Dân Việt

Làng đình chiến Triều Tiên: Nơi nguy hiểm nhất thế giới

Đăng Nguyễn - Business Insider 22/07/2017 06:55 GMT+7
Các phóng viên nước ngoài mới đây có chuyến đi đến làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom), nơi được coi là tiềm ẩn nguy hiểm bậc nhất thế giới.

img

Bàn Môn Điếm ngày nay là một ngôi làng không có người sinh sống.

Theo Business Insider, có nhiều người nói ngôi làng là nơi đáng sợ nhất Trái đất, có người lại chỉ coi đây là một điểm du lịch nổi tiếng.

Các phóng viên nước ngoài mới đây đã có chuyến đi đến Bàn Môn Điếm, nơi binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên nhìn thẳng vào mắt nhau qua đường ranh giới quân sự chia cắt hai nước.

Phía Hàn Quốc ngày 17.7 đề xuất hai vòng đàm phán trực tiếp với Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm, lần đầu vào ngày 21.7 và lần thứ hai trong ngày 1.8 nhưng chưa nhận được hồi đáp từ Bình Nhưỡng.

img

Cột cờ cao 160m ở bên kia biên giới Triều Tiên-Hàn Quốc.

Bàn Môn Điếm nằm trong khu vực phi quân sự (DMZ) dày đặc những bãi mìn chia cắt Triều Tiên-Hàn Quốc. Tuyến đường duy nhất dẫn đến ngôi làng bao quanh bởi khối lượng bom mìn, hàng rào dây thép gai, các chướng ngại vật chống tăng, đài quan sát cùng các ụ súng máy.

Các phóng viên nước ngoài tập trung tại trại Bonifas, căn cứ quân sự đặt tên theo một trong hai sỹ quan Mỹ thiệt mạng trong cuộc đụng độ với lính Triều Tiên năm 1976.

Một chiếc xe tải quân sự sau đó chở các phóng viên vào sâu thêm 4km nữa đến Bàn Môn Điếm.

img

Binh sĩ Triều Tiên canh gác tại khu vực phi quân sự.

Năm 1953, Triều Tiên và Hàn Quốc ký thỏa thuận ngừng bắn tại Bàn Môn Điếm, cách Seoul 55km. Đây vốn là một ngôi làng trồng lúa nhưng nay không còn người dân sinh sống.

Cách ngôi làng khoảng 1 km về phía đông là cụm nhà một tầng màu xanh mang tên Khu vực An ninh chung (JSA), do binh sĩ Hàn Quốc và Triều Tiên kiểm soát.

Tại đây, binh lính canh gác của hai miền chỉ đứng cách nhau vài mét. Họ có thể đứng từ xa lặng lẽ quan sát nhau nhưng không bao giờ được phép vượt qua ranh giới.

img

Binh sĩ Hàn Quốc canh gác ở Khu vực An ninh chung.

Phóng tầm mắt ra xa, các phóng viên nhìn thấy ngôi làng Kijong của Triều Tiên ở biên kia biên giới, với một cột cờ lớn cao 160 mét. Phóng viên AP nhìn thấy một người dân đạp xe trên đường dẫn đến cánh đồng, còn người khác đi bộ vào trong rừng.

Các phóng viên cũng nhìn thấy Cây cầu Không trở lại (Bridge of No Return), nơi Triều Tiên và Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc trao đổi tù binh cuối chiến tranh Triều Tiên.

img

Binh sĩ hai miền Triều Tiên được phép quay phim, chụp ảnh nhưng không được bước sang ranh giới bên kia.

Khu vực gần đó là nơi xảy ra vụ đụng độ năm 1976, khiến hai sỹ quan Mỹ Bonifas và Mark Barrett thiệt mạng.

Bàn Môn Điếm ngày nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Tuy nhiên, du khách đến đây từ Hàn Quốc phải ký một bản cam kết để tự chịu trách nhiệm đối với "sự an toàn và tính mạng của bản thân”.

Bất chấp nguy hiểm, hàng ngàn lượt khách du lịch vẫn đến thăm ngôi làng đình chiến này hàng năm.

Bất ngờ nguồn tiền của Triều Tiên cách xa... 1,3 vạn km

Quan hệ của Triều Tiên và các quốc gia châu Phi có lịch sử hơn 50 năm và vẫn phát triển, bất chấp lệnh cấm vận bủa...