Nới lỏng chính sách tiền tệ
Bình luận về quyết định giảm lãi suất của NHNN, công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng NHNN vẫn chốt chặn tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức 18% nhằm mục đích ổn định vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Trong bối cảnh room tăng trưởng tín dụng bị giới hạn như trên, các ngân hàng vẫn sẽ có xu hướng tập trung và chọn lọc các khoản vay có hiệu quả cao hơn tương đối. Như vậy, xét về mặt bằng lãi suất chung ra nền kinh tế, sẽ không có nhiều thay đổi sau quyết định này của NHNN.
“Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng đây được xem là tín hiệu “bật đèn xanh” và đồng thời cũng cho thấy định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN”, BVSC bình luận.
Trong thời gian tới, khi nghị quyết xử lý nợ xấu có hiệu lực, khối lượng trái phiếu VAMC mà các ngân hàng nhận về nhiều hơn thì đồng thời nhu cầu thực hiện các hoạt động tái chiết khấu, tái cấp vốn cũng tăng lên.
“Như vậy, mức độ tác động của chính sách này sẽ phụ thuộc vào hiệu quả thực tế của quá trình xử lý nợ xấu. NHNN biết rõ điều này và đang tạo thêm “chất xúc tác” cho các ngân hàng để đẩy nhanh tiến độ”, BVSC bình luận.
NHNN đồng loạt hạ lãi suất điều hành (Nguồn:SSI)
Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng cho rằng việc với lãi suất cho các lĩnh vực ưu tiên, mức độ tác động phụ thuộc vào hành động của từng NHTM dựa trên quan điểm kinh doanh của ngân hàng. Nhóm ngân hàng quốc doanh với hệ thống mạng lưới rộng và chi phí vốn rẻ sẽ tiếp tục là nòng cốt thực thi các chính sách này.
“Về tổng thể, việc giảm các lãi suất trên khó có thể coi là động tác nới lỏng tiền tệ. Thay vì đó, đây là nỗ lực của Chỉnh phủ cũng như NHNN nhằm tạo điều kiện cho các lĩnh vực ưu tiên để phần nào hỗ trợ tăng trưởng kinh tế”, SSI bình luận.
Nhiều ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất cho vay
Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay ngắn hạn VND tối đa là 6,5%/năm trong suốt thời hạn vay nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh đối với các khách hàng đang hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên.
Ngoài ra, Sacombank cũng đang triển khai gói vay ưu đãi phát triển nông thôn (đến hết ngày 30.9.2017) trị giá 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với lãi suất vay từ 8,5%/năm trong 6 tháng đầu đối với vay ngắn hạn và 9%/năm trong 12 tháng đầu đối với vay trung hạn.
Vietcombank cũng điều chỉnh lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên thêm 0,5%/năm. Đại diện Vietcombank cho biết, việc giảm lãi suất là dựa trên cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh, tăng cường công tác quản trị rủi ro.
“Vietcombank đã và đang nỗ lực đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp”, đại diện Vietcombank cho biết.
Vị đại diện này cho biết thêm, hiện Vietcombank đang triển khai nhiều gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu như: cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch (10.000 tỷ đồng); cho vay ngành cấp nước sạch (10.000 tỷ đồng); đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu (10.000 tỷ đồng); hợp tác phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (10.000 tỷ đồng); cho vay phát triển ngành y tế (30.000 tỷ đồng)…
Ngân hàng đầu tiên giảm lãi suất ngay sau quyết định của NHNN là Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Theo đó, VPBank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 0,5 – 1%/năm, tuỳ lĩnh vực ngành nghề, thời gian quan hệ tín dụng với ngân hàng.
"Các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy nền kinh tế đang dần ổn định, đó là cơ sở để giảm lãi suất vào thời điểm này. Quyết định giảm lãi suất lần này của chúng tôi sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ có thêm nguồn vốn hợp lý để tận dụng những cơ hội kinh doanh trong thời gian tới," đại diện cấp cao của VPBank cho biết.
Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, VPBank có thể hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ lên tới 5 tỷ đồng thông qua sản phẩm cho vay tín chấp khác biệt hoặc cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sản phẩm thẻ tín dụng doanh nghiệp, VPBiz, cho phép doanh nghiệp vay nhanh từ ngân hàng tới 2 tỷ đồng.
“Chính nhờ những sản phẩm cho vay linh hoạt và khác biệt như vậy, VPBank đang là ngân hàng đang được “giới” doanh nghiệp nhỏ và vừa chú ý nhất hiện nay. Tăng trưởng tín dụng năm 2016 của ngân hàng dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tăng 30% so với năm 2015. Dự kiến trong năm 2017, tín dụng cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa lên tới 560 tỷ đồng”, đại diện cấp cao VPBank chia sẻ.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác như BIDV, Vietinbank cũng đồng loạt giảm lãi suất cho vay hưởng ứng chủ trương giảm lãi suất của NHNN.