Đó là phát biểu của ông Vũ Xuân Hồng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao trong khuôn khổ hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) với các DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn diễn ra tại Hà Nội mới đây.
Khó khăn bao vây ngành phân bón
Chia sẻ tại hội nghị này, ông Vũ Xuân Hồng – Phó Giám đốc Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao cho biết, đây là hội nghị rất có ý nghĩa, để các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được gặp trực tiếp người đứng đầu của Hội ND nhằm bày tỏ quan điểm của mình cũng như chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của DN.
Ông Lương Quốc Đoàn - Phó Chủ tịch Hội NDVN (phải) và ông Vũ Xuân Hồng
ký cam kết hợp tác hỗ trợ nông dân. ảnh: Đ.D
Trả lời cho câu hỏi DN cần làm gì để góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, nông dân phát triển do Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn đặt ra, ông Hồng cho biết: “Ở góc nhìn là một đơn vị sản xuất phân bón, phục vụ vật tư nông nghiệp đầu vào cho nông dân, tôi cho rằng DN muốn hỗ trợ cho bà con, DN đó phải đủ mạnh. Mà DN muốn mạnh, lại phải được ND ủng hộ. Không có nông dân tiêu thụ hàng hoá, DN làm sao phát triển được. Do đó, đây là mối quan hệ khăng khít không thể thiếu nhau, giữa hai bên phải có sự ủng hộ, giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau để cùng phát triển”.
Ông Hồng cho biết, từ năm 2015 đến nay, các đơn vị sản xuất phân bón trong cả nước đều gặp rất nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nông dân. Thời gian qua, giá nhiều loại nông sản quá rẻ mạt nên bà con đã hạn chế đầu tư phân bón cho cây trồng, khiến sản lượng bán hàng của các DN đều giảm. Điều đáng lo ngại là ngày càng có nhiều phân bón giá rẻ của các nước tràn vào nội địa, khiến các DN trong nước buộc phải giảm giá bán để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu.
Cụ thể, theo báo cáo của Bộ NNPTNT, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017 nước ta đã nhập khẩu 2,34 triệu tấn phân bón các loại, ước đạt 628 triệu USD, tăng 23,7% về khối lượng và tăng 17,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, cũng theo ông Hồng, ngành phân bón còn bị bủa vây bởi các khó khăn khác như quá trình đô thị hoá đang diễn ra nhanh ở nhiều địa phương, khiến diện tích đất nông nghiệp giảm, kéo theo việc sử dụng phân bón giảm. Đó là chưa kể, một số cơ chế chính sách trong quản lý phân bón đang bộc lộ nhiều bất cập, gây khó khăn cho DN…
Mặc dù những khó khăn chung đang làm ảnh hưởng tới các DN phân bón, song Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao vẫn giữ vững tăng trưởng với doanh thu bán hàng trung bình đạt trên dưới 4.000 tỷ/năm. “Trong hơn 50 năm phát triển sản xuất, chúng tôi xác định DN của mình luôn là bạn của nhà nông, do đó việc hỗ trợ, đồng hành chia sẻ mọi khó khăn của bà con là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu” – ông Hồng nói.
Mô hình trồng ổi bón phân NPK-S Lâm Thao cho năng suất, chất lượng cao. Ảnh: I.T
Mỗi năm chi 40 tỷ đồng cho tập huấn
"Chúng tôi rất mong Hội NDVN có chính sách bảo lãnh, bảo tín tốt hơn nữa trong việc cho mua phân bón trả chậm cho nông dân. Ngoài ra, đề nghị Hội NDVN cùng đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn nông dân lựa chọn những loại phân bón có uy tín, chất lượng”. |
Theo phân tích của ông Hồng, phân bón là vật tư quan trọng chiếm tới 40% chi phí đầu vào của sản xuất, trong khi nhiều nông dân đang gặp khó khăn về vốn. Nếu DN hỗ trợ cho nông dân mua phân bón trả chậm thì nông dân sẽ giảm được rất nhiều khó khăn, từ đó đầu tư cho sản xuất hiệu quả.
“Chúng tôi đang làm rất tốt các hoạt động này. Theo đó, mỗi năm Lâm Thao đầu tư khoảng 30-40 tỷ đồng để tổ chức tập huấn, xây dựng mô hình. Riêng chương trình hỗ trợ nông dân mua phân bón chậm trả, Lâm Thao cũng đầu tư khoảng 40 tỷ đồng/năm. Thời gian tới, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sẽ tiếp tục duy trì những hỗ trợ này và mở rộng tới nhiều địa bàn khác để ngày càng có nhiều nông dân được hưởng lợi” – ông Hồng nói.
Cũng theo chia sẻ của ông Hồng, ngoài các hoạt động trên, Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao sẽ tiếp tục tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ ND đầu vào cũng như kiến thức khoa học kỹ thuật. Để các chương trình của công ty triển khai thuận lợi, nhất là nhằm chia sẻ khó khăn với các DN phân bón, ông Vũ Xuân Hồng đã đề nghị Chủ tịch T.Ư Hội NDVN kiến nghị với Chính phủ một số vấn đề.
Một là hiện nay các chương trình hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước vẫn còn ít, hoặc chủ yếu là hỗ trợ cho các DN sản xuất hàng hoá nên hầu hết các DN phân bón vẫn đứng ngoài cuộc. “Vì vậy đề nghị T.Ư Hội NDVN có kiến nghị đến Chính phủ sớm sửa đổi nghị định về quản lý phân bón để giải cứu các DN phân bón, giúp bà con giảm chi phí phân bón, giảm áp lực khi phải cạnh tranh với phân bón nhập khẩu” – ông Hồng nêu.
Hai là, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN về vay vốn. Hiện nay Nhà nước đã có chính sách cho nông dân vay vốn không tính lãi từ 8-12 tháng, nhưng DN thì không được ưu ái như vậy, khiến nhiều đơn vị rất khó khăn.
Ba là, đề nghị Hội NDVN cùng tham gia phản biện và thể hiện vai trò của mình nhiều hơn trong khâu lưu thông phân bón. Vấn đề này liên quan đến Nghị định 202, các DN đã phản ánh rất nhiều nhưng chính sách vẫn chậm sửa đổi, khiến phân bón giả, phân bón kém chất lượng hoành hành, khiến ND thiệt thòi và ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính…/.