Dân Việt

Hội thảo phát triển ngô bền vững: Hiến kế "giải cứu" ngành ngô

Nhóm PV 15/07/2017 07:01 GMT+7
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), ở Việt Nam, cây ngô là cây lương thực có vị trí quan trọng sau cây lúa, vì thế cần rất nhiều giải pháp để phát triển. Với mục tiêu đóng góp thêm các giải pháp, trong hai ngày 14 và 15.7 tại Sơn La, Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) phối hợp Báo NTNN, Câu lạc bộ phóng viên nông nghiệp - nông thôn tổ chức Hội thảo “Phát triển ngô bền vững tại các tỉnh phía Bắc”.

Tham dự hội thảo có: Ông  Trần Xuân Định- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT); ông Phan Huy Hà- Phó Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt, ông Dương Gia Định- Chi cục trưởng Chi cục TT và BVTV tỉnh Sơn La.

Đến tham dự với hội thảo ngày hôm nay, còn có đại diện của Sở NN-PTNT các tỉnh: Điện Biên, Vĩnh Phúc, Sơn La, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình... Có đại diện của CropLife Việt Nam, các công ty, đại lý, cùng các bà con nông dân; đại diện các cơ quan báo, đài.

Tăng cường truyền thông về cây ngô

Ở Việt Nam, cây ngô là cây lương thực có vị trí quan trọng sau cây lúa, mặc dù không còn được sử dụng nhiều làm lương thực, nhưng ngô vẫn là cây quan trọng đối với nhiều vùng đồng bào dân tộc miền núi cao.

Trong hơn một thập niên qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng và to lớn trong nghiên cứu chọn tạo giống ngô lai, các biện pháp kỹ thuật canh tác, phân bón và thị trường tiêu thụ,... sản xuất ngô thời gian qua đã làm thay đổi căn bản nghề trồng ngô ở nước ta và là động lực quan trọng thúc đẩy mở rộng diện tích, năng suất và sản lượng ngô của Việt Nam, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con nông dân, nhất là các tỉnh miền núi.

img

Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) phát biểu tại Hội thảo phát triển ngô biền vững tại các tỉnh phía Bắc. Ảnh: Đàm Duy

Chính vì thế, trong 2 ngày 14 và 15.7, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Báo NTNN, CLB phóng viên tam nông tổ chức Hội thảo  Hội thảo Phát triển ngô bền vững tại các tỉnh phía Bắc nhằm mục đích: Cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình phát triển của cây ngô hiện nay, các giải pháp nhằm phát triển cây ngô bền vững tại các tỉnh phía Bắc; đặc biệt tăng cường công tác truyền thông- thông tin về cây ngô đến với bà con nông dân và xã hội.

Theo Trung tâm Tin học- thống kê (Bộ NNPTNT), năm 2016, diện tích ngô của Việt Nam đạt hơn 1,15 triệu ha (chiếm 0,65% diện tích ngô toàn thế giới; 1,94% diện tích ngô châu Á; 11,6% diện tích ngô khu vực Đông Nam Á), và Việt Nam đứng thứ 24/166 nước trồng ngô trên thế giới.

img

Toàn cảnh Hội thảo phát triển ngô biền vững tại các tỉnh phía Bắc diễn ra tại Sơn La vào sáng 15.7. Ảnh: Đàm Duy

Hiện nay, tổng diện tích đất trồng ngô toàn quốc năm 2015 khoảng trên 1 triệu ha, trong đó vùng Trung du miền núi phía Bắc có diện tích đất trồng ngô lớn nhất (474.000ha), chiếm 45,81% diện tích đất trồng ngô toàn quốc.

Theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nay, tỷ lệ sử dụng giống ngô lai trong sản xuất đạt gần như tuyệt đối (100% diện tích gieo trồng). Tổng số giống ngô lai có mặt trong sản xuất khoảng trên dưới 50 giống do các công ty trong và ngoài nước cung cấp. Hàng năm, tổng lượng hạt giống ngô cung cấp cho sản xuất khoảng trên dưới 20.000 tấn (bao gồm cả giống sản xuất trong nước và giống nhập khẩu).

Kể từ năm 2014, Việt Nam chính thức chấp nhận ứng dụng ngô chuyển gen (GMO). Tính đến hết tháng 6.2017, Bộ NNPTNT đã công nhận đặc cách tổng cộng 16 giống ngô biến đổi gen. Theo báo cáo của các đơn vị có giống ngô biến đổi gen được công nhận, đến hết tháng 3, tổng lượng hạt giống ngô GMO đã nhập khẩu khoảng 1.500 tấn (tương đương với khoảng gần 100.000ha diện tích gieo trồng) và là giống ngô chứa 2 sự kiện kháng sâu đục thân kháng thuốc trừ cỏ gốc glyphosate.

img

Ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT) (phải) trao đổi về kinh nghiệm canh tác ngô với chuyên gia quốc tế bên lề hội thảo. Ảnh: Trần Quang

Định hướng phát triển cây ngô

Theo Cục Trồng trọt, dự kiến đến năm 2020, cả nước gieo trồng 1,16 – 1,26 triệu ha ngô, phân bổ ở các vùng như đồng bằng sông Hồng, trung du miền núi phía Bắc, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long.

img

 Trồng ngô làm nguyên liệu ủ ướp cung cấp thức ăn cho đàn bò sữa đang mang lại thu nhập cao cho người dân các xã, huyện của tỉnh Sơn La. Ảnh: Đàm Duy

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ NNPTNT đã đề nghị, về công tác quy hoạch: Trên cơ sở quy hoạch sản xuất ngô toàn quốc, các tỉnh/thành phố rà soát quy hoạch sản xuất ngô trên địa bàn trong quá trình điều chỉnh các phương án quy hoạch chuyên ngành có liên quan. Phương án quy hoạch cần gắn chặt sản xuất với thu mua, sơ chế, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm ngô.

Về giống: Chọn tạo những giống lai năng suất, chất lượng cao, kháng sâu; những giống lai chịu lạnh, hạn, úng, phèn...; những giống có hàm lượng Protein cao, sinh khối lớn phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi; những giống ngô thực phẩm (ngô đường, ngô nếp...) nhằm nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất.

Đối với tổ chức sản xuất: Khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi liên kết với nông dân/HTX sản xuất, thu mua ngô tươi tại các vùng sản xuất tập trung để sấy đạt độ ẩm tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp/tổ chức/HTX/cá nhân đầu tư hệ thống sấy ngô cho nông dân tại các vùng sản xuất tập trung.

Riêng về thị trường đầu ra cho sản phẩm, theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, hiện nay sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40-45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sản xuất ngô trong nước tiếp tục hướng vào thị trường nội địa. Vấn đề cần đặt ra đối với sản xuất ngô trong thời gian tới là đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh với ngô nhập khẩu.

img

Nông dân Mộc Châu (Sơn La) dùng máy thu hoạch ngô làm nguyên liệu ủ chua cung cấp thức ăn cho đàn bò sữa. Ảnh: Đàm Duy

Chính vì thế, Cục Trồng trọt đề xuất, cần: Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Quyết định số 915 ngày 27.5.2016 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô tại vùng trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ ngô cho nông dân

Là tỉnh thuộc vùng núi Tây Bắc Việt Nam, Sơn La là một trong những  tỉnh có diện tích ngô lớn. Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh, ngô được coi là một loại cây trồng chính, diện tích gieo trồng hàng năm lớn, chiếm trên 50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. 

Ông Dương Gia Định - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Sơn La cho biết, ngô được xác định là một trong những loại cây phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của Sơn La, là cây chịu hạn tốt, dễ gieo trồng, chăm sóc và cho thu nhập khá cao. Cùng với việc chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất như đầu tư thâm canh, tăng vụ, sử dụng các giống ngô lai có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nên trong nhiều năm trở lại đây, diện tích gieo trồng, sản lượng ngô của tỉnh Sơn La đã tăng lên đáng kể. 

Theo thống kê của Sở NNPTNT Sơn La, diện tích ngô năm 2016 đạt 152.442ha, năng suất đạt 39,27 tạ/ha, sản lượng đạt 598.640 tấn (trong đó điện tích ngô Xuân Hè là 67.089 ha, năng suất đạt 38,90 tạ/ha, sản lượng đạt 260.998 tấn; Diện tích ngô Hè Thu là 85.353ha, năng suất đạt 39,86 tạ/ha, sản lượng đạt 337.642 tấn).So với năm 2015 diện tích ngô năm 2016 giảm 4% (6.402 ha), năng suất tăng 4,8% (1,78 tạ/ha), sản lượng tăng 0,6% (3.642 tấn). 10/12 huyện có diện tích ngô giảm: Sông Mã giảm 1266 ha do chuyển sang trồng sắn, Bắc Yên giảm 1.172 ha, Vân Hồ giảm 997 ha...

Hiện nay các giống ngô lai được sử dụng phổ biến tại Sơn La, Các giống ngô lai sinh trưởng, phát triển mạnh, năng suất, chất lượng cao như LVN10, NK54, NK4300, NK66, CP888, CP3Q, CP989,CP333, B.9698, B.06, B21 DK9901, DK9955,LCH9,... các giống Nếp: MX2, MX4, WAX22, S2, VN2, VN6...

Cũng theo ông Dương Gia Định, tính đến hết tháng 6 năm 2017 diện tích ngô đã trồng đạt 138.164 ha ngô giảm 4,7% so với cùng  kỳ năm trước. Trong đó, có nhiều diện tích gieo trồng  ngô biến đổi gen. Cụ thể, năm 2015 các giống biến đổi gen mới được các công ty đưa vào trồng khảo nghiệm tại Sơn.Trong năm 2016, các công ty giống cây trồng đã cung ứng giống ngô biến đổi gen trên địa bàn tỉnh Sơn La với tổng lượng giống 97 tấn tương đương với diện tích là 5.706 ha.

Các giống biến đổi gen được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn Và Sông Mã trong đó Mộc Châu trồng khoảng 1.176 ha, Vân Hồ 941 ha, Yên Châu 1.529 ha, Mai Sơn 764 ha, Sông Mã 588 ha, diện tích còn lại được trồng rải rác ở các huyện Phù Yên, Mường La,…

Mộc Châu là huyện đất đai giàu dinh dưỡng, mưa thuận gió hòa nên năng suất trồng ngô lấy sinh khối cao, trung bình xung quanh 70-75 tấn /ha vụ 1 và 50-55 tấn /ha vụ 2.

img

Các đại biểu thăm quan các ruộng trồng ngô chuyển gen mang lại hiệu quả cao cho nông dân tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Trần Quang

Ông Định cho biết, trên 80% sản lượng ngô hàng năm được các hộ nông dân và các doanh nghiệp thu mua, sấy bảo quản và trở thành sản phẩm hàng hóa được thu gom bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc ở ngoài tỉnh. Còn lại phục vụ nhu cầu tại chỗ của người dân.

Với sản lượng ngô hàng năm lớn đã kéo theo sự phát triển mạng lưới các cơ sở sơ chế biến ngô rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển đó mới chỉ dừng lại ở các cơ sở sấy ngô, dạng sản phẩm là ngô hạt sấy khô làm nguyên liệu cho các cơ sở chế biến khác. Hiện tại Sơn La chưa có cơ sở nào chế biến các sản phẩm từ ngô.

Trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay có khoảng 160 cơ sở sấy ngô quy mô công suất từ 8 - 30 tấn/mẻ tập trung chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Mộc Châu, Sông Mã, Thuận Châu. Các cơ sở sấy ngô này chủ yếu là thiết bị sấy tĩnh vỉ ngang, sử dụng than làm nguyên liệu đốt .Dù có nhiều thuận lợi trong việc phát triển cây ngô, song ông Định cũng phải thừa nhận việc phát triển ngô tại tỉnh đang gặp không ít khó khăn.

Ông Định cho hay: Hiện, diện tích đất trồng ngô phần lớn là đất đồi có độ dốc cao, hiện tượng xói mòn, rửa trôi, thoái hoá đất rất lớn là nguy cơ làm giảm dần năng suất, làm giảm hiệu quả trong sản xuất ngô. Đặc biệt, trong khâu thu hoạch và bảo quản ngô chưa được quan tâm đúng mức, làm giảm chất lượng sản phẩm ngô sau thu hoạch. Hiện tại Sơn La chưa có cơ sở nào chế biến các sản phẩm từ ngô, mà chủ yếu là xuất ngô hạt đi tỉnh khác, nên hiệu quả mang lại cho nông dân còn thấp.

Đề xuất giải pháp phát triển sản xuất ngô bền vững tại tỉnh trong thời gian tới, ông Định cho rằng: "Để nâng cao giá trị kinh tế của sản xuất ngô tại Sơn La cần có sự giúp đỡ của các Bộ, ngành trung ương đầu tư  nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, cơ giới hóa trong canh tác  như làm đất, thu hoạch, sơ chế. Bên cạnh đó, các công ty, doanh nghiệp sản xuất ngô giống cần đầu tư nghiên cứu đưa vào sản xuất các giống ngô mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chịu hạn, có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu".

"Để tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, trong thời gian tới tôi rất mong nhà nước có chính sách hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp tích cực vào cuộc giúp tiêu thụ sản phẩm ngô cho nông dân để bà con yên tâm sản xuất làm giàu" - ông Định kiến nghị. 

Anh Hoàng Văn Tuyến, nông dân tại đội sản xuất 77 thị trấn Nông trường huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho hay: Tôi bắt đầu trồng ngô lấy sinh khối và xây dựng trang trại bò từ năm 1999. Lúc đầu trang trại nhà tôi chỉ có 5 con bò, sau 18 năm nhân giống hiện nay tổng số bò trong trang trại là 90 con. 

"Để đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa, gia đình tôi có canh tác 4.5 ha đất trong đó 4 ha trồng ngô sinh khối, 0.5 ha trồng cỏ. Trong những năm gần đây tốc độ tăng đàn của bò sữa trong khu vực Mộc Châu (Sơn La) ước tính xung quanh 15- 20%, vì vậy việc đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa nói chung và việc tăng diện tích trồng ngô sinh khối là rất quan trọng" - anh Tuyến chia sẻ.

Chia sẻ về hiệu quả kinh tế của việc trồng ngô lấy sinh khối, anh Tuyến cho rằng: "Do thời gian thu hoạch ngô lấy sinh khối ngắn hơn so với trồng ngô lấy bắp khoảng 20- 25 ngày nên nông dân có thể tranh thủ trồng 2 vụ ngô một năm thay vì một vụ như thông thường. Điều này vừa đảm bảo nguồn thức ăn cho bò sữa, giúp nông dân có thêm thu nhập, vừa hạn chế áp lực cỏ dại. Trồng ngô lấy sinh khối hiệu quả kinh tế cao hơn 1.6 lần so với canh tác ngô lấy bắp. Theo như hạch toán của hộ gia đình 1ha ngô lấy sinh khối lãi hơn 25.6 triệu đồng trong khi trồng ngô lấy bắp lấy hạt chỉ hơn 15.6 triệu đồng"./.