Những ngày này, hàng loạt trận mưa đã "nhấn chìm" nhiều khu vực dân cư ở Thủ đô, khiến dư luận lại càng nóng vấn đề thoát nước đô thị. Từ những tuyến phố tưởng không bao giờ ngập như khu phố cổ với hệ thống thoát nước từ thời Pháp đến những khu đô thị mới như Trung Hòa Nhân Chính, Cầu Giấy... cũng gánh chịu cảnh tượng "phố bỗng thành sông". Đáng nói, hàng chục năm nay, Hà Nội và Chính phủ đã có hàng loạt chương trình, đề án thoát nước quy mô nhưng tình trạng "cứ mưa là ngập" tại Thủ đô vẫn... đâu vào đấy. Để có cái nhìn tổng quan về thực trạng hệ thống thoát nước ở Hà Nội, quy trình vận hành của hạ tầng kỹ thuật, cũng như tìm ra giải pháp khắc phục hữu hiệu nhất cho tình trạng thoát nước của Thủ đô, Dân Việt tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bao giờ Hà Nội thoát cảnh hết mưa là ngập?” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thoát nước, quy hoạch đô thị: - PGS.TS Trần Đức Hạ (Viện trưởng Viên Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường) - KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên BCH Hội Kiến trúc sư HN - PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội.
Đại diện báo điện tử Dân Việt tặng hoa các khách mời giao lưu. |
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra cho các khách mời: Hiện trạng Hà Nội cứ mưa là ngập, dù bao năm nay chúng ta đã tốn khá nhiều tiền cho những dự án thoát nước Hà Nội lên tới con số hàng triệu đô. Bản thân các vị khách mời có thể chia sẻ gì về những trải nghiệm của các vị với việc Hà Nội ngập lụt?
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Việc ngập lụt diễn ra ở Hà Nội đã nhiều, thậm chí đã có những bài hát chế như "Hà Nội phố cũng như sông"... Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc này như xây dựng không theo quy hoạch, biến đổi khí hậu, xây dựng chưa hoàn thiện khiến tình trạng ngày càng trầm trọng hơn. Có những hình ảnh vừa đáng thương, vừa đáng cười như đám cưới rước dâu bằng thuyền, hay mọi người bị muộn giờ học, giờ làm do tắc đường mà nguyên nhân do ngập nước. Nó khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Nhà tôi chưa bị ngập nhưng nước cũng mấp mé. Tôi cũng từng chứng kiến cảnh người đi xe máy, ô tô, đứng trên vỉa hè bị sóng nước tát vào người do người đi ô tô tạo ra. Tôi không biết là người đi ô tô có suy nghĩ gì không? Thi thoảng xảy ra tình trạng ngập nước còn chịu đựng được chứ lâu ngày đi lại phải chịu cảnh ngập nước thì chả ai nghĩ tới cảnh lãng mạn này cả.
Bao nhiêu năm nữa Hà Nội sẽ không còn cảnh ngập? Rất khó nói bao giờ sẽ hết ngập vì hệ thống cống thoát nước xây dựng chỉ chịu đựng được tới một mức độ nào đó. Mấy đợt mưa vừa qua chưa lớn nhưng Hà Nội đã ngập. Tôi cho rằng vấn đề ở đây là quy hoạch hạ tầng, trong đó có cả quy hoạch cấp thoát nước. Nhà nội đô ngày càng chồng lên cao, nhà vẫn vậy, dân cư tăng lên thì hệ thống thoát nước sẽ không chịu nổi.
Vấn đề này tôi đã nói từ năm 2008, nhà nhiều tầng, chung cư mới phải có hệ thống tự thấm. Chứ cứ với tình trạng bê tông hóa như hiện nay, thảm cỏ, hồ điều hòa sẽ mất dần. Phải có hệ thống bể tự thấm, bãi cỏ, hồ điều hòa bổ sung Sông Tô Lịch hay một số sông đóng vai trò thoát nước phải tiêu được nước thì nước trong thành phố mới không ứ. Ngày xưa nhà chỉ có 1, 2 tầng, giờ có tới 10, 20 tầng thì 8.000 hay 10.000 tỷ mà không cải tạo hạ tầng đồng bộ thì không giải quyết được. Người xây dựng, thiết kết phải có tầm nhìn xa thì Hà Nội mới không biến thành Hà “lội”.
PGS.Trần Đức Hạ: Tôi ở khu Thái Hà cũng là một điểm ngập lụt ở Thủ đô nhưng nhà tôi không ngập vì xây cao. Tuy nhiên, khi ra đường thì vẫn gặp phải cảnh ngập lụt. Có những hôm tôi phải xin phép nhà trường đến muộn vì "tắc đường" – do ngập. "Hà Nội phố cũng như sông" - tôi thật sự thấu hiểu và thông cảm điều đó với PGS.TS Hùng.
KTS Trần Huy Ánh: Tôi và gia đình may mắn được sinh sống ở những khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Dù Hà Nội có ngập úng liên miên như vậy, nhưng chúng tôi không phải chịu cảnh ngập úng như nhiều người khác.
KTS Trần Huy Ánh giao lưu với bạn đọc Dân Việt từ xa.
Điều đó chứng minh rằng mình được thừa hưởng một sản phẩm của quá trình phát triển đô thị có tổ chức, có nghiên cứu nghiêm túc. Trong quá trình đô thị hóa, những khu vực này cũng không chịu tác động lớn do tầm nhìn của người quy hoạch rất xa.
Ngay cả những dự án cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp đều dựa trên nền tảng này. Họ có thể can thiệp không nhiều, nhưng hiệu quả vẫn rất tốt. Những phu phố cổ vẫn có lúc ngập úng, ví dụ khu vực Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ hay cửa ga Hà Nội, trục đường Trần Hưng Đạo cũng có ngập úng nhưng tiêu thoát rất nhanh.
Còn các khu đô thị mới có tình trạng chung là quá trình thực hiện, triển khai quy hoạch chắp vá và không có sự kiểm soát. Vậy nên, vấn đề ngập úng tất yếu sẽ tới. Những khu vực ngày hôm nay chưa bị ngập úng tôi cho rằng do may mắn chứ không phải do khả năng quy hoạch đâu. Ví dụ, người xây sau xây nền cao hơn người xây trước, dồn hết nước cho khu vực làm trước. Quá trình này vẫn liên tục diễn ra. Người hôm nay không bị ngập, rất có thể ngày mai sẽ không thoát cảnh ngập úng.
Vì sao chúng ta không thể tạo ra đường ống thoát nước khoa học, hoạt động hiểu quả như ở thành phố Paris (Pháp), thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Đáng lẽ chúng ta phải làm đường ống, đường đi trước rồi mới làm nhà. Ở Việt Nam lại làm ngược lại. Ngoài ra, bình thường chúng ta thoát nước bằng hệ thống hồ tự nhiên, hồ điều hòa nhưng giờ hồ điều hòa bị lấp hết rồi nên nước cũng không còn chỗ lưu trữ trước khi được điều tiết ra sông, thoát đi.
Giờ đây, nhà cao tầng, trong khu đô thị mới bắt buộc phải có hệ thống bể dự trữ. Dưới các vườn hoa cũng cần hệ thống bể dự trữ vừa để tưới cây, vừa để cứu hỏa. Dưới có những đài phun nước rất tốt, vừa bảo đảm thẩm mỹ, vừa mát mà cũng dự trữ được nước.
Hiện ở Hà Nội chưa có hệ thống bể dự trữ này. Thiên tai là điều tất yếu, nhưng nhân tai mới đáng lo. Vì chính nhân tai mới làm các yếu tố thiên tai trở nên đáng sợ. Hà Nội nếu không còn tắc đường, ngập nước, có lẽ con người sẽ vui vẻ hơn, không còn va chạm, hằn học nhau mỗi khi ra đường nữa. Muốn làm được như vậy, phải có giải pháp quy hoạch, quản lý đô thị tổng thể, đồng bộ.
Liệu PGS.TS Trần Đức Hạ có chung cảm giác bi quan như PGS.TS Nguyễn Văn Hùng về vấn đề này?
PGS.TS Trần Đức Hạ: Chúng ta có rất nhiều bản quy hoạch từ quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch chung... còn chúng tôi có quy hoạch thoát nước đến 2030 tầm nhìn 2050. Dưới quy hoạch là các dự án. Chưa nói tới tính hợp lý, khoa học nhưng việc tuân thủ các quy hoạch ra sao, chưa dám chắc.
Với dự án thoát nước Hà Nội, năm 1994, Nhật đã giúp Hà Nội (7500ha) xây dựng đề án quy hoạch tổng thể thoát nước. Theo đó, có 2 giai đoạn, đã giải quyết cơ bản về mặt công trình (trạm bơm Yên Sở là điển hình) đến 2016. Tuy nhiên, những vấn đề thực hiện dưới quy hoạch vẫn còn khá nhiều tồn tại. Nhiều năm qua đô thị phát triển mạnh, nhà cao tầng mọc lên nhiều, bê tông hóa, nước mưa chảy vào sông Nhuệ... – quy hoạch cũ có thể không còn phù hợp với hiện tại.
Thiết nghĩ, để đảm bảo làm theo quy hoạch là cả một vấn đề. Các loại quy hoạch đã có, nhưng triển khai ra sao? Đơn cử như cốt nền: người làm sau lại làm cốt cao hơn người làm trước, ảnh hưởng rất nhiều đến lưu vực dòng chảy...
KTS Trần Huy Ánh: Quy hoạch đô thị chia theo địa bàn, tư duy quy hoạch manh mún, quá trình triển khai quy hoạch lại chắp vá sẽ không thể giải quyết triệt để vấn đề của một đô thị với hàng triệu dân.
Một đô thị có hàng triệu người sống với nhau, nhưng cách giải quyết lại do vài chục người quyết định. Chúng ta đang thiếu kịch bản, chiến lược thoát nước bài bản, có kiểm soát. Các khu đô thị sẽ phải đối mặt với vấn đề ngập úng lâu dài. Chuyện khi nào ngập chỉ là vấn đề thời gian bởi khí hậu ngày càng khó khăn, khắc nghiệt hơn.
Nền của các khu đô thị mỗi nơi một mức, nên nước sẽ chảy từ khu này sang khu kia. Quy luật thoát nước là từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây nhưng kịch bản để vận dụng dòng chảy tự nhiên một cách hiệu quả thì hiện chưa có.
Quay lại thời điểm năm 2008, khi Hà Nội hứng chịu trận lụt lịch sử. Năm 2011, Bangkok cũng hứng chịu trận lụt khiến nhiều người thiệt mạng. Theo ông, Hà Nội trong tương lai sẽ phải đương đầu với trận lụt lớn nữa không?
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Trận mưa vừa rồi chưa phải lớn mà đã ngập như thế, vậy trong tương lai nếu ngập lớn hơn thì sẽ dễ xảy ra những trận lụt lớn hơn. Tôi thấy các trạm bơm cần có sự tính toán, dự báo tốt hơn và tinh thần sẵn sàng trực chiến, khơi dòng chảy, hút nạo cống nước. Các trạm bơm cũng phải luôn trực sẵn, luôn trong trạng thái sẵn sàng hoạt động trên cơ sở dự báo tạo độ chênh dòng chảy.
Còn trong tương lai ngắn hạn thì khó tránh được vì tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Dòng sông Tô Lịch phải nạo vét, khơi thông dòng chảy. Các khu đô thị khu vực Mỹ Đình san cốt nền nên nước chảy chỗ trũng, suốt ngày chịu ngập. Cần các trạm bơm trung chuyển, hồ điều hòa có thể tiêu thoát nước tại chỗ. Mỗi nơi tiêu thoát nước một ít, những khu vực ngập cục bộ cần xem có thể làm đường ống để lắp hệ thống thoát nước ra xung quanh không?
Ngoài ra, nếu còn tồn tại những con đường “yên ngựa”, hai bên cao, ở giữa thấp thì làm sao thoát được ngập lụt. Đây là vấn đề quy hoạch đô thị. Nếu cứ mưa và ngập mãi như này thì đời sống không thể tốt lên, năng suất lao động không thể cao lên.
Bể dự trữ nước sẽ chiếm bao nhiêu % chi phí xây dựng? Nó chiếm không nhiều, chỉ từ 1 – 2%. Hà Nội hiện nay trừ nhà xây trên cọc nhồi thì hoàn toàn chúng ta làm được, có thể làm những bể cá to trên sân thượng, tận dụng nước mưa đổ xuống. Ta biết làm thế thì sẽ giải quyết vấn đề tốt hơn.
Ngay cả hộ gia đình cũng có thể làm được. Làm những công trình như vậy sẽ đỡ tốn kém, mà giải quyết vấn đề tốt hơn. Đừng chỉ mong chờ những công trình nghìn tỷ, chúng ta hãy tự làm để giải quyết vấn đề cho mình.
Thưa PGS.TS Trần Đức Hạ, theo ông vì sao hai dòng sông lớn (Kim Ngưu, Tô Lịch) đã được cải tạo, nhưng dòng chảy vẫn chưa thể cải tạo?
PGS.TS Trần Đức Hạ: Hà Nội là thành phố của sông hồ. Hệ thống thoát nước của Hà Nội là thoát nước chung (cả nước mưa, nước thải). Hà Nội đã có nhiều dự án về xử lý nước thải, tuy nhiên kinh phí của ta còn hạn chế nên chưa tách được nước thải vào nhà máy xử lý nước thải riêng.
Ví dụ ở sông Kim Ngưu, sông Tô Lịch, hiện đã có dự án xử lý nước sạch Yên Xá (lưu vực từ Nam Hồ Tây đến tim của Linh Đàm; công suất 270.000m3/ngày đêm). Trong quy hoạch thoát nước Hà Nội đã đề cập đến 1 nhà máy đưa nước từ sông Hồng đưa vào sông Tô Lịch. Chúng ta cũng đang có nhiều dự án thực hiện xử lý...
Thử hình dung, cả lưu vực sông Tô Lịch khoảng 6 ha. Cống ngầm đặt sâu dưới, công suất 200.000m3/ngày đêm... thì mức đầu tư rất lớn, khổng lồ - trong khi kinh phí vẫn đang thiếu. Những dự án thành phần nhằm xử lý triệt để vấn đề dòng chảy của 2 con sông Tô Lịch, Kim Ngưu nói riêng, hệ thống sông ngòi ở Hà Nội nói chung, chưa được thực hiện vì thiếu vốn. Đây là nguyên nhân 2 con sông nêu trên vẫn chưa được xử lý vấn đề dòng chảy dù đã được kè, cải tạo phần nào.
Thưa KTS Trần Huy Ánh, ông có cho rằng nếu chúng ta cải tạo lại được hai dòng sông lớn là Kim Ngưu và Tô Lịch cho nó lưu thông tốt hơn thì có thể giải quyết được tình trạng ngập lụt?
KTS Trần Huy Ánh: Tới bây giờ hoạt động thoát nước trong nội thành Hà Nội vẫn phụ thuộc vào dòng chảy tự nhiên của sông Kim Ngưu. Mực nước trên sông Kim Ngưu chênh lệch từ chỗ cao nhất là 8 mét tới chỗ thấp nhất là 4 mét, tới gần 4 mét nước. Đây vẫn là dòng sông chủ lực để thoát nước. Nếu chúng ta khơi thông dòng chảy sẽ giải quyết được những vấn đề cơ bản. Cộng thêm hệ thống hồ điều hòa ở những lưu vực khác nhau giúp điều tiết nước.
Năm 2008, chúng ta phải đối mặt với tình huống toàn bộ sông đều ngập, đương lượng nước lên tới 23 triệu mét khối. Việc điều tiết nước hoàn toàn phụ thuộc vào trạm bơm Yên Sở. Đây là điều rất nguy hiểm, một thành phố không thể chỉ có một phương án thoát nước được. Cần có những phương án khác nhau cho những tình huống khác nhau. Phải có ít nhất 2 giải pháp, 2 đường thoát nước. Phải tính tới tình huống phương án đầu tiên gặp trục trặc thì thực hiện phương án dự phòng.
Hà Nội hiện chưa có phương án thoát nước dự phòng. Trong chiến lược thoát nước của Hà Nội tôi cũng tham gia, nhưng chưa thấy bất kỳ ai đề xuất phương án thứ 2 cho việc thoát nước của Hà Nội.
Việc cải tạo dòng sông để cải thiện thoát nước đương nhiên phải làm. Không chỉ để thoát nước mà còn để đóng góp vào cảnh quan, giao thông thủy, môi sinh… Đừng chỉ biến dòng sông thành cái cống, đó là cách làm cũ kỹ, đơn giá trị, cần xem lại.
Một tài sản lớn của thành phố, được đầu tư hàng triệu USD phải đóng góp nhiều hơn, tích cực hơn, sinh động hơn thì chính nó mới sống. Ngoài ra, thoát nước là phải thoát nước sạch, chứ không phải thoát nước cống. Nếu biến dòng sông thành cái cống là có tội, gây ra ô nhiễm môi trường trải dài trên 17 km thay vì khu trú tại một khu vực nào đó.
Ngoài thoát nước, còn có vấn đề môi trường, cảnh quan đô thị. Dòng sông phải đóng góp nhiều hơn cho cư dân thành phố, từ đó mới thu hút thêm nhiều nguồn lực, để tiếp tục sống và gánh vác nhiệm vụ thoát nước.
Nếu khơi thông dòng chảy của Kim Ngưu, Tô Lịch liệu sẽ giải quyết vấn đề thoát nước tốt hơn không, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Sẽ khá hơn! Trước những trận mưa, các hồ điều hòa ở Yên Sở sẽ hút nước xuống còn thấp thôi để tạo độ chênh lệch, khởi thông dòng chảy. Tự nhiên nước sẽ tiêu thoát rất nhanh. Các hồ, giếng chứa nước, hệ thống cống thoát nước dọc theo các phố cần được nạo vét thường xuyên để tạo độ chênh dòng chảy, khi xảy ra ngập nước sẽ tiêu thoát tốt hơn.
Nhưng thực tế bản thân nước thải đã đầy cống rồi, thêm nước mưa chắc chắn là tắc cống. Vậy nên, nước mưa phải tìm cách trữ lại, chúng rất có giá trị. Ngày nay, trong nước mưa có thể có axit, hóa chất nhưng đó chỉ là giai đoạn đầu của trận mưa thôi. Nước mưa sau đó rất sạch. Ngày xưa, các cụ nhà ta vẫn dùng nước mưa để pha trà uống, rất ngon.
Chứ tình trạng bê tông hóa ngày càng nặng nề, thành phố nào cũng vậy thì nước cứ dồn từ trên về dưới, sẽ gây ra ngập lụt, sạt lở. Đáng lẽ có nhiều hồ điều hòa, hồ chứa nước thì tình hình sẽ đỡ nghiêm trọng hơn. Ví dụ trên thượng nguồn có nhiều hồ hơn, nước đỡ đổ về sông Lam, sông Mã và có quy hoạch hồ chứa nước theo kiểu liên hoàn, có lẽ miền Trung sẽ bớt chịu cảnh ngập lụt.
Vì sao trước đây các khu đô thị mới tình trạng úng ngập xảy ra, nay lại lan tới khu phố cổ (như Tạ Hiện)?
PGS.TS Trần Đức Hạ: Vấn đề thoát nước còn nằm ở các điểm đầu mối thoát nước, thu gom. Ở khu phố cổ sử dụng cống đúc (chiều cao trên 1,5m, người đi lại được). Nhờ hệ thống đồng trục này mà khu phố cổ gần như không bị ngập. Nhưng hiện tại đầu mối đã không còn tiêu thoát được nên ngập.
Ngoài ra, vấn đề quản lý đô thị, các giếng thoát nước không được chú trọng thực hiện. Rồi đến ý thức cộng đồng (vứt rác thải). Úng ngập không chỉ liên quan tới hạ tầng kỹ thuật mà còn rất nhiều yếu tố khác.
Với khu vực Tây sông Tô Lịch đến sông Nhuệ đang 100% phát triển đô thị với nhà cao tầng nhưng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (hồ điều hòa) mới chỉ nằm trên quy hoạch hoặc đang rục rịch thực hiện theo sau. Vì thế, với khu vực Tả Nhuệ, việc ngập ngụa nghiêm trọng do vấn đề đầu mối thoát nước, phát triển đô thị đi trước – hạ tầng đi sau.
Quy hoạch xây dựng Hà Nội đến 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng giãn dân, giảm mật độ dân số khu vực trung tâm. Nhưng thực tế, vài năm qua, xu thế mật độ dân số lại tăng lên trong nội đô. Đó cũng là một nguyên nhân dẫn tới khu phố cũ, phổ cổ ngày nay cũng ngập.
Thưa ông Trần Đức Hạ, ông có thể đánh giá về hiệu quả công tác thoát nước? Trách nhiệm của đơn vị liên quan?
PGS.TS Trần Đức Hạ: Ở đây là tính kế thừa. Kế thừa theo tinh thần hoàn thiện hơn nữa các bản đồ án,kế hoạch, quy hoạch. Ở khía cạnh kỹ thuật, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ thoát nước đã thực hiện khá tốt (ví dụ BQL các dự án thoát nước, Ban quản lý các công trình cấp nước, thoát nước và môi trường). Nhiệm kỳ nào cũng thế, hệ thống hạ tầng thoát nước của Hà Nội vẫn đang yếu!
Theo tôi là chưa đạt yêu cầu. Nếu đạt thì tình trạng không thế này. Được, là chúng ta đã tôn trọng các quy hoạch về thoát nước của Hà Nội (Các BQL dự án liên quan). Tuy nhiên, vẫn còn những vẫn đề chưa tốt như đảm bảo nguồn lực của Nhà nước, thành phố; phối hợp giữa các ngành xây dựng – thủy lợi... Hiện chúng ta vẫn chưa thực hiện được một cách đồng bộ. Nếu không cố gắng, tình trạng lụt sẽ trầm trọng hơn nhiều. Hơn 500 triệu USD cho thoát nước Hà Nội, phải thừa nhận là có hiệu quả nhất định. Thoát nước, là vấn đề tổng hợp nhiều yếu tố, lĩnh vực khác nhau. Thậm chí, ý thức của người dân trong sinh hoạt hàng ngày cũng tác động tới chuyện ngập lụt (vứt rác, xả thải ra môi trường vô ý thức).
Một câu hỏi dành cho ông Trần Huy Ánh, thưa ông nhu cầu nhà ở, hạ tầng tại Hà Nội vẫn đang tăng lên theo từng năm. Theo ông, chúng ta cần có những thay đổi như thế nào về tư duy quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị để bảo đảm vấn đề cấp – thoát nước của Hà Nội trong tương lai dài hạn?
KTS Trần Huy Ánh: Tư duy quy hoạch đô thị đang tồn tại hai thái cực. Một thái cực không tưởng. Đô thị là một phức hợp, có những mối quan hệ đa ngành, việc quy hoạch đòi hỏi người tham gia phải uyên bác trong nhiều lĩnh vực thì lại được giao cho những ông “thợ vẽ”, họ cứ vẽ ra những thứ viển vông, thiếu cơ sở khoa học, không có lợi ích kinh tế. Cũng không đáp ứng được nhu cầu hạ tầng, môi trường. Kết quả, tạo ra một bức tranh chưa vẽ xong đã hỏng.
Thái cực còn lại là thực tiễn, nhưng lại quy hoạch, phát triển tùy tiện.Xu hướng đô thị hóa là tất yếu, không có kịch bản nào nói rằng Hà Nội sẽ có 10 triệu, 20 triệu hay 30 triệu dân cả.
Vấn đề ở đây là tầm nhìn và khả năng thích ứng. Tầm nhìn ở những mức độ khác nhau để từ đó chủ động đưa ra phương án đối phó khác nhau. Song thích ứng cũng quan trọng, khi ở trong hoàn cảnh khó khăn, việc thích ứng tốt sẽ giúp biến khó khăn thành lợi thế. Đó là tư duy tiếp cận của thế kỷ 21, vừa có tầm nhìn, vừa có thích ứng. Rất tiếc là ở Việt Nam hiện chưa có.
Ông đi nhiều TP lớn trên thế giới và trong khu vực, theo ông họ có phải đương đầu với tình trạng như ở Hà Nội? Chúng ta có thể học hỏi được từ họ những gì để chống ngập hiệu quả hơn?
KTS Trần Huy Ánh: Để so sánh những khó khăn mà các thành phố ở Đông Nam Á đang phải đối mặt, rồi nói thành phố nào khó khăn hơn thành phố nào thì rất khó. Mỗi thành phố đều có đặc điểm, khó khăn riêng và có cách giải quyết khó khăn khác nhau.
Tất cả các thành phố có đông dân dư đều phải đối mặt với chuyện ngập úng. Khi đông dân cư sẽ rất khó kiểm soát, trong khi thiên tai, địch họa trong môi trường tự nhiên có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Mỗi thành phố đều có cách giải quyết riêng, việc giải quyết như thế nào thể hiện đẳng cấp quản trị của thành phố đó. Singapore từng đối mặt với ô nhiễm, vào những năm 70 người ta đã bắt đầu thay đổi nó. Jakarta cũng mất tới 30, 40 năm mới có giải pháp xử lý. Trong khi ở Manila, nhiều khu vực không thể giải quyết được.
Còn ở Bắc Kinh và Thượng Hải, họ có nguồn lực và trình độ quản trị tốt hơn nên giải quyết vấn đề tốt hơn.
Mỗi giải pháp trị thủy, giải quyết vấn đề úng ngập, môi trường đều thể hiện đẳng cấp của thành phố. Qua đó, cũng thể hiện tầm vóc của một quốc gia.
Indonesia cũng đang có những giải pháp dài hạn, không chỉ chống úng ngập, thoát nước mà cả triều cường.
Đó đều là những thành phố có tầm nhìn. Hà Nội của chúng ta có hơn 1.000 năm lịch sử, có một tầng lớp trí trức tiến bộ. Vậy tại sao chúng ta không thể trở thành một thành phố của thiên niên kỷ thứ 2, có thể thích ứng với những biến đổi khí hậu?
Giải quyết được úng ngập cũng là một niềm tự hào của Hà Nội nghìn năm, bước sang thiên niên kỷ thứ 2.
Liên quan đến các dự án thoát nước tại Hà Nội, chúng ta đã có bao nhiêu dự án, mức đầu tư, hiệu quả?
PGS. TS Trần Đức Hạ: Tất cả đều phải có kinh phí. Liên quan đến Hà Nội, từ năm 1994, Hà Nội (7500ha lưu vực sông), giai đoạn đó ta được chuyên gia Nhật Bản giúp đỡ (hình thức ODA, JICA). Tổng tiền khoảng 500 triệu USD (chưa kể đối ứng của VN). Theo chúng tôi, nếu Hà Nội không quá phát triển đô thị ở lưu vực này thì không phải gánh chịu ngập lụt.
Tuy nhiên, cũng phải nhắc tới những vấn đề khác đảm bảo cốt san nền, giếng thoát nước... Quan niệm thoát nước là một trong những vấn đề chúng ta đang thực hiện theo hướng bền vững. Chúng ta chưa có tiền để xây dựng các trạm bơm đầu mối (Liên Mạc, Cổ Nhuế là ví dụ), các cống thu gom.
Hà Nội đang mở tới vành đai 4, đương nhiên phải đầu tư cho hệ thống thoát nước. Trong khi, kinh phí đầu tư cho thoát nước bền vững (giữ nước tạm thời trong khu đô thị thông qua các bể thấm, hồ điều hòa – bổ sung nước ngầm) ở đây rất lớn, lên tới hàng tỷ đô. Tỷ lệ cây xanh, mặt nước phải cao trong đô thị. Ví dụ, phải từ 1,5-2% là diện tích mặt nước mới đảm bảo điều tiết. Tiêu chí của khu đô thị phải đảm bảo tỷ lệ cây xanh, mặt nước. Nhưng thực hiện điều đó thì rất hạn chế!
Sau 2 tiếng diễn ra, cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề "Bao giờ Hà Nội thoát cảnh hết mưa là ngập" đã kết thúc. Hy vọng những giải đáp của các chuyên gia sẽ gợi mở ra những giải pháp thiết thực và hữu ích để giải quyết được câu chuyện ngập lụt ở Hà Nội hiện nay. |