Cầu Nhà Thờ nằm trên tuyến đường Nhà Thờ bắc qua kênh Lam Hồng thuộc thôn 4 và thôn 5 xã Xuân Lam nối 2 thôn ra Quốc lộ 1A. Tháng 6.2017, UBND huyện Nghi Xuân có chủ trương đầu tư xây dựng lại cây cầu này và đơn vị thi công đã tiến hành đập cầu cũ để tiến hành thi công.
Cầu Nhà thờ bắc qua kênh Lam Hồng sau khi đập bỏ. Ảnh Nguyễn Duyên
Cầu cũ bị tháo dỡ không thể có con đường gần nhất để ra Quốc lộ, ra đồng sản xuất người dân phải đi đường vòng. Đập cầu rồi nhưng chưa thể thi công khiến người dân nơi đây bức xúc và đã nhiều lần phản ánh nhưng người dân chưa nhận được câu trả lời hợp lý của cơ quan chức năng.
Bà N. T. T. (xin giấu tên) trú tại xóm 4 xã Xuân Lam cho biết: “Cầu Nhà Thờ bị họ cho máy đập dỡ bỏ hơn 20 ngày rồi nhưng có thấy đơn vị thi công cầu mới đâu. Tuyến đường đi lại sinh hoạt chính của người dân đi lại qua cây cầu này. Việc chưa tiến hành làm mà vội đập cầu như vậy khiến người dân vất vả phải đi vòng hơn 2km”.
Ông Tr. Xóm 4, xã Xuân Lam cho biết thêm: “Không hiểu sao họ đập cầu cũ rồi để đó không thấy làm gì, trong nhiều cuộc họp người dân đã có ý kiến rồi. Người dân và trâu bò hai thôn phải đi đường vòng rất bất tiện. Một cây cầu làm 3 tháng mới xong, nếu cứ chậm trễ thì đến vụ thu hoạch tới người dân chúng tôi cũng chưa có đường mà đi”.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Vĩnh Thọ- Chủ tịch UBND xã Xuân Lam cho hay: “Cầu Nhà thờ đi vào xóm 4 và xóm 5 có chiều rộng 2,5m được làm đã khá lâu bắc qua kênh Lam Hồng, đã xuống cấp lại không có lan can. Nên UBND huyện Nghi Xuân đầu tư cây cầu mới kiên cố hơn cho người dân đi lại.
Ngày 6.6.2017, Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Nghi Xuân (BQLCDA- ĐTXDCB) đã có thông báo về việc khởi công xây dựng công trình cầu giao thông nông thôn thôn 4, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân bằng bê tông cứng gồm 2 nhịp, mỗi nhịp 5,5m tại vị trí cầu cũ. Công trình do Công ty cổ phần Xây dựng& Thương mại Nhật Hảo thi công. Công trình dự kiến tiến độ thi công khoảng 60 ngày”.
Theo Chủ tịch UBND xã Xuân Lam-Nguyễn Vĩnh Thọ: “Ngày 8.6.2017, đơn vị thi công đã làm lễ động thổ, đến sáng 18.6 đơn vị thi công có gọi điện hỏi tôi xem đã làm được chưa? Tôi có trả lời: Thời điểm này đang lấy nước tưới cho vụ hè thu nên chưa thể chặn dòng thi công. Nhưng chiều hôm đó đơn vị thi công đã cho máy móc về phá cây cầu cũ. Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền đã báo với Công ty thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cùng đại diện xã đến hiện trường và buộc đình chỉ công việc”.
“Không hiểu vì sao chúng tôi đã nói chưa thể thi công mà đơn vị nhà thầu vẫn mang máy móc vào làm. Việc người dân bức xúc cho rằng xã vội vã đập cầu là không đúng vì xã không liên quan gì đến việc xây dựng và thi công cầu”-ông Thọ nói.
Việc vội vàng đập bỏ cầu nhưng chưa thể thi công khiến tuyến đường chính đi lại của người dân bị chia cắt phải đi đường vòng. Ảnh Nguyễn Duyên
Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó Giám đốc Cty Thủy lợi Bắc Hà Tĩnh cho biết: “Việc thi công cầu phải tạm dừng do ảnh hưởng đến bơm tưới phục vụ sản xuất của người dân. Ưu tiên lớn nhất là việc phục vụ sản xuất cho bà con nên đơn vị thi công không thể ngăn dòng chảy để phục vụ việc xây dựng. Do vậy buộc đơn vị thi công phải tranh thủ tiến hành thi công khi kết thúc đợt tưới tiêu và tạm dừng khi có lịch tưới. Đây cũng là do lỗi của đơn vị thi công vì trước khi làm họ chưa tìm hiểu kỹ”.
“Địa phương không có kinh phí để làm huyện đã kêu gọi hỗ trợ để giúp dân nhưng người dân lại chưa có sự đồng cảm chia sẻ. Việc thi công cầu mới ngay tại vị trí cầu cũ nên việc phá bỏ cầu cũ là điều đương nhiên. Chứ giờ mà làm vị trí khác thì đường và cầu sẽ bị lệch nhau. Thiết nghĩ người dân nên chịu khó đi đường vòng một thời gian để chia sẻ với các bên liên quan”. (Ông Nguyễn Viết Hưng-Trưởng BQLCDA-ĐTXDCB huyện Nghi Xuân) |