Theo ông, trồng mía tím rất khỏe, tiết kiệm được nước tưới, không tốn nhiều công chăm sóc, giá cả luôn ổn định nên gia đình không lo lắng đầu ra. Từ những kinh nghiệm trồng mía thành công, ông cũng hướng dẫn cho một số hộ xung quanh mang lại hiệu quả tương tự.
Còn ông Mấu Văn Hoa (xã Sơn Hiệp)cho hay, 4 sào đất của gia đình trước đây trồng các giống bắp, đậu nhưng hiệu quả không như mong muốn. Thấy bà con trúng mía tím, ai cũng giàu to nên gia đình quyết định làm đất trồng mía tím. Chính mía đang mang lại cho gia đình sung túc hơn. Riêng vụ vừa rồi, ông thu nhập trên 55 triệu đồng và dự định năm đến sẽ nhân rộng thêm diện tích mía tím.
Ông Cao Phạm Cưỡng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Khánh Sơn đánh giá, những năm gần đây Hội luôn chủ động tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật tiên tiến cho các hội viên, nông dân áp dụng kỹ thuật vào trong sản xuất và mía tím được bà con quan tâm nhiều nhất. Ngoài ra, Hội còn tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân và vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH để phát triển mô hình kinh tế gia đình. Theo ông Cưỡng, hiện nay nhiều hộ đồng bào dân tộc Raglai đã có cuộc sống khấm khá từ cây mía tím.
Toàn huyện Khánh Sơn hiện có trên 300ha diện tích trồng mía tím, chủ yếu tại xã Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Trung, Sơn Hiệp và thị trấn Tô Hạp. Năng suất mía tím bình quân đạt 2 tấn/sào, giá bán dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/bó (12 cây), lãi từ 10 – 25 triệu đồng/sào. Mía tím được bà con nông dân trồng từ nhiều năm nay, vì thế nó không thể thiếu với người nông dân, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương rất phù hợp cho cây mía tím phát triển. |