Dân Việt

Sức mạnh “xe tăng bay” A-10 tiễn khủng bố IS về cõi chết

Đăng Nguyễn - NI 15/07/2017 18:55 GMT+7
Năng lực vượt trội trong cuộc chiến chống khủng bố IS giúp "đồ cổ" A-10 Thunder Bolt kéo dài thời gian tung cánh trên bầu trời cho đến sau năm 2020.

img

Cường kích A-10 hồi sinh nhờ chiến dịch chống khủng bố IS.

Theo National Interest, cường kích A-10 Thunder Bolt là mẫu chiến đấu cơ chuyên oanh tạc các mục tiêu dưới mặt đất ở cự ly gần. Mẫu máy bay “thần sấm” này lần đầu hoạt động trong biên chế quân đội Mỹ vào năm 1977.

Trải qua 4 thập kỷ, A-10 đã góp mặt trong Chiến tranh vùng Vịnh, Chiến tranh ở Kosovo và chiến tranh Afghanistan và Iraq năm 2003. Những phi đội A-10 Thunder Bolt ngày nay có nguy cơ bị xếp xó, đem rã sắt vụn vì không “đất dụng võ”.

Nhưng việc phát huy năng lực đặc biệt trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã khiến quân đội Mỹ phải nghĩ lại và tiếp tục tung các máy bay nổi tiếng là “xe tăng bay” này ra chiến trường Syria và Iraq.

“A-10 được chế tạo để thu hút hỏa lực lượng đối phương tốt hơn bất cứ một loại chiến đấu cơ nào khác”, phi công lái chiếc cường kích A-10, Đại tá Ryan Haden trả lời phỏng vấn trên Scout Warrior.

Phi công lái chiếc A-10 được bảo vệ bởi lớp giáp bằng titanium dày bao quanh, giúp máy bay chống đỡ bất kỳ hỏa lực súng máy nào của đối phương. Vật liệu Titanium cứng đến mức ngay cả đạn pháo 12 ly 7 cũng không thể xuyên qua được.

“A-10 không bay nhanh hay có thể bất ngờ đổi hướng nhanh chóng”, Haden nói. “Nhưng nó lại rất mạnh mẽ, giống như xe tăng biết bay vậy”.

img

Cường kích A-10 Thunder Bolt dội "bão lửa" xuống mặt đất.

Là phi công chuyên lái cường kích A-10, Haden giải thích vì cách máy bay được chế tạo để sống sót trước đòn tấn công từ dưới mặt đất của đối phương.

“Các hệ thống trên máy bay đều hoạt động độc lập. Nếu một hệ thống thủy lực không hoạt động, vẫn còn những hệ thống khác thay thế”, Haden nói.

Trong trường hợp thiết bị điện tử trên máy bay gặp trục trặc, phi công vẫn đủ khả năng lái A-10 và ném bom, bắn pháo 30mm một cách bình thường.

“Các máy bay hiện đại ngày nay phụ thuộc quá nhiều vào máy tính. Không hệ thống điện tử, họ sẽ chẳng làm được gì. Chúng tôi đã quen với việc dùng thiết bị ngắm bắn cơ học bởi chúng tôi được huấn luyện để chuẩn bị cho khả năng đó”, Haden giải thích.

Sức mạnh của cường kích A-10 Thunder bolt không nằm ở tốc độ, khả năng di chuyển hay không chiến. Chúng sở hữu pháo hệ thống pháo 30mm gắn dưới thân, gọi là GAU-8/A Gatling gun.

Pháo 30mm có 7 nòng, có thể điều khiển để ngắm bắn mục tiêu một cách chính xác hơn. A-10n thường mang theo 1.150 viên đạn  và có khả năng khai hỏa 70 viên/phút.

img

Súng máy 7 nòng gắn ngay dưới thân cường kích A-10.

A-10 cũng được thiết kế phần cửa sổ rộng hơn để phi công có thể quan sát mục tiêu dễ dàng hơn bằng mắt thường.

Haden nói có nhiều trường hợp động cơ máy bay bị bắn cháy mà phi công không hề biết cho đến khi trở về căn cứ.

Nhờ thiết kế khí động học đặc biệt, cường kích A-10 có thể duy trì tốc độ thấp chỉ 300km/giờ, tầm cao 30 mét. Cự ly này giúp phi công nhìn thấy rõ mục tiêu và ném bom, phóng rocket hay bắn pháo 30mm chính xác.

“Tôi có thể nhìn thấy người đang vẫy tay từ trên cao, thậm chí phân biệt đâu là khủng bố IS, đâu là người dân thường để tấn công”, Haden giải thích.

Tích hợp công nghệ ngắm bắn trên chiến đấu cơ F-15 và F-16, phi công lái cường kích A-10 có thể lựa chọn giữa chế độ phóng tên lửa dẫn đường từ cách xa hàng km hoặc áp sát mục tiêu để tấn công.

“Đa số chiến đấu cơ không thể đồng thời làm 2 nhiệm vụ được như vậy nhưng chúng tôi thì được, nhờ sự hỗ trợ của phần mềm”, Haden nói.

A-10 có thể mang theo kho vũ khí nặng 7.200kg, 8 quả bom/tên lửa gắn dưới cánh và 3 gắn ở thân máy bay. Vũ khí khá đa dạng từ bom dẫn đường bằng vệ tinh JDAM, đến các tên lửa không đối đất AGM-65 cả tên lửa đối không AIM-9 Sidewinder, cùng pháo sáng để né tên lửa đối phương.

Những chiếc A-10 ngày nay cũng được tích hợp cả mũ công nghệ cao, giúp phi công ra lệnh tấn công bằng chính đôi mắt. “Nếu có thứ gì đó tấn công, tôi có thể dễ dàng nhắm bắn bằng cách nhìn thẳng vào mục tiêu”.

img

A-10 cũng thể phóng tên lửa tầm xa tiêu diệt mục tiêu nếu cần thiết.

Vì nhiều lý do mà Haden không tiết lộ chi tiết nhiệm vụ chống IS, nhưng phi công này kể lại kinh nghiệm khi chiến đấu trên bầu trời Afghanistan.

Trong một nhiệm vụ vào tháng 3.2002, Haden nói anh có thể nhìn rõ hệ thống pháo phòng không, xe tăng, vị trí Taliban tập kết tay súng để tung đòn tấn công chính xác.

“Khi không quân không phân biệt được đâu là khủng bố, đâu là người tốt. Đó là lúc chúng tôi xuất hiện và tung đòn hủy diệt chiến thuật”, Haden nói.

Thành công vang dội trong cuộc chiến chống IS, đóng góp của cường kích A-10 Thunder Bolt trong chiến thắng ở Mosul vừa qua đã giúp máy bay này được tiếp tục ở lại phục vụ thêm 10 năm nữa.

Không quân Mỹ cũng lên kế hoạch nâng cấp cường kích A-10, giúp tiết kiệm dựa trên những công nghệ hiện có và đề xuất chế tạo loại cường kích hoàn toàn mới trong tương lai.

“Tôi rất vui vì không quân đã quyết định giữ lại những chiếc A-10, giúp bảo vệ quân đội chúng ta ở bất kỳ đâu mà họ cần. Ngày nay, phi đội A-10 đóng vai trò không thể thiếu trong cuộc chiến chống IS và răn đe chống lại hành động gây hấn của Nga ở Đông Âu”, Thượng nghị sĩ Mỹ McCain nói.

Sức mạnh trọng pháo M777 khiến khủng bố IS chết khiếp

Khủng bố IS vô cùng hoảng sợ trước “hung thần” M777 khi những quả đạn pháo uy lực lớn bỗng nhiên từ đâu bay tới,...