Khi gặp người phụ nữ có hành vi chống đối, lực lượng CSGT cần bình tĩnh xử lý
Bình tĩnh lắng nghe
Thời gian qua, liên tục xảy ra các vụ việc người vi phạm giao thông chống đối, xúc phạm CSGT. Thống kê của Cục CSGT cho thấy, tính từ đầu năm 2017 đến nay toàn quốc xảy ra gần 30 vụ chống đối CSGT làm nhiệm vụ làm 2 chiến sĩ cảnh sát hy sinh và nhiều chiến sĩ khác bị thương.
Gần nhất là vụ việc chiến sĩ CSGT Công an TP.HCM bị một phụ nữ túm cổ áo, lăng mạ gây xôn xao.
Từ sự việc trên, nhiều người đặt ra câu hỏi, quá trình làm nhiệm vụ gặp phải phụ nữ có thái độ không đúng mực, lăng mạ, thậm chí tấn công, CSGT nên ứng xử như thế nào?
Trao đổi với PV về câu hỏi trên, thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên tổ trưởng tổ xử lý, Đội CSGT số 1, Công an TP Hà Nội) cho rằng, quá trình làm nhiệm vụ nếu gặp phụ nữ có thái độ không đúng mực, chiến sĩ CSGT phải thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp, giữ bình tĩnh, ứng xử linh hoạt để giải quyết các vi phạm.
“Quá trình xử lý vi phạm chiến sĩ CSGT phải luôn giữ thái độ đúng mực, cầu thị theo quy định ứng xử của lực lượng công an nhân.
Khi gặp người vi phạm tỏ thái độ chống đối không chấp hành, có những lời lẽ nặng nề thì chiến sĩ CSGT phải giữ bình tĩnh, lắng nghe người vi phạm giải thích, không tranh luận, cãi nhau tay đôi để tránh gây thêm căng thẳng.
Người vi phạm lúc đó có thể đang mất bình tĩnh vì chuyện gia đình hoặc lo lắng quyền lợi cá nhân bị ảnh hưởng nên khi bị cảnh sát kiểm tra họ bức xúc. Vì vậy, nếu chiến sĩ CSGT biết cách lắng nghe, khéo léo vận động giúp họ bình tĩnh trở lại thì việc giải quyết sẽ thuận lợi.
Từ cử chỉ cho tới lời nói của CSGT lúc này phải đúng mực để người vi phạm cảm thấy tâm phục, quần chúng người dân chứng kiến cũng ủng hộ mình.
Khi người vi phạm bình tĩnh rồi, chiến sĩ CSGT sẽ giải thích cho họ lỗi vi phạm và đề nghị chấp hành quy định pháp luật khi làm việc với lực lượng thực thi công vụ”, thượng tá Quỹ cho biết.
Trấn áp, bắt giữ “nữ quái” để giữ kỷ cương
Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho rằng, trong trường hợp lực lượng CSGT đã “lắng nghe”, giải thích mà người phụ nữ vi phạm vẫn cố tình chống đối, lăng mạ hoặc tấn công thì chiến sĩ cảnh sát hoàn toàn có quyền sử dụng biện pháp nghiệp vụ để trấn áp, bắt giữ đối tượng.
“Khi nhận thấy người phụ nữ không có thái độ hợp tác lực lượng CSGT cần thông báo đến lực lượng công an sở tại đến hiện trường xử lý, đồng thời báo cáo lãnh đạo cấp trên để được hướng dẫn cách xử lý và nhận thêm sự hỗ trợ.
Nếu người phụ nữ có hành vi lăng mạ, tấn công thì cần trấn áp bắt giữ ngay lập tức để giữ kỷ cương.
Tôi lấy ví dụ, trường hợp người phụ nữ có hành vi chửi bới lăng mạ, túm cổ áo CSGT tại khu vực gần ngã tư Ung Văn Khiêm - Nguyễn Xí (TP.HCM) gây xôn xao dư luận mới đây, chiến sĩ CSGT hoàn toàn có đủ thẩm quyền để cưỡng chế người phụ nữ này ngay để giao cho cơ quan chức năng xử lý về hành vi chống người thi hành công vụ”, thượng tá Quỹ nói.
Trao đổi PV, đại tá, PGS.TS Đỗ Cảnh Thìn – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho rằng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật nên dù nam hay nữ khi làm việc với cơ quan chức năng đều phải “thượng tôn pháp luật”. Nếu người vi phạm có hành vi lăng mạ, chửi bới, hành hung thì chiến sĩ CSGT cần khống chế bắt giữ để xử lý nghiêm theo quy định.
Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chống đối lực lượng CSGT hiện này là do một bộ phận nhỏ chiến sĩ CSGT còn lúng túng, thiếu nhanh nhạy trong quá trình xử lý.
Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân trong quá trình làm việc với CSGT còn kém. Khi vi phạm thì tìm cách xin lực lượng CSGT bỏ qua nhưng khi quyền lợi bị ảnh hưởng thì bắt bẻ, chống đối gây khó dễ.
Bên cạnh đó, chế tài xử lý đối với hành vi chống người thi hành công vụ hiện này còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Đại tá Đỗ Cảnh Thìn cho biết thêm, chấp hành điều chỉnh của lực lượng thực thi công vụ là nghĩa vụ bắt buộc của công dân có hiểu biết pháp luật. Nếu có căn cứ, tài liệu chiến sĩ cảnh sát vi phạm thì người dân có quyền khiếu nại, tố cáo tới cơ quan giát giải quyết, xử lý theo quy định. “Người dân không có quyền bắt bẻ, lao vào chửi bới, lăng mạ lực lượng thực thi công vụ”, đại tá Đỗ Cảnh Thìn nói.
Khi bị CSGT nhắc nhở vì chạy sai làn đường, người phụ nữ này đã ra khỏi xe và liên tục chửi bới, túm cổ áo chiến...