Trong cái se lạnh của Đà Lạt, chúng tôi tìm đến nhà anh Phan Thanh Sang (ở phường 9, TP.Đà Lạt) - một tỷ phú trẻ tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng. Khác với biệt danh “Sang còi” như mọi người thường gọi, vẻ bề ngoài của Thanh Sang khá chững chạc. Mới 33 nhưng Sang đã là ông chủ của một cơ ngơi trồng và kinh doanh hoa lan lớn, có uy tín và thương hiệu tại thành phố Đà Lạt.
Khởi nghiệp từ một giò hoa Catlleya
Phan Thanh Sang bên các loại hoa phong lan do anh nghiên cứu, lai tạo... Ảnh: Q.H
Bên cạnh tình yêu đối với hoa lan, Thanh Sang còn tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội. Với vai trò là đại biểu HĐND TP.Đà Lạt và Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, “Sang còi” thường xuyên đề xuất những kiến nghị và giải pháp thiết thực, nhằm phát triển nghề trồng hoa và du lịch cho Đà Lạt. Những mô hình anh làm cũng chính là "điểm đến" cho rất nhiều đoàn viên, thanh niên, bà con nông dân đến giao lưu học tập, chia sẻ kinh nghiệm. |
Khi chúng tôi đến nhà, “Sang còi” đang loay hoay sắp xếp lại những giò lan để tiện giới thiệu cho khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng. Xếp vội lại giò lan Catlleya đang bung hoa, “Sang còi” kể, mối duyên khiến mình đến với hoa phong lan là từ loài hoa Catlleya này. Rồi câu chuyện về “mối tình đầu” của chàng tỷ phú trẻ thành phố mù sương với hoa phong lan cũng hé mở với những mộng mơ và cả những tiếc nuối...
Là người con của xứ hoa Đà Lạt, từ nhỏ, chàng trai Phan Thanh Sang đã “si tình” với các loài hoa, trong đó phong lan là loài hoa mà Sang đã... “yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên”. Sang kể, năm lớp 9, Sang được bạn của một người bạn học tặng một giò lan Cattleya. Sau một thời gian chăm sóc, giò hoa bung nở những bông hoa rất đẹp mang mùi hương ngây ngất. “Lúc đó, sau giờ học căng thẳng, mình lại ngây ngẩn bên giò hoa, nhìn những cánh hoa sặc sỡ, ngây ngất mùi hương dìu dịu khiến đầu óc thoải mái lắm, thế nhưng...”, Sang nói, rồi trầm ngâm như nhớ lại thời gian đầu tiên mình trồng thành công loài hoa phong lan, hoặc cũng là tiếc nuối. Bởi, dù rất yêu hoa, nhưng vì thiếu tiền mua sách vở, cậu học trò đành mang giò lan ra chợ Đà Lạt bán được 90.000 đồng.
“Đó là số tiền khá lớn đối với mình lúc bấy giờ. Nhưng hơn hết, đó lại là động lực thôi thúc mình phải trồng hoa lan, vừa để thỏa mãn niềm đam mê, vừa có thể kiếm tiền”- Sang nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp THPT, “Sang còi” thi vào khoa nông lâm, Trường Đại học Đà Lạt với mục tiêu rất rõ ràng là nâng cao kiến thức về nông nghiệp, nhất là nghề trồng hoa. Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Sang “còi” quyết định về nhà làm... nông dân trong sự ngỡ ngàng của bạn bè, người thân. Nhiều người bảo, đam mê là một nhẽ nhưng nếu đã chọn nghề nông cần gì phải đi học đại học cho tốn công sức, tiền bạc? Tại sao học cho cố rồi không xin vào các cơ quan nhà nước hoặc công ty mà lại chọn làm nông dân?... Mặc cho những lời can ngăn, Sang “còi” vẫn kiên định với quyết định của bản thân.
“Cũng may khi đó ba mẹ rất ủng hộ nên tôi nhanh chóng vượt qua những khó khăn của ngày đầu khởi nghiệp”- Sang kể, giọng tự hào.
Câu chuyện chốc chốc lại ngắt quãng khi có những khách du lịch trong nước lẫn nước ngoài đến thăm, cất tiếng hỏi về những đặc tính sinh trưởng, việc chăm sóc những loài hoa lan... Sang “còi” lại cáo lỗi để đứng lên trực tiếp chia sẻ cho những du khách quan tâm.
Bên tách trà thơm, ngắm nhìn giàn hoa lan khoe hương sắc, tôi chợt hỏi, chơi phong lan có khó không? Sang bảo, chơi lan khó mà không khó, quan trọng nhất là niềm đam mê. Nhưng nếu chỉ đam mê thôi không đủ. Để loài hoa thanh cao này ra hoa, nở lâu, phải hiểu được đặc tính của nó, rồi chiều chuộng, chăm sóc nó như chăm sóc một cô gái... đỏng đảnh. “Có khi mình chăm nó còn hơn... chăm vợ nhưng cũng may bà xã mình thông cảm bởi phong lan là tình yêu của cả 2 vợ chồng, là “ông tơ” đã gắn kết 2 vợ chồng mình đến với nhau...” - Sang cười.
Hóa ra, bà xã của Sang còi chính là cô bạn học cùng khóa với anh, cùng nghiên cứu với anh để rồi ít nhiều có đóng góp cho Sang hoàn thành luận văn tốt nghiệp xuất sắc với chủ đề “Phương pháp xử lý một số loại giá thể để trồng lan” - luận văn này sau đó đã giúp đỡ rất nhiều cho nông dân Đà Lạt trong việc trồng phong lan, địa lan.
“Cha đẻ” của nhiều giống phong lan mới...
Sau khi tốt nghiệp, với số tiền ít ỏi tích góp được từ vườn lan và vay mượn thêm bạn bè, người thân, Sang “còi” quyết định “làm ăn lớn” khi đầu tư phòng thí nghiệm hết 200 triệu đồng, với đầy đủ thiết bị kỹ thuật phục vụ việc nghiên cứu và lai tạo giống. Nhờ vốn kiến thức sẵn có cùng với sự sáng tạo của mình, Sang không chỉ tự sản xuất giống lan bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào (in vitro) để tiết giảm chi phí mà anh còn lai tạo ra nhiều giống lan hoàn toàn mới, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Đà Lạt như: Lan hài, lan hoàng thảo, lan vũ nữ, lan hồ điệp... và một số giống phong lan rừng đặc trưng tại Việt Nam. Đặc biệt, không vừa lòng với việc chỉ kinh doanh giống lan sẵn có, Sang “còi” còn mua một số giống lan ở nước ngoài về trồng, rồi mày mò tự nhân giống mới phù hợp với khí hậu Đà Lạt.
Lạc vào vườn lan của Sang “còi”, nhiều du khách và cả dân chơi phong lan cũng không thể tưởng tượng được là nhiều loại phong lan không chỉ đẹp mà còn có các mùi hương như hương bưởi, dừa, gừng... thậm chí có loại lan vũ nữ nâu lại có mùi... chocolate.
“Để tạo ra những loại lan có hương mới, mình dùng cây có mùi thơm khác nhau cho lai tạo, mang đặc tính của cả cây bố và mẹ. Cây nào có mùi thơm đặc biệt thì dùng phương pháp tự thụ để giữ nguyên đặc tính ban đầu...” -Sang cười và bật mí sơ lược về cách tạo mùi hương mới cho phong lan.
Khi được hỏi trong vườn có bao nhiêu chủng loại lan, đã lai tạo ra bao nhiêu giống mới? Sang gãi đầu, thật thà bảo cũng chẳng nhớ được bao nhiêu loại. Chỉ tính đại khái rằng trong vườn có khoảng chục giống lan chủ lực. Mỗi giống chủ lực lại có từ 20 đến 80 cặp lai, trong mỗi cặp lai lại tạo ra nhiều giống mới nên số lượng rất nhiều... Đó là chưa kể trong vườn nhà anh cũng có hàng loạt giống như lan hài và nhiều loại phong lan rừng quý hiếm có tên trong Sách đỏ.
Được biết, khi chất lượng hoa lan mang thương hiệu Sang “còi” đã được thị trường ghi nhận và đánh giá cao, anh Sang quyết định xây dựng thương hiệu mới - YSA Orchid. Theo giải thích của Sang, đây là cái tên kết hợp của tên anh, tên vợ anh là Yến và Orchid là hoa phong lan. Đến nay, sau hơn 10 năm, thương hiệu hoa lan Đà Lạt YSA Orchid đã có 3 khu trang trại với tổng diện tích hơn 10ha, trồng các loại hoa phù hợp với từng loại khí hậu khác nhau như: Tại TP.Đà Lạt trồng các loại địa lan; tại xã Đại Ròn, huyện Đơn Dương trồng lan hồ điệp và trang trại tại huyện miền núi Ninh Sơn (Ninh Thuận) với diện tích hơn 5ha trồng các giống hoa lan của xứ nóng. Đồng thời với việc mở các trang trại trồng lan, anh đã tạo việc làm cho khoảng 40 lao động là người dân tộc thiểu số tại các địa phương.
Hiện nay, hoa từ trang trại YSA Orchid đã có mặt trên toàn quốc và xuất khẩu ra nhiều thị trường nước ngoài, mang về doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm cho anh.