Sống kiếp “người rừng”
Nguyễn Hà - cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Tân Hòa dẫn tôi đi tìm “người rừng” Châu Thanh Phương. Sau những cơn mưa, nắng lên gay gắt, bầu không khí dưới tán cây trên núi Dinh (cao hơn mặt biển 800m) oi bức, ngột ngạt lạ thường. Cứ bò được 20 - 30m lên núi qua những tảng đá nhấp nhô tôi lại ngồi thở dốc, mồ hôi chảy như tắm, mặc kệ những con muỗi rừng no căng máu đeo ở bắp chân.
“Người rừng” Châu Thanh Phương (trái) và phóng viên Báo NTNN trước “căn nhà” chị đang ở. Ảnh: T.T
Vậy mà Hà bảo, khi xã triển khai cấp nhà tình thương cho người nghèo thuộc dự án Làng Việt Nam Posco của Công ty Posco thực hiện, anh đã leo đến nhà “người rừng” hơn chục lần để xác minh hoàn cảnh. “Tối qua chị ấy tìm đến nhà em khóc quá trời khi biết tin mình bị gạt ra khỏi danh sách được trao nhà. Em tội chị ấy quá nhưng không biết kêu ai giúp, bèn phải nhờ anh” - Hà thổ lộ.
Hà kể, ở đây không ai biết trên núi Dinh có “người rừng” ở, kể cả ông trưởng thôn. Một lần, tình cờ leo núi, anh phát hiện trên lưng chừng núi có một túp lều rách nát cưu mang người đàn bà khốn khổ hơn 20 năm.
Sau hơn 1 giờ vật lộn với 300m đường chông gai của núi Dinh, chúng tôi cũng tìm đến “căn nhà” thấp lè tè của “người rừng”. Dưới tán cây da lâu năm, “căn nhà” một mặt tựa lưng vào vách núi, mặt kia hướng xuống đồng bằng, được tạo nên bởi những cành cây chống đỡ những tấm bạt nylon cũ kỹ che mưa, che nắng. Trong “nhà”, một chiếc võng rách mắc lơ lửng thay giường, và cái nồi đen nhẻm, móp méo trên ông Táo đất…
Không lấy ra được một chỗ trong “nhà” để tiếp khách, “người rừng” lôi chúng tôi ra trước sân. Chị kể, trước đây chị cũng có một gia đình lớn với cha mẹ và anh em sống dưới chân núi. Mấy anh em ngày ngày đi phát hoang, lấy đất. Thế rồi khi cha mẹ qua đời, và nhất là khi người anh hai lấy vợ, cuộc sống cơ cực nhưng thanh bình của gia đình đã bị phá vỡ.
Nghe lời vợ, người anh hai đuổi hết mấy đứa em ra khỏi nhà. Mất nơi nương náu, hai người anh dắt đứa em gái nhỏ bé leo núi Dinh tìm chốn nương thân. Họ cứ leo mãi cho đến khi tìm thấy một mảnh đất nhỏ tẹo bằng phẳng và có tán cây da có thể che chở nắng mưa. “Anh em tôi dọn dẹp mảnh đất rồi lấy cây lá che chắn tạo túp lều để chui ra, chui vào” - “người rừng” thổ lộ.
Để có cái ăn, họ đi tìm đất phát quang trồng chuối, trồng rau… Khi chuối có trái, hai người anh quảy xuống núi đổi gạo, đổi mắm, muối dành dụm cả nhà ăn dần. Tuy nhiên, cái cảnh “hái lượm” không thể đủ nuôi 3 miệng ăn, hai người anh để lại đứa em gái rồi quày quả xuống núi tìm kế sinh nhai. Thi thoảng, họ quay lại gửi em ít tiền rồi lại ra đi.
“Người rừng” cứ thế mà sống giữa thiên nhiên hoang dại. Có gì ăn nấy từ núi rừng, từ sự trợ giúp ít ỏi của hai người anh đi cày thuê, cuốc mướn. “Nhiều đêm tôi nằm co ro trên võng không sao chợp mắt được, thấy sao số phận mình hẩm hiu, bạc bẽo quá. Quanh năm tôi làm bạn với mấy con chó, thế mà cũng bị người ta bắt trộm” - chị Phương sụt sùi.
Ngày biết mình đã vào danh sách được cấp nhà tình thương của xã, chị mừng hết lớn. “Tôi thấy đời mình có ý nghĩa hơn. Tôi sống gần hết đời trên núi này, giờ chỉ mong có cái nhà che chở phần đời còn lại. Vả lại, tuổi tôi cũng đã lớn rồi, leo núi chân đã rung, có cái nhà dưới núi đi lại sẽ đỡ vất vả hơn” - chị tâm sự.
Tôi không hiểu vì lý gì. Tôi nghe chính quyền đã niêm yết danh sách và thông báo trên loa xã những người được trao nhà, trong đó có tôi, thế mà đến phút cuối họ gạt chúng tôi ra và trao cho người khác. Ai đó giải thích cho tôi với”. “Người rừng” |
Đùng một cái, khi đến ngày nhận nhà, chị cùng 4 trường hợp khác rớt khỏi danh sách. Khi nghe chính quyền trao nhà cho người khác, chị chết lặng. “Tôi không hiểu vì lý gì. Tôi nghe chính quyền đã niêm yết danh sách và thông báo trên loa xã những người được trao nhà, trong đó có tôi, thế mà đến phút cuối họ gạt chúng tôi ra và trao cho người khác. Ai đó giải thích cho tôi với” - nói xong chị ngồi thất thần, ánh mắt u uất nhìn xuống vực!
Hà ngồi chết lặng, không lời giải thích. Tôi – tệ hơn, chẳng biết an ủi “người rừng” ra sao.
Tắt hy vọng!
Thật ra lúc ấy, dù thấy “người rừng” tuyệt vọng, tôi vẫn nuôi chút hy vọng chị sẽ có nhà. Tôi biết, trong danh sách 5 trường hợp rớt ra khỏi danh sách, mới chỉ bổ sung 3 người và còn 2 chỗ trống.
Ra khỏi khu vực núi Dinh, tôi đi thẳng đến văn phòng quyền Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Phạm Đình Bá Linh. Ngồi trước bàn giấy, ông Linh tỏ ra khá khó chịu khi nghe tôi cần sự giải thích vì sao những hộ đã có tên trong danh sách trao nhà tình thương, đến phút cuối cùng lại không được trao?
Ông Linh cho biết, có sự xáo trộn này là do quyết định của Chủ tịch UBND huyện Tân Thành Nguyễn Văn Thắm. “Mới đây, ông Thắm chỉ đạo trong đợt trao nhà tình thương này chỉ dành riêng cho các trường hợp tại 2 thôn Phước Long và Phước Hiệp để thực hiện đề án cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân 2 thôn này. Các trường hợp không phải người ở hai thôn này đều bị gạt ra” - ông Linh cho biết. Có nghĩa, hy vọng của “người rừng” là tắt ngấm bởi chị đang ở thôn Phước Thành.
Đường lên núi Dinh đến nhà “người rừng”. Ảnh: T.T
Ngày 24.5.2017, ông Thắm chủ trì cuộc họp rà soát việc xét duyệt đối tượng đã bố trí nhà ở thuộc dự án Làng Việt Nam Posco. Kết luận cuộc họp này, ông Thắm nêu lý do: “Trong quá trình triển khai thực hiện đề án “Cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân 2 thôn Phước Long, Phước Hiệp” có phát sinh đơn thư kiếu nại của các hộ dân sinh sống tại 2 thôn Phước Long, Phước Hiệp liên quan đến quy trình, đối tượng xét giao nhà ở thuộc dự án Làng Việt Nam Posco”.
Sau đó, ông Thắm giao Phòng LĐTBXH, UBND xã Tân Hòa và các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát hồ sơ, quy trình, thủ tục kiểm duyệt giao nhà cho các đối tượng trong thời gian vừa qua.
Tuy nhiên, theo quyền Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Phạm Đình Bá Linh, bản chất của việc dừng trao nhà trong dự án Làng Việt Nam Posco là theo đề án “Cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân 2 thôn Phước Long, Phước Hiệp” không trao nhà cho người dân ngoài 2 thôn này. Vậy tại sao, “tinh thần” của đề án này lại không được triển khai ngay từ đầu, mà để sắp kết thúc dự án mới thực hiện khiến cho mọi việc trở nên rối ren?
Ông Linh lý giải: “Tôi không biết lúc trước triển khai như thế nào. Tôi mới về nhậm chức”.
Cũng theo ông Linh, dự án Làng Việt Nam Posco do Công ty TNHH Posco thực hiện, nhưng “phải theo chỉ đạo của huyện”. “Bây giờ không có tiêu chí xét duyệt gì nữa, mà thống nhất làm theo sự chỉ đạo của anh Thắm” - ông Linh khẳng định.
Tính cho đến thời điểm này, dự án Làng Việt Nam Posco đang thực hiện tại xã Tân Hòa có 17 hộ không nằm trong diện “ưu tiên” thuộc hai thôn Phước Long, Phước Hiệp. Những hộ này sẽ phải trả lại “nhà trong danh sách” để trao cho người khác.
Nhằm tìm hiểu thêm sự việc, tôi đã gọi cho ông Thắm. Tuy nhiên, ông viện lý do “đi họp ở tỉnh suốt ngày” nên từ chối tiếp phóng viên.
Bước ra khỏi trụ sở xã Tân Hòa lòng tôi cứ chơi vơi, hy vọng “người rừng” có nhà xem như tắt ngấm. Nếu có công bằng, thì “người rừng” phải có nhà, còn nếu không thì nên “xét lại” tất cả dự án Làng Việt Nam Posco do Công ty Posco đang thực hiện tại Tân Thành - vì trong 3 đợt cấp nhà trước, không ít trường hợp không thuộc dân 2 thôn Phước Hiệp, Phước Long.