Dân Việt

Đánh người ngoại quốc là oai?!

Lê Ngọc Sơn 12/07/2017 06:48 GMT+7
Hình ảnh một chàng trai Mỹ bị đánh trên phố Trần Khát Chân (Hà Nội) hay hình ảnh một ông già Hà Lan va chạm rồi bị đánh ở Sapa (Lào Cai) cho thấy bạo lực đang đang ở ngưỡng "trẻ không tha, già không thương".

Những vụ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với người ngoại quốc gần đây không thể khiến những người có lương tri không khỏi xót xa và căm phẫn. 

Phần vì sự vô nhân tính, phần vì sự vô minh và làm hại cho hình ảnh quốc gia… Những nỗ lực ngoại giao nhất là ngoại giao nhân dân có thể bị đổ vỡ chỉ vì những hành động bạo lực của một vài người nhất thời.

Có lẽ trong một xã hội mà ra đến đường là thấy cảnh thay vì dùng lời nói để giải quyết các mâu thuẫn, không ít người phùng mang trợn má, dùng tay chân như là lối ứng xử ưa dùng, thì chuyện lo ngại cho mức độ bạo lực gia tăng trong xã hội là điều có cơ sở.

img

Cần phải thừa nhận, không phải bất cứ người ngoại quốc nào cũng có lối hành xử đúng, và thực sự Tây cũng có dăm bảy kiểu Tây. 

Tuy nhiên, việc dùng ngôn ngữ tay chân để giải quyết các mâu thuẫn – thứ đang phổ biến trên các đường phố (sau mỗi vụ va chạm giao thông, chẳng hạn), sẽ không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh. 

Hình ảnh một chàng trai Mỹ bị đánh trên phố Trần Khát Chân (Hà Nội) hay hình ảnh một ông già Hà Lan va chạm rồi bị 5 thanh niên xông vào đánh ở Sapa (Lào Cai), và vô số vụ việc khác trước đó, đều cho thấy bạo lực đang đang ở ngưỡng "trẻ không tha, già không thương".

Trước hết, không một xã hội văn minh nào dung dưỡng bạo lực. Người ta thường lấy yếu tố bao dung để xem xét chỉ dấu của một xã hội văn minh. 

Dấu vết của sự vô minh hằn lại trong các xã hội mà ở đó nồng độ bạo lực cao và thiếu vắng sự khoan dung giữa con người với con người, con người với động vật và môi trường sống. 

Trong sự quán chiếu đó, thật đáng thương cho những kẻ giơ cao cơ bắp thể hiện sức mạnh.

Những hành động bạo lực đó sẽ làm tổn hại đến hình ảnh quốc gia. 

Thực tế cho thấy, thế giới biết về Việt Nam còn hạn chế.

Những cơ quan ngoại giao và người Việt trên khắp năm châu đã phải nỗ lực để quảng bá hình ảnh của đất nước mình với người ngoại quốc như là một điểm đáng đến, nơi đó có con người "thân thiện và thiên nhiên tươi đẹp”.

Ngoại giao chính thức và ngoại giao nhân dân đang cố gắng để hình ảnh Việt Nam được biết đến nhiều hơn với bạn bè thế giới. 

Trong kỷ nguyên internet và mạng xã hội, những hành động bạo lực xấu xí kia sẽ lan tỏa rộng khắp. 

Chỉ cần vài hành động bạo lực man dại kia, những nỗ lực đó có thể bị đổ sông, đổ bể.

Xây dựng hình ảnh quốc gia không ngừng nghỉ, nhưng rút một viên gạch thì có thể đổ bể cả thành trì. Nhìn những hình ảnh bạo lực đó, du khách không thể không nghi ngại.

Do đó, suy cho cùng, những hình ảnh bạo lực xấu xí đang làm xấu đi hình ảnh đó.

Do đó, cần nghiêm trị những kẻ ưa dùng bạo lực.

Khi dùng đến cơ bắp, trí não đã bị đánh bại bởi căn tính hoang dã, bất lực để bật lên các kênh giao tiếp trang nhã và văn minh.

Ba dấu hỏi lớn được đặt ra ở những chỉ dấu  bạo lực này: (1) Những cá nhân giải tỏa ẩn ức bạo lực của mình trên phố phải chăng là kết quả nào đó của những áp lực xã hội, khiến cá nhân luôn muốn được giải tỏa? (2) Vì sao dấu hiệu về thiếu vắng sự bao dung có vẻ đang hiển hiện ở một đất nước được coi là hiền hòa? Và (3) bạo lực liệu có dấu vết căn tính đại chúng, phản ánh những bất cập của cấu trúc xã hội ở một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển?

Có lẽ, chỉ các nhà xã hội học và tâm lý học xã hội may ra mới tìm được lời giải đáp đó.