Con dúi núi còn có nhiều tên gọi khác nhau, như chuột tre, chuột nứa, chuột lách...Dúi núi có 4 loài khác nhau đó là dúi nâu, dúi mốc nhỏ, dúi mốc lớn, dúi má vàng. Ở khu vực rừng Quảng Ngãi loài phổ biến và thường bắt được nhất đó là dúi mốc.
Ông Hồ Văn Liu (45 tuổi), ở thôn Quế, xã Trà Bùi, huyện Trà Bồng, một người săn dúi núi có tiếng cho biết: "Dựa vào đặc tính ăn chủ yếu là các loại rễ cây, đặc biệt là lách, tre, nứa...nên để tìm bắt loại vật này thường tập trung vào các khu vực có các loại cây trên mọc". Qua quan sát mắt, tai dúi núi nhỏ còn đuôi và chân ngắn có móng vuốt. Đặc biệt răng dúi núi bén và khỏe đến mức có thể gặm được các loại gỗ. Dúi núi trưởng thành có chiều dài thân 25 - 35 cm, trọng lượng 0,5 - 1,5 kg/con.
Thịt dúi núi rất thơm ngon, mát, giàu đạm nên được nhiều người lùng mua. Theo đó có thời điểm giá bán dúi núi lên đến cả triệu đồng/kg hơi. Tuy nhiên theo nhiều thợ săn dúi núi trong tỉnh, do số lượng không nhiều, đồng thời sống ở hang khá sâu ở các khu vực tre, nứa mọc dày nên không dễ để đào bắt được. Có khi tìm kiếm cả tuần mới đào bắt được 2-4 con. .
Bà Nguyễn Thị Bê (44 tuổi), ở xã Tịnh Hiệp, huyện Sơn Tịnh, một người chuyên đi mua bán ở các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà xác nhận: " Do thịt dúi núi ngon và hiếm nên thỉnh thoảng mới thấy có người mang đi bán, với số lượng 1-3 con mà thôi. Cho nên nếu muốn mua phải đặt trước hàng chục ngày, thậm chí cả tháng mới có".
Chính vì nhu cầu thị trường tiêu thụ như vậy nên gần đây một số hộ dân trong tỉnh Quảng Ngãi đã thuần hóa dúi rừng để nuôi sinh sản bán giống, nhân đàn bán thịt nhưng chưa thu được nhiều kết quả.