Đủ điện cũng phải tiết giảm
Theo Quy hoạch Phát triển Điện lực TP.Hà Nội giai đoạn 2011-2015, dự kiến, nhu cầu điện thành phố tăng trưởng bình quân 12,7%, tương ứng nhu cầu điện năm 2015 là 16,2 tỷ kWh, công suất cao nhất là 3.200MW. Riêng năm 2011, sản lượng điện tiêu thụ toàn thành phố ước đạt 9,9 tỷ kWh. Dự kiến, năm 2012 sẽ đạt 11,26 tỷ kWh, tăng 13,7% so với 2011, công suất cực đại ước khoảng 2.500MW.
Nguy cơ Hà Nội thiếu điện vào năm tới là rất cao vì sự chậm trễ của các dự án điện. |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo EVN Hà Nội, với khối lượng và kết cấu điện như hiện nay thì Hà Nội sẽ chỉ đủ để đảm bảo điện đến hết năm 2011. Trong năm 2012, nếu không có thêm trạm 220kV nào được đưa vào vận hành thì khu vực Hà Nội sẽ luôn trong tình trạng quá tải điện.
Điều này sẽ có nghĩa, cả nước đủ điện để sử dụng, nhưng riêng Hà Nội có khả năng phải thực hiện tiết giảm điện với mức 15-20% phụ tải toàn thành phố.
Theo ông Bùi Duy Dụng, năm 2011, hệ thống lưới điện của Hà Nội cũng đã gần bị quá tải. Những ngày nóng nhất vừa qua, Hà Nội đã dùng tới 90% công suất, nghĩa là không còn dự phòng. Chỉ cần 1 máy biến áp (MBA) bị sự cố là sẽ mất điện trên diện rộng.
Dự báo, năm 2012, nhu cầu phụ tải sẽ lên tới 2.400-2.500MW. Lúc này, nguy cơ quá tải nghiêm trọng sẽ xảy ra ở 6/12 MBA 220kV, 4/14 đường dây 220kV và 21/58 MBA 110kV, thậm chí có nơi quá tải tới 159%.
Nếu tình hình quá tải trên không được cải thiện bằng cách xây dựng và đưa vào sử dụng các MBA mới thì trong mùa hè năm 2012 có thể sẽ xảy ra tình trạng Hà Nội phải cắt điện luân phiên khi cả nước vẫn đủ điện. Các khu vực bị cắt điện lại là trung tâm Hà Nội, quận Long Biên và các huyện Đông Anh, Từ Liêm, Gia Lâm.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện
Để đáp ứng nhu cầu điện cho TP. Hà Nội, trong giai đoạn 2006-2010, EVN Hà Nội đã lên kế hoạch đầu tư 6.850 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp 6 trạm biến áp (TBA) 220 kV (tổng công suất 2.500MVA) và 137km đường dây, 4 TBA 110kV (246MVA). Tuy nhiên, đến cuối năm 2010, tất cả các công trình lưới điện 220 kV xây mới đều không thực hiện được.
Ông Dụng cho hay, thiếu vốn và mặt bằng thi công là những nguyên nhân chính. Do quỹ đất thành phố hạn hẹp nên việc thỏa thuận vị trí trạm và tuyến đường dây rất khó khăn. Thủ tục hồ sơ xin cấp đất cũng rất rườm rà nên ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, rất nhiều tuyến dây thành phố yêu cầu đi ngầm nhưng kinh phí cho đường dây đi ngầm cao gấp 10 lần đi nổi (đường dây 110kV đi nổi chi phí hết 6,5 tỷ đồng/km, nhưng đi ngầm phải chi khoảng 75 tỷ đồng/km). Đó là chưa kể thi công đường dây ngầm rất khó khăn về mặt bằng thi công.
EVN Hà Nội đang kiến nghị thành phố, đối với các công trình lưới điện, cho phép EVN Hà Nội trực tiếp làm việc với chính quyền địa phương và người sử dụng đất để thỏa thuận bồi thường. Hà Nội cần có cơ chế đặc biệt ưu tiên cấp phép thi công đào hè, đường đối với các công trình hạ ngầm, lập quy hoạch quỹ đất cho các dự án lưới điện để đảm bảo công trình điện đúng tiến độ.
Mai Nguyễn