Việt Nam đứng thứ 24 thế giới về sản xuất ngô
Theo Trung tâm Tin học- thống kê (Bộ NNPTNT), năm 2016, diện tích ngô của Việt Nam đạt hơn 1,15 triệu ha (chiếm 0,65% diện tích ngô toàn thế giới; 1,94% diện tích ngô châu Á; 11,6% diện tích ngô khu vực Đông Nam Á), và Việt Nam đứng thứ 24/166 nước trồng ngô trên thế giới.
Nông dân Phú Thọ ngày càng mở rộng diện tích trồng ngô. ảnh: H.L
Hiện nay, tổng diện tích đất trồng ngô toàn quốc năm 2015 khoảng trên 1 triệu ha, trong đó vùng Trung du miền núi phía Bắc có diện tích đất trồng ngô lớn nhất (474.000ha), chiếm 45,81% diện tích đất trồng ngô toàn quốc.
Theo Cục Trồng trọt, hiện nay, tỷ lệ sử dụng giống ngô lai trong sản xuất đạt gần như tuyệt đối (100% diện tích gieo trồng). Tổng số giống ngô lai có mặt trong sản xuất khoảng trên dưới 50 giống do các công ty trong và ngoài nước cung cấp. Hàng năm, tổng lượng hạt giống ngô cung cấp cho sản xuất khoảng trên dưới 20.000 tấn (bao gồm cả giống sản xuất trong nước và giống nhập khẩu).
Kể từ năm 2014, Việt Nam chính thức chấp nhận ứng dụng ngô chuyển gen (GMO). Tính đến hết tháng 6.2017, Bộ NNPTNT đã công nhận đặc cách tổng cộng 16 giống ngô biến đổi gen. Theo báo cáo của các đơn vị có giống ngô biến đổi gen được công nhận, đến hết tháng 3, tổng lượng hạt giống ngô GMO đã nhập khẩu khoảng 1.500 tấn (tương đương với khoảng gần 100.000ha diện tích gieo trồng) và là giống ngô chứa 2 sự kiện kháng sâu đục thân kháng thuốc trừ cỏ gốc glyphosate.
Định hướng nào cho cây ngô?
Hàng năm, Việt Nam vẫn phải chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu ngô hạt về phục vụ nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Đó chính là mâu thuẫn nội tại của ngành trồng trọt, khi mà gạo thì xuất khẩu, thậm chí xuất khẩu khó khăn, còn ngô thì nhập gần như chiếm già nửa về giá trị (trên 1,65 tỷ USD năm 2016) so với gạo xuất. |
Theo Cục Trồng trọt, dự kiến đến năm 2020, cả nước gieo trồng 1,16 – 1,26 triệu ha ngô, phân bổ ở các vùng như đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ NNPTNT đã đề nghị, về công tác quy hoạch: Trên cơ sở quy hoạch sản xuất ngô toàn quốc, các tỉnh/thành phố rà soát quy hoạch sản xuất ngô trên địa bàn trong quá trình điều chỉnh các phương án quy hoạch chuyên ngành có liên quan. Phương án quy hoạch cần gắn chặt sản xuất với thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngô.
Về giống: Chọn tạo những giống lai năng suất, chất lượng cao, kháng sâu; những giống lai chịu lạnh, hạn, úng, phèn...; những giống có hàm lượng Protein cao, sinh khối lớn phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; những giống ngô thực phẩm (ngô đường, ngô nếp...) nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất.
Ruộng ngô biến đổi gen của gia đình ông Nguyễn Văn Nam ở xóm 2, xã Hạnh Lâm, Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Truyền hình Nghệ An
Đối với tổ chức sản xuất: Khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên kết với nông dân/HTX sản xuất, thu mua ngô tươi tại các vùng sản xuất tập trung để sấy đạt độ ẩm tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp/tổ chức/HTX/cá nhân đầu tư hệ thống sấy ngô cho nông dân tại các vùng sản xuất tập trung.
Riêng về thị trường đầu ra cho sản phẩm, theo lãnh đạo Cục Trồng trọt, hiện nay sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40-45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sản xuất ngô trong nước tiếp tục hướng vào thị trường nội địa. Vấn đề cần đặt ra đối với sản xuất ngô trong thời gian tới là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với ngô nhập khẩu.
Chính vì thế, Cục Trồng trọt đề xuất, cần: Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 915 ngày 27.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên./.