Đặc sản ở ven núi Tản
Toàn thôn có 193/289 hộ làm miến dong riềng với 162 máy chế biến tinh bột. Những hộ còn lại dù không sản xuất nhưng đều trồng loại cây này. Hoạt động sản xuất miến nơi đây luôn diễn ra sôi động quanh năm. Khắp trong nhà, ngoài sân những phên miến được phơi thành những hàng dài.
Ông Nguyễn Văn Duẫn (giữa) – Trưởng thôn, Chủ nhiệm HTX miến dong Minh Hồng giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Ảnh: T.H
Ông Nguyễn Văn Duẫn – Trưởng thôn – Chủ nhiệm HTX miến dong Minh Hồng cho biết, chính thổ nhưỡng vùng đất ven núi Tản, sông Đà đã làm nên sự khác biệt của miến dong nơi đây này. Tuy nhiên, một thời gian dài, do các công đoạn sản xuất miến đều làm thủ công, người dân nơi đây chủ yếu phát triển kinh tế bằng nghề trồng dong riềng và sản xuất tinh bột nên sản phẩm miến dong Minh Hồng ít người biết đến.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề này ngày càng phát triển bởi nguồn thu nhập từ miến mang lại có thể cao gấp 15-20 lần thu nhập làm nông nghiệp. Đến nay, diện tích cây dong riềng của Minh Hồng là 180ha. Ưu điểm của dong riềng là dễ chăm sóc, chịu hạn tốt, càng nắng hanh thì củ càng cho bột trắng và thơm hơn. Đặc biệt sản phẩm miến dong bây giờ được coi là đặc sản, cũng là sản phẩm ngon, sạch, đảm bảo chất lượng được người tiêu dùng lựa chọn.
Theo ông Duẫn, dong riềng được bà con trong thôn trồng quanh năm, nhưng vụ chính là từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch và thu hoạch nhiều nhất từ tháng 9 âm lịch đến tháng Giêng năm sau. Vào mùa thu hoạch dong riềng, cả thôn luôn tất bật. Các nhà có nương trên núi phải huy động mọi phương tiện để chở củ dong riềng về xưởng sơ chế, rồi chế biến tinh bột. Hiện nay, người làm miến dong Minh Hồng đã đầu tư máy móc hỗ trợ sản xuất nên lượng miến cũng đã tăng lên, trung bình mỗi năm một hộ sản xuất được 50 tấn miến.
Vươn tầm thương hiệu
Ông Phạm Tiểu Long – Chủ tịch UBND xã Minh Quang cho biết, lãnh đạo xã Minh Quang sớm nhìn nhận được cái khó của người làm miến thôn Minh Hồng là ở khâu sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ. Sự gắn kết giữa các hộ trong làng nghề chưa cao vẫn “mạnh ai nấy làm”, không có đại diện thu mua sản phẩm, giao thương và đại diện pháp lý cho làng nghề.
Vì vậy, khoảng 80% sản lượng miến sản xuất ra rơi vào tay thương lái. Bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết về ý nghĩa, giá trị của thương hiệu làng nghề và thiếu sự quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu. Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện không ít cửa hàng kinh doanh sản phẩm miến dong Minh Hồng nhưng không phải do người Minh Hồng làm ra.
Để giúp cho làng nghề thêm phát triển, Đảng ủy xã Minh Quang đã ban hành Nghị quyết về phát triển làng nghề, xây dựng thương hiệu miến dong Minh Hồng. Theo đó, xã tiếp tục xác định dong riềng là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương. Xã cũng đặt ra mục tiêu diện tích quay vòng hàng năm đối với cây dong riềng giữ mức ổn định là 180ha. Cùng với việc quảng bá sản phẩm, địa phương chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng, ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình chế biến.
Đáng nói, từ năm 2014, Phòng Kinh tế huyện và thôn Minh Hồng, xã Minh Quang đã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Minh Hồng”. Sau quá trình xây dựng, đến tháng 10.2016, sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận. Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Miến dong Minh Hồng” được xác lập, tổ chức quản lý, khai thác đã góp phần nâng cao vị thế của sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, duy trì và phát triển làng nghề.
Theo các hộ làm miến ở Minh Hồng, để làm được miến ngon, đảm bảo chất lượng nhất thiết phải lọc bột thật sạch. Khi đánh bột phải pha theo tỷ lệ chính xác để lúc tráng phải chín đều, sợi miến trong, dai, không gãy. 100% tinh bột sử dụng làm miến là do người dân tự xay. Đặc biệt, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các hộ làm miến Minh Hồng đều cam kết không sử dụng hàn the, thuốc tẩy hay các chất phụ gia độc hại.
Chất lượng tốt, nên miến dong Minh Hồng được bạn hàng ưa chuộng, sản xuất đến đâu bán hết đến đó. Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu thị trường cao nên nhiều gia đình không có miến để bán.
Đến nay, miến dong Minh Hồng được bao gói cẩn thận ghi rõ họ tên, địa chỉ số điện thoại hộ sản xuất chuyển đi tiêu thụ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhiều nhất là TP.HCM, Hạ Long, Quảng Ninh, Hải Dương, Phú Thọ, Hòa Bình… với giá bán buôn 50.000 đồng/kg. Trong thôn, nhiều hộ có doanh thu khoảng 250 triệu đồng/năm”. Ông Nguyễn Văn Duẫn – Trưởng thôn, Chủ nhiệm HTX miến dong Minh Hồng |