Người Trung Quốc tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới. Ảnh: I.T
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), người Trung Quốc đang tiêu thụ thịt lợn nhiều nhất thế giới và cũng là nước nhập khẩu thịt lợn với số lượng lớn nhất thế giới. Đây là thị trường béo bở để các nước trên thế giới cạnh tranh nhau đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
Người Trung Quốc rất thích ăn thịt lợn. Theo số liệu thống kê, ở thời điểm bắt đầu cải cách mở cửa năm 1979, thịt lợn chiếm tới 92,1% trong số các loại thịt của người dân nước này. Đến nay, tỷ trọng thịt lợn vẫn còn chiếm tới 65,1% nhu cầu về các loại thịt. Sản lượng thịt lợn bình quân đầu người/năm của Trung Quốc cũng tăng mạnh từ 7,2 kg/người (1979) lên 41,5 kg/người (2016).
Thu nhập tăng kéo theo nhu cầu thịt lợn ở Trung Quốc tăng cao, ngay cả đối với những sản phẩm như móng và lòng lợn. Ngoài ra, tiêu chuẩn môi trường được thắt chặt ở Trung Quốc đã dẫn tới việc nhiều trang trại lợn ở nước này bị đóng cửa, thúc đẩy nhu cầu thịt lợn nhập khẩu với mức giá “mềm” hơn.
Nhiều nước đang xúc tiến để nhập khẩu thịt lợn vào Trung Quốc
Trong năm 2016, người Trung Quốc tiêu thụ tổng cộng 55 triệu tấn thịt lợn. Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu nhiều thịt lợn hàng đầu thế giới. Đến năm 2016, sản lượng thịt nhập khẩu đạt xấp xỉ khoảng 1 triệu tấn (bằng khoảng 2% sản lượng lợn trong nước). Đây là thị trường béo bở cho các nước.
Trong quý 1 năm 2017, Canada đã vượt mặt Mỹ xuất khẩu lợn sang Trung Quốc. Cụ thể, vào năm 2013, xuất khẩu thịt lợn của Mỹ sang Trung Quốc đạt khoảng 333.000 tấn, cao hơn gấp đôi mức 161.000 tấn từ Canada. Quý 1 năm nay, Canada đã xuất gần 93.000 tấn thịt lợn sang Trung Quốc, vượt mức 87.500 tấn của Mỹ, đồng thời hứa hẹn đạt mức 372.000 tấn trong cả năm.
Để xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc, các nước sản xuất bắt buộc phải loại bỏ hoàn toàn chất kích thích tăng trưởng ractopamine ra khỏi thức ăn cho lợn. Sở dĩ Canada có thể vượt mặt được Mỹ vì các trang trại tại nước này đã loại bỏ hoàn toàn chất ractopamine, trong khi ở Mỹ vẫn được sử dụng rộng rãi.
Thị trường thịt lợn ở Trung Quốc có tác động tới nhiều nước trên thế giới. Ảnh: I.T
Nhưng Cananda và Mỹ lại không phải là 2 nước xuất khẩu thịt lợn lớn nhất sang Trung Quốc mà Liên minh Châu Âu (EU) mới là đơn vị lớn nhất. Quý 1 năm nay, các nước EU đã xuất khẩu trên 393.000 tấn thịt lợn sang Trung Quốc. Trong khi đó, mặc dù là nước có nhiều cửa khẩu với Trung Quốc, song đến nay Việt Nam gần như chưa xuất khẩu được sản phẩm lợn chính ngạch sang thị trường hàng tỷ dân này.
Hầu hết lợn Việt Nam đưa sang Trung Quốc tiêu thụ là do thương lái xuất qua đường tiểu ngạch, với số lượng không ổn định và rất bấp bênh. Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trong các chuyến đàm phán về xuất khẩu thịt lợn, sữa, trứng... sang Trung Quốc của Bộ NNPTNT, phía bạn đều nhấn mạnh Việt Nam nên xuất lợn đã giết mổ cấp đông, hạn chế xuất lợn sống nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.
Ractopamine là một chất phụ gia thức ăn phổ biến ở trong chăn nuôi lợn ở Brazil và Mỹ. Chất phụ gia này làm tăng kích thước của các sợi cơ bằng cách tăng tổng hợp protein trong tế bào cơ. Nhiều người chăn nuôi lợn đã sử dụng ractopamine bởi nó giúp lợn phát triển nhanh hơn với lượng thức ăn ít hơn. Nhà chức trách Trung Quốc cấm sử dụng ractopamine trong thức ăn chăn nuôi từ năm 2002, với lý do chất này có thể gây nôn mửa và tiêu chảy ở người và đe dọa tính mạng của những người có bệnh lý tim mạch. Tại Việt Nam, ractopamine cũng bị cấm sử dụng từ năm 2002. |