Những chiếc xe đạp miễn phí “dùng chung” ở Đài Loan, chẳng đụng chạm gì đến những chiếc xe buýt.
Hoạt động trên nền tảng “kinh tế chia sẻ” đang là xu hướng tích cực trên toàn cầu, nhưng số phận của Grab và Uber tại Việt Nam gặp nhiều cách trở. Theo đề án, Grab được thí điểm mô hình này tại năm tỉnh, thành: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hoà và Quảng Ninh. Nhưng đến nay, Đà Nẵng viện dẫn nhiều lý do chưa đồng ý cho Grab hoạt động. Thân phận của Uber tại Việt Nam “ba chìm bảy nổi”, phải xin đến lần thứ 3 mới được cấp phép hoạt động. Ngày 10.4.2017, Uber chính thức tham gia đề án thí điểm như Grab.
Mới đây nhất, bộ Giao thông vận tải lại ra thông báo nghiêm cấm Grab và Uber không được sử dụng tính năng “đi chung xe”. “Quan sát diễn tiến câu chuyện của Grab và Uber, mô hình gọi xe qua app khó mà tồn tại khi mô hình này đang bị những chiếc xe taxi truyền thống bao vây làm khó dễ”, một chuyên gia về kinh tế chia sẻ (sharing economy) bình luận.
Tính đến tháng 5.2017, bộ Giao thông vận tải đã cho phép chín doanh nghiệp: GrabTaxi (Grab Car), Ánh Dương (V.Car), 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Sun Taxi (S.Car), Ngôi Sao (VIC.Car), công ty Hợp tác đầu tư và phát triển (Home Car), Uber Việt Nam (Uber), Mai Linh (Mai Linh Car), Linh Trang (LB.Car) tham gia đề án thí điểm. Nhưng đến nay chỉ có Grab và Uber sử dụng giấy phép này. Còn các doanh nghiệp khác thì sao? Một câu hỏi không dễ trả lời.
Chuyện được – mất giữa loại hình taxi truyền thống và gọi xe bằng app đã quá rõ ràng. Khách hàng là vị trọng tài nghiêm khắc, đưa ra những phán xét cuối cùng, có giá trị hơn hẳn những chiêu quảng cáo, những buổi nói xấu nhau… Tại nhiều quốc gia, những hoạt động kinh tế chia sẻ trong vận chuyển hành khách không chỉ có những hình thức thu phí, mà còn có cả hình thức miễn phí. Như tại Đài Loan, Hàn Quốc…, hàng trăm ngàn chiếc xe đạp được nhà nước cấp miễn phí cho người dân đi chung thông qua kiểm soát bằng công nghệ. Chỉ cần quẹt thẻ là dễ dàng lấy xe để di chuyển đến nơi cần đến, trả vào bãi để người khác dùng tiếp. Bao giờ Việt Nam mới có hình thức này? Chắc là khó vì đụng phải “ông” taxi, “bà” xe buýt, “chú” xe ôm…
Hô hào tham gia kinh tế chia sẻ nhưng nhiều doanh nghiệp Việt Nam chẳng mặn mà gì, chỉ vì họ ngại khó, ngại khổ khi phải chuyển đổi mô thức quản lý, công nghệ… và hàng trăm thứ “hầm bà lằng” khác.