Dân Việt

Nuôi gà sạch bằng thức ăn "đặc chế", chị em bỏ tiền vào túi đều đều

Đông Anh 12/07/2017 07:15 GMT+7
10 hội viên phụ nữ ở xã Đạ Lây (huyện Đạ Tẻh) đã đứng ra thành lập tổ hợp tác (THT) chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn. Cách làm này vừa tạo ra sản phẩm gà sạch đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa nâng cao thu nhập cho các thành viên.

img

Chị Búp cho đàn gà thả vườn ăn thức ăn chủ yếu từ thành phần tự nhiên. Ảnh: Đ.Anh

Cách đây khoảng một năm, chị Nguyễn Thị Búp bắt đầu nuôi gà thả vườn với quy mô vài trăm con. Chị tự ấp trứng để chủ động nguồn giống, tăng dần quy mô đàn và nuôi thả vườn với thức ăn “đặc chế”. Hiện tại, đàn gà trong vườn của chị Búp dao động từ 800 đến 1.000 con.

Chị Búp chia sẻ: “Khi gà còn nhỏ thì mình vẫn cho ăn cám viên công nghiệp. Khi gà đã cứng cáp hơn thì chuyển sang thức ăn do mình tự làm. Thức ăn này là hỗn hợp gồm bắp xay, chuối băm và hèm ủ lại với nhau. Với loại thức ăn này kèm với cách nuôi hoàn toàn thả vườn trong 6 tháng nên chất lượng thịt rất cao”. Khi hỏi về lợi nhuận, chị Búp cho biết do nuôi gối nhiều lứa nên khó có thể tính lợi nhuận. Nhưng, từ đầu năm đến nay, chị đã xuất bán với số tiền thu về được 30 triệu đồng. So với nguồn vốn đầu tư đã bỏ ra thì còn vài triệu nữa là chị đủ vốn. Đàn gà còn lại khoảng 600 con lớn nhỏ là lợi nhuận ròng mà chị sẽ thu được trong thời gian tới. 

Ngoài chị Búp, từ đầu năm 2017, trên địa bàn xã Đạ Lây cũng có nhiều hộ bắt đầu chăn nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn. Các hộ tuân thủ quy trình chăn nuôi gà sạch đó là không sử dụng chất cấm, không sử dụng cám công nghiệp quá 1/3 tuổi đời của gà, không sử dụng vắc xin khi gà từ 16 ngày tuổi trở lên, phòng bệnh bằng các biện pháp tự nhiên và tăng cường các loại thức ăn tự nhiên như rau, bắp, chuối và ủ men thức ăn để đảm bảo thịt gà săn chắc và có vị thơm ngon khi thưởng thức.

Bà Nguyễn Thị Lợi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đạ Lây cho biết, đây là mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả và để nâng cao tính liên kết thì Hội đã tham mưu cho UBND xã thành lập THT. Từ khi thành lập vào đầu năm 2017 đến nay, THT đã phát huy được vai trò của mình, nâng cao hiệu quả kinh tế cho từng thành viên. “Với cách chăn nuôi như thế này thì chi phí đầu tư thấp nhưng chất lượng thịt gà lại cao hơn. Điều này giúp người chăn nuôi có lợi nhuận cao hơn. Qua một lứa xuất bán, bình quân mỗi con gà có trọng lượng 2 kg thì người chăn nuôi lời khoảng 35.000 đồng. 

Hiện tại, tổng đàn gà trong THT có khoảng 6.000 con nhưng vẫn chưa đủ cung ứng cho thị trường. Nhiều quán ăn, nhà hàng trên địa bàn huyện và một số đầu mối tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh, Bình Phước đã đặt vấn đề mua gà của THT.

Từ hiệu quả ban đầu, nhiều hộ dân cũng muốn tham gia vào THT nhưng hiện Hội đang đề nghị THT tiếp tục nuôi thêm vài lứa để theo dõi. Khi chất lượng đàn gà đã ổn định thì mới kết nạp thêm tổ viên, không kết nạp ồ ạt” - bà Lợi cho biết.

Để đảm bảo và nâng cao chất lượng đàn gà, Hội Phụ nữ xã đã phối hợp khuyến nông xã và Trung tâm Nông nghiệp huyện mở các lớp tập huấn theo đúng quy trình chăn nuôi sạch. Lớp tập huấn này đã thu hút không chỉ tổ viên hợp tác xã mà nhiều hộ dân khác cũng tham gia. Về nguồn giống, hiện chị Búp với vai trò là tổ trưởng THT nuôi gà sạch cũng là người cung ứng gà giống cho các tổ viên.

Để ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, chị Búp đã lai tạo một số giống giữa gà ta với gà Đông Tảo, gà chọi nhằm nâng cao chất lượng con giống. Với giá cả ổn định khoảng 70.000 đồng/kg trở lên như hiện tại thì việc nuôi gà theo mô hình gà sạch có lợi nhuận cao hơn hẳn so với nuôi công nghiệp. Vừa tạo ra sản phẩm an toàn, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế là cách làm cần được nhân rộng trong thời gian tới.