Dân Việt

Hà Nam: Vì sao 3 nông dân tiêu biểu "bỗng" nợ ngập đầu?

Nguyễn Quý 29/07/2017 06:03 GMT+7
Biến vùng đất chiêm trũng cấy lúa không hiệu quả thành trang trại điểm nhưng 3 nông dân điển hình tiêu biểu của tỉnh Hà Nam bỗng chốc trở nên tay trắng, thậm chí vướng nợ nần...

Trang trại điểm bỗng trở nên xơ xác 

Có mặt tại khu đất trang trại của các hộ gia đình ông Nguyễn Văn Anh, Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Văn Quang (phường Lê Hồng Phong, TP.Phủ Lý), cảnh vật trước mắt chúng tôi thật tiêu điều. Bờ ao nuôi cá năm nào vun đắp nay đã sạt lở; chuồng trại nhiều chỗ đã vỡ vụn; một vài giống cây quý còn sót lại xác xơ vì không có người chăm bón.

Tiếc khu đất gần chục năm trời vun đắp, bị thu hồi từ năm 2009, nói là để thực hiện dự án mở rộng cụm công nghiệp Tây Nam Phủ Lý, nhưng nay vẫn án binh bất động, các hộ ông Tuyến, Quang, Anh vẫn hàng ngày qua lại khu đất, thả vài con vịt, con gà "cho đỡ nhớ nghề".

img

Ông Nguyễn Văn Anh ngậm ngùi trong khu trang trại một thời là mô hình điểm của tỉnh. Ảnh Nguyễn Quý

Ông Anh kể: "Năm 2002, chúng tôi có ký hợp đồng thầu đất ruộng nông nghiệp vùng trũng với UBND phường Lê Hồng Phong để sản xuất đa canh, phát triển kinh tế tại địa phương theo mô hình vườn ao chuồng. Đến tháng 12.2009, chúng tôi được UBND phường Lê Hồng Phong mời lên nghe thông báo quy hoạch và phổ biến quy trình kiểm kê tài sản trong khu trang trại đa canh để triển khai công tác bồi thường GPMB, thực hiện dự án mở rộng cụm công nghiệp Tây Nam thành phố. Trong đó, có quyết định thu hồi đất số 1132/QĐ-UBND ngày 16/09/2009 của UBND tỉnh Hà Nam, giao đất cho Ban quản lý cho các khu công nghiệp Tây Nam. Ban GPMB thành phố Phủ Lý bắt đầu kiểm đếm tài sản từ đầu tháng 1.2010 cho đến cuối tháng 1.2010 hoàn tất".

Sự việc tưởng như đơn giản, bởi khi dự án triển khai các hộ ông Tuyến, Quang, Anh hoàn toàn ủng hộ, không phản đối và nhất trí ký vào biên bản kiểm đếm, cũng như không đầu tư trồng thêm, cơi nới hoặc xây mới gì nữa theo yêu cầu của Ban GPMB. Nhưng cho đến nay, các hộ này cho biết vẫn chưa nhận được tiền bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp hay di dời sản xuất.

img

Chuồng nuôi vịt được bồi thường nhưng sân nuôi thì...không (?). Ảnh Nguyễn Quý

Bên bờ ao hoang vắng, ông Anh ngậm ngùi: "Hợp đồng thầu đất nông nghiệp từ vùng đất trũng hiệu quả kinh tế thấp thành vùng sản xuất đa canh hiệu quả kinh tế cao của chúng tôi đến năm 2013 mới hết hạn. Nhưng kể từ khi nhận được quyết định thu hồi từ cuối năm 2009, không hiểu sao thành phố cứ nấn ná, hết yêu cầu kiểm đếm lại tài sản, rồi đợi qua năm 2013 (lúc hết hạn hợp đồng) mới lại tính giá bèo bọt...".

Hơn 7 năm chờ đợi để được nhận tiền bồi thường, cuối cùng vào ngày 4.5.2017, các hộ cũng nhận được thông báo số 43 của Ban GPMB về việc công khai số liệu kiểm đếm và phương án bồi thường.

Tuy nhiên, điều làm cho các hộ dân ngạc nhiên là trong cách tính của Ban GPMB có một số tài sản do không nằm trong hợp đồng nên không được tính bồi thường (như sân nhà, sân chuồng trại, tường bao, rào ngăn cách); một số cây cối, hoa màu không được bồi thường mà chỉ tính theo cách hỗ trợ di dời.

Ông Quang bức xúc: "Toàn bộ phần kiến thiết xây dựng trang trại chúng tôi đều được sự hướng dẫn thực tế của Hội Nông dân phường Lê Hồng Phong. Như nhà ở phải có sân phơi, chuồng vịt nuôi công nghiệp phải có sân cho vịt đỗ, giữa các khu nuôi phải có tường bao, đường cấp phối… Vậy mà không hiểu sao lại không bồi thường cho chúng tôi những hạng mục kiến trúc đã xây dựng đó".

Cũng kể từ khi bị thu hồi đất đến nay, 3 người nông dân Tuyến, Quang Anh đã nhiều lần đến phường Lê Hồng Phong, Ban GPMB kiến nghị xem xét phương án bồi thường. Trong khi chờ đợi để được giải quyết thỏa đáng, hơn 7 năm qua, từ những nông dân điển hình tiêu biểu của tỉnh Hà Nam, họ đã trở thành người thất nghiệp, nợ nần, tương lai gia đình mờ mịt.

Cơ quan chức năng nói gì?

Tại TP. Phủ Lý (Hà Nam), PV NTNN/Dân Việt đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Ban GPMB thành phố. Đặt câu hỏi tại sao TP.Phủ Lý lại quá chậm trễ trong việc bồi thường GPMB cho các hộ dân như vậy, ông Thọ trả lời: "Năm 2012, Thành phố điều chỉnh phạm vi quy mô dự án, đến tháng 4.2014 mới có hồ sơ trích đo thống kê thu hồi đất của dự án, căn cứ vào  đó mới biết phạm vi của dự án vào những hộ nào".

Lý giải việc, ngay từ năm 2009, TP. Phủ Lý đã ra quyết định thu hồi đất, đồng thời yêu cầu các hộ dân không được đầu tư sản xuất trong khu vực đã kiểm kê, vị đại diện Ban GPMB nói: “Giai đoạn đó tỉnh chưa bố trí ngân sách và bên phía Cụm công nghiệp chưa có nhu cầu sử dụng đất nên mới kéo dài đến bây giờ".

PV tiếp tục đặt câu hỏi, khi có quyết định thu hồi đất nhưng chưa có nhu cầu sử dụng, tại sao lại không thông báo cho người dân tiếp tục đầu tư vào trang trại gây ra thiệt hại tài sản, thất nghiệp, nợ nần cho các hộ dân, ông Thọ trả lời: "Chúng tôi phải thực hiện theo quy định".

Tuy nhiên, được biết, theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP (tại Khoản 2, Điều 31 quy định: "Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định thu hồi đất, giao đất hoặc cho thuê đất, cơ quan tài nguyên và môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt và công bố công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…". Vậy không hiểu tại sao, đến ngày 04.05.2017 (hơn 7 năm sau), hội đồng bồi thường GPMB thành phố mới thực hiện niêm yết biểu tính giá bồi thường tài sản, hoa màu và các công trình khác của 3 hộ dân.

Theo biểu tính này, gia đình ông Tuyến được tổng mức bồi thường là 249.612.583 đồng, đối với gia đình ông Quang được 498.428.882 đồng và gia đình ông Anh tổng mức bồi thường là 987.659.726 đồng. Với mức bồi thường, hỗ trợ này, cả 3 hộ nông dân đều khẳng định: Số tiền trên không đúng, không đủ so với số vốn đầu tư  ban đầu, thiệt hại mỗi hộ ước tính hơn 1 tỷ đồng.

"Từ năm 2002 đến năm 2010 gia đình tôi vay ngân hàng và người thân hơn 3 tỷ  đồng đầu tư vào trang trại hơn 3ha. 7 năm ngừng sản xuất, chúng tôi không có thu nhập để trả gốc và lãi cho những khoản nợ này. Nay, Thành phố lại đưa ra mức đền bù bèo bọt như vậy thì không biết chúng tôi sẽ sống sao nữa, chắc phải bán nhà ra đứng đường để trả nợ!” - ông Nguyễn Văn Anh ngậm ngùi.

Về mức giá bồi thường, hỗ trợ trên, ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Ban GPMB TP.Phủ Lý lý giải: "Chúng tôi xây dựng đơn giá căn cứ theo đúng Quyết định 54 của UBND tỉnh Hà Nam ban hành ngày 23.12.2016 về bồi thường nhà, vật kiến trúc, công trình xây dựng khác khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Hà Nam năm 2017. Về cây trồng, vật nuôi thì áp dụng theo Quyết định 49 ngày 20.11.2014 của UBND tỉnh Hà Nam. Còn một số hạng mục kiến trúc khác không được tính bồi thường là do không nằm trong hợp đồng thuê đất".

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV thì trong hợp đồng thuê đất sản xuất đa canh không ghi rõ các hộ phải nuôi con gì, trồng cây gì, chưa kể tới việc những mô hình nuôi trồng này đều đã được Sở NN&PTNT và Hội Nông dân tỉnh Hà Nam khích lệ (như trồng cây Lát Mê Hy Cô, nhãn, xoài; nuôi vịt đẻ, thả cá…).

Được biết, vào ngày 26.6 vừa qua, UBND TP.Phủ Lý đã tổ chức đối thoại với 3 hộ dân để đi đến thống nhất phương án bồi thường (hiện vẫn đang chờ phê duyệt). Hơn bao giờ hết, 3 hộ nông dân phường Lê Hồng Phong, TP. Phủ Lý mong chờ sự lắng nghe, thấu cảm của các cấp chính quyền để đưa ra quyết định, phương án hợp lý cho người nông dân như chính sách của Đảng và Nhà nước đang thực hiện.

"Những năm 2005-2008, khi ấy tôi còn làm Chủ tịch Hội Nông dân phường, tôi còn dẫn nhiều đoàn trong đó có các anh Tuyến, Quang, Anh đi tham quan các mô hình đa canh trong và ngoài tỉnh để về áp dụng. Riêng hộ ông Anh sau 2 năm kiến thiết đã trở thành trang trại điểm của tỉnh, tiếp đón nhiều đoàn do Sở Nông nghiệp tỉnh giới thiệu đến tham quan, học hỏi".

(Ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân phường Lê Hồng Phong)

Dân Việt tiếp tục thông tin sự việc.