Cơn say cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai giúp gia đình Cường đô la gia tăng tài sản trên sàn chứng khoán
Thoái trào?
Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai trong một thời gian dài quanh quẩn ở mốc 4.000 – 5.000 đồng/CP vì DN không có lối ra trong hoạt động kinh doanh bất động sản. “Thê thảm” đến mức bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ Cường đô la khẳng định không thể vay thêm tiền để làm dự án, và sẽ hủy niêm yết nếu cổ đông gây thêm sức ép.
Tuy nhiên, từ tháng 4.2016, CP này bắt đầu “nhích” dần lên và đỉnh điểm là tháng 6.2016 bắt đầu “có biến” với hàng chục phiên kịch trần liên tiếp, số lượng giao dịch hàng chục triệu CP mỗi phiên. Cơn biến động đưa giá cổ phiếu QCG gần chạm mốc 30.000 đồng/CP. “Cơn say” cổ phiếu khởi phát từ việc Quốc Cường Gia Lai được cho là đã sang nhượng dự án Phước Kiển cho DN con của tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông, thông tin này đã bị phủ nhận, đồng nghĩa với việc bài toán tồn kho và nợ nần của DN vẫn chưa có lối thoát. Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu QCG rục rịch quay đầu đi xuống cả về giá lẫn số lượng khớp lệnh. Trong phiên giao dịch gần nhất, CQG được niêm yết với giá 23.500 đồng/CP, giảm mạnh so với đỉnh giá trước ĐHCĐ. Đặc biệt, với gần 7 triệu CP giao dịch, chỉ có gần 300 nghìn CP khớp lệnh.
Đây là xu hướng chủ đạo của CP QCG khi ở phiên giao dịch trước đó, chỉ hơn 400 nghìn CP khớp lệnh trong tổng số gần 12 triệu CP giao dịch. Trước đó nữa, tỷ lệ “hấp thụ” của CP này trong ba phiên “đỏ sàn” là vô cùng thấp, chiếm chưa đến 0,5% lượng CP giao dịch. Cá biệt, trong ngày “trượt dốc” xuống đáy, giá CP giao dịch ở mức 23.400 đồng/CP chỉ có hơn 100 nghìn CP khớp lệnh trên tổng số 4 triệu CP giao dịch. Số lượng CP khủng “treo” trên sàn giao dịch chứng tỏ QCG đã mất dần sức hút. Thay vào đó là xu hướng “exit” ồ ạt.
Hai “tử huyệt” của QCG
Theo nhận định của một chuyên gia tài chính đầu ngành, sự biến động CP QCG thời gian gần đây chủ yếu dựa vào hiệu ứng tâm lý của nhà đầu tư lướt sóng. Sự “hấp dẫn” của mã CP này xuất phát từ thông tin úp mở về việc chuyển nhượng dự án Phước Kiển. Cộng với việc định giá tài sản rất khó nhận định. Giá trị tài sản khi định giá chênh lệch 30% là bình thường.
Đối với DN như Quốc Cường Gia Lai, phần chênh lệch này sẽ mang lại tài sản lớn trong báo cáo. “Bức tranh màu hồng này lôi kéo các nhà đầu tư lướt sóng vào tìm cơ hội. Giá CP được đẩy lên quá cao so với giá trị thực. Áp lực thoát hàng đang đè nặng lên nhà đầu tư và CP này chắc chắn sẽ còn giảm trong thời gian tới”- chuyên gia này nhận định.
Dự án Phước Kiển, gót chân Asin của Quốc Cường Gia Lai
Cùng với việc khẳng định chưa chuyển nhượng dự án Phước Kiển tại ĐHCĐ, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai cho biết, dự án này có thể được xử lý theo 2 hướng, bán 100% dự án hoặc hợp tác đầu tư. Và có khả năng phải đến đầu năm 2018, quyết định chính thức mới được công bố, thay vì thông tin hoàn tất chuyển nhượng trong năm 2017 đã đưa ra trước đó.
Theo báo cáo tài chính trong 3 tháng đầu năm, giá trị bất động sản dở dang của dự án Phước Kiển ghi nhận hơn 4.300 tỷ đồng, tương đương hơn 50% tổng tài sản của công ty. Là dự án có quỹ đất lớn nhất của Quốc Cường Gia Lai, nhưng dù đã triển khai 8 năm ròng rã công ty vẫn chưa thể hoàn tất khâu giải tỏa mặt bằng. Tỷ lệ này đến năm 2017 mới đạt 92% và vẫn còn 8% diện tích đất chờ đàm phán.
Từ thực trạng dòng tiền của công ty trong nhiều năm gần đây, khó có khả năng Quốc Cường Gia Lai thu xếp được hơn 1.000 tỷ đồng để thanh toán khoản tạm ứng nếu không thực hiện chuyển nhượng. Nhưng nếu việc chuyển nhượng trong trường hợp chưa hoàn tất giải tỏa mặt bằng dự án, thì khoản tiền phạt mà công ty phải chịu cũng không hề nhỏ, khoảng 25 triệu USD. Phước Kiển chính là gót chân Asin của DN mẹ Cường đô la và chưa giải quyết được bài toán này, Quốc Cường Gia Lai khó khởi sắc.
Năm 2017, DN đặt kế hoạch tham vọng với doanh thu đạt 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 720 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả kinh doanh trong quý I năm 2017 lại cho thấy viễn cảnh trái ngược. Quốc Cường Gia Lai ghi nhận gần 270 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận chỉ đạt hơn… 2,4 tỷ đồng. Trong 5 năm gần đây, thực tế cũng chưa có năm nào Quốc Cường Gia Lai hoàn thành kế hoạch kinh doanh do chính Hội đồng quản trị đề ra. Gần đây nhất là năm 2016 công ty đề ra mục tiêu đạt 100 tỷ đồng lợi nhuận, nhưng đến hết năm chỉ đạt hơn 44 tỷ đồng.
Vị chuyên gia nhận định, với sức khỏe tài chính và thực trạng tồn kho dự án như vậy, “cơn say” cổ phiếu QCG là quá bất thường, chủ yếu dựa vào tâm lý của nhà đầu tư. “Với những thông tin bất lợi sau ĐHCĐ cộng với tình hình chung của thị trường bất động sản, rất khó kỳ vọng vào sự phục hồi của QCG. Khả năng sẽ dẫn đến cuộc tháo chạy cắt lỗ của nhà đầu tư khiến mã cổ phiếu này còn giảm mạnh” - chuyên gia này nhận định.