Dân Việt

Đề nghị thu hẹp đất lúa

28/09/2011 09:55 GMT+7
(Dân Việt) - Đề xuất này được chính một chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp đưa ra trong hội thảo về kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 diễn ra tại Hà Nội hôm qua (27.9).

Theo chuyên gia này, việc giảm đất lúa không những không ảnh hưởng đến an ninh lương thực mà còn góp phần cải thiện đời sống nhân dân...

Hội thảo này được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức với sự tham gia của hàng chục nhà khoa học, cơ quan quản lý ở các lĩnh vực có sử dụng diện tích đất lớn. Đây là bước đi chuẩn bị cho việc thảo luận và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn 2011 - 2015 tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 10 - 11 tới.

img
Diện tích đất sử dụng cho sản xuất lúa của cả nước hiện là 3,8 triệu ha.

Lãng phí trên diện rộng

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã không giấu nổi những bức xúc về thực trạng sử dụng, quy hoạch đất đai hiện nay. GS Đặng Hùng Võ thẳng thắn: “Thời gian qua, dư luận xã hội khá bức xúc với tình trạng sử dụng đất không hiệu quả của đất xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, sân bay, cảng nước sâu, sân golf, khu nghỉ dưỡng”.

Về khu, cụm công nghiệp, GS Võ đánh giá: Hiện cả nước có tới 261 khu công nghiệp, chiếm giữ hơn 70 nghìn ha đất nhưng tỷ lệ lấp đầy của các cơ sở sản xuất chưa tới 50%. 918 cụm công nghiệp do tỉnh thành lập, chiếm 40 nghìn ha nhưng cũng chỉ mới có hơn 25% đất được sử dụng.

Giáo sư Võ cũng cảnh báo tình trạng các doanh nghiệp xây dựng sân golf chiếm giữ đất để sau này chuyển đổi mục đích sử dụng; cấp đất ở tại đô thị vượt chỉ tiêu mang lại siêu lợi nhuận cho nhà đầu tư bất động sản…

PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế VN cho rằng, quy hoạch sử dụng đất nếu không bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Chẳng hạn, các khu công nghiệp hiện nay đua nhau mọc lên, kêu gọi các công ty vào mở nhà xưởng nhưng không tính đến hiệu quả sử dụng lao động, số tiền thu lại trên một diện tích đất.

“Nhiều nơi đang phát triển khu, cụm công nghiệp theo hướng sử dụng ít lao động nhưng sử dụng nhiều đất; điều này nếu không khắc phục sẽ là bi kịch” – ông Thiên nói.

“Thu hẹp đất lúa sẽ có lợi cho nông dân” (?)

Đất lúa luôn là vấn đề được đặc biệt quan tâm vì có ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực. Tuy nhiên, TS Đặng Kim Sơn -Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã có một phát biểu làm nóng hội nghị là đề nghị giảm diện tích đất lúa từ 3,8 triệu ha hiện nay xuống còn khoảng 3,3 hoặc 3 triệu ha.

Các luận điểm được TS Sơn đưa ra là do năng suất lúa đã tăng mạnh; nhu cầu sử dụng gạo trong bữa ăn có xu hướng giảm. TS Sơn đưa ra nhiều kịch bản, trong đó “kịch bản” xấu nhất là diện tích đất lúa có hơn 2,7 triệu ha với “năng suất thấp” thì vẫn không đe dọa đến an ninh lương thực.

Ông Lê Quốc Dung, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, về lâu dài cần xây dựng chiến lược quy hoạch sử dụng đất trước khi bắt tay vào việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cụ thể.

Ông Sơn cho rằng, nếu cho phép nông dân chuyển đổi đất lúa sang nuôi trồng cây con khác sẽ góp phần cải thiện đời sống cho nông dân vì họ có thể tăng thu nhập trên một diện tích đất; mà “với nông dân hiện nay, thu nhập và việc làm là quan trọng nhất” – ông Sơn nói.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn cũng đồng tình một phần với TS Sơn khi cho rằng, an ninh lương thực không đồng nghĩa với việc sản xuất nhiều lúa gạo mà còn phải tính đến các thực phẩm từ chăn nuôi và các cây trồng khác. Tuy nhiên, ông Tạn lại cho rằng vẫn nên duy trì diện tích lúa như hiện nay để “làm tròn nghĩa vụ quốc tế”.

Ông đề nghị, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất dành cho công nghiệp, đô thị để dành đất cho sản xuất nông nghiệp; phát triển các mặt hàng nông sản khác vì nước ta là nước có tiềm năng lớn về nông nghiệp.

Cũng quan điểm “phá thế độc tôn của cây lúa”, ông Lê Quốc Dung cũng kiến nghị, ngoài cây lúa là cây chủ lực, trong lần xem xét kế hoạch sử dụng đất này, Quốc hội cần lựa chọn một số loại đất sản xuất các cây, con, sản xuất hàng hóa lớn chủ lực khác có tính chất hình thành vùng sản xuất, chế biến hàng hóa cao (như diện tích cây cà phê, cao su, điều, hạt tiêu, thủy hải sản, một số loại cây ăn quả...) để đưa vào chỉ tiêu do Quốc hội phê duyệt.